Lúng túng phòng chống dịch

23/02/2012 03:01 GMT+7

Rất nhiều hạn chế trong việc tổ chức phòng chống dịch đã được các chuyên gia thẳng thắn đề cập tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch năm 2011, tổ chức hôm qua tại Hà Nội.

Nhiều dịch bệnh nguy hiểm

Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lo ngại dự báo, sẽ có nhiều dịch "nóng" có nguy cơ bùng phát trong năm 2012. Cụ thể, tay chân miệng (TCM) vẫn ở mức cao liên tục 900-1.000 ca/tuần  kể từ cuối 2011 cho đến 7 tuần đầu năm nay. Còn không ít địa phương, chính quyền chưa thấy nguy hiểm của dịch, chưa chỉ đạo quyết liệt và chưa quan tâm dành ngân sách. "Cũng phải nhìn nhận năng lực y tế địa phương còn hạn chế, vì tham mưu chưa đủ sức thuyết phục, khiến chính quyền cũng không thấy rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh", ông Bình thẳng thắn nói.

 
Nguy cơ quá tải bệnh viện do dịch bệnh sẽ tái diễn trong 2012 - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo Cục Y tế dự phòng, năm 2012 dịch cúm H5N1 có độc lực mạnh vẫn có thể trở lại sau 20 tháng không ghi nhận và vi rút này vẫn có độc lực rất mạnh, tại thời điểm này, tỷ lệ tử vong lên đến 100%. Dịch TCM sẽ còn ở mức cao bởi khả năng lây lan dễ dàng và chưa có vắc xin phòng bệnh. "Đặc biệt, viêm màng não do não mô cầu có nguy cơ bùng  phát thành dịch lớn, thậm chí đại dịch", ông Bình nhấn mạnh. Hiện tại bệnh này rất dễ lây lan do thời tiết thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trong khi đó tỷ lệ người lành mang trùng lên đến 25% trong cộng  đồng.

Cần minh bạch thông tin

Các chuyên gia chỉ rõ những tồn tại khiến công tác chống dịch chủ động còn rất hạn chế.

Phó viện trưởng Viện  Pasteur Nha Trang Viên Quang  Mai cho rằng: “Chỉ bệnh nhân nào tới thì chúng ta biết ca bệnh đó, lượng bệnh nhân thì quá đông không đủ nhân lực cho điều tra, khảo sát thu thập mẫu”. Ông Mai bức xúc: "Ngay về chuyên môn cũng  rất hạn chế. Đừng nói người dân thiếu kiến thức mà ngay cả nhân viên y tế cũng không phân biệt được lâm sàng ca bệnh TCM điển  hình. Có bác sĩ Trưởng khoa Lây của BV tỉnh mà không phân biệt được bệnh nhân TCM". Trong khi đó năng lực xét nghiệm cũng rất yếu. Còn có bệnh viện tỉnh không có điều kiện, không xét nghiệm vi rút TCM. Mẫu bệnh phẩm gửi đi xa, tốn kém và rất mất thời gian chờ đợi kết quả. "Dịch TCM tăng mạnh nhưng hiện còn chưa có cả hướng dẫn giám sát TCM", ông Mai phàn nàn.

"Cần củng cố năng lực xét nghiệm tuyến dưới. Nhiều ca bệnh viêm màng não nhưng y tế cơ sở nơi điều trị không thể xác định được căn nguyên do vi rút hay vi khuẩn. Việc này ảnh hưởng việc ra quyết định điều trị", TS Nguyễn Trần Hiển (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) lưu ý thêm. Để kiểm soát dịch hiệu quả, TS Hiển cho rằng: "Với tình hình dịch như hiện nay, các địa phương cần minh bạch để làm sao thông tin đến với cộng đồng. Khi người dân biết diễn biến dịch thì sẽ có ý thức tốt hơn".

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cam kết: "Bộ Y tế đảm bảo thông tin kịp thời diễn biến dịch. Nhưng nếu các địa phương công bố dịch đúng thời điểm, đúng diễn biến thì sẽ huy động được nguồn lực, nhận được hỗ trợ chuyên môn... nhờ đó kiểm soát dịch tốt hơn, hạn chế các tổn thất về sức khỏe, sinh mạng cho người dân".

Số ca bệnh tay chân miệng tăng đột biến

 Sở Y tế Bình Định cho biết, tính đến chiều 21.2, toàn tỉnh có 166 ca mắc tay chân miệng. Trong vòng chưa đầy 2 tháng, số ca mắc đã tăng đột biến so với cùng kỳ, tập trung nhiều nhất ở H.Phù Mỹ với 93 ca. Tại các địa phương khác trong tỉnh, lượng người mắc bệnh tay chân miệng vẫn tiếp tục gia tăng; một lớp mầm non thuộc huyện miền núi An Lão đã phải cho học sinh nghỉ một tuần (từ 14-20.2). 

T.T.Duyên

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.