Lừa dối trắng trợn về vòng vàng nano

04/03/2011 00:29 GMT+7

Những thông số thể hiện trong hồ sơ nhập khẩu sản phẩm vòng vàng nano và kim cương nhân tạo cho thấy đơn vị bán hàng đã cố tình đưa nội dung quảng cáo sai sự thật để “móc túi” người tiêu dùng…

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện còn 4 kênh truyền hình của các đài truyền hình: Tiền Giang, Bến Tre, SCTV, HTVC đang có quảng cáo bán vòng đeo cổ cao cấp với tên gọi mỹ miều “vàng nano”, “kim cương nhân tạo”. Một số kênh truyền hình khác (khoảng 10 kênh) trước đây có quảng cáo nhưng đến nay thì không còn phát sóng.

 
Minh họa: DAD

Một trong những clip quảng cáo chúng tôi ghi nhận, sản phẩm nữ trang này được quảng bá như sau: “Trải qua ba năm nghiên cứu. Sử dụng kỹ thuật nano, nghiên cứu ra một kim loại quý hoàn mỹ có thể thay thế được vàng, đó chính là dây chuyền vàng nano. Dây chuyền vàng nano sử dụng kỹ thuật nano, phân giải nano, đặc tính của kim loại quý kết hợp với 24 loại kim loại quý khác, dưới tác động mạnh sản phẩm cũng không bị biến dạng, gặp acid cũng không bị đổi màu. Càng đeo càng bóng. Dây chuyền vàng nano lấp lánh cả ngày lẫn đêm. Dây chuyền vàng nano được tạo ra từ 36 miếng vàng gia công tỉ mỉ…”.

Toàn đồng, sắt và kẽm…

Thế nhưng, thực tế mặt hàng này được nhập khẩu từ Trung Quốc và bán bởi Công ty TNHH một thành viên trang sức Ngọc Bích (địa chỉ: 128F Phạm Văn Hai, P.3, Q.Tân Bình, TP.HCM). Điều đáng ngạc nhiên là trong bộ hồ sơ nhập khẩu đơn vị này kê khai là vòng đeo cổ bằng kim loại (bằng kim hoàn giả) chứ không phải “vòng đeo cổ vàng nano”.

“Kim cương nhân tạo” chỉ là… đá

Về mặt hàng được quảng bá là “kim cương nhân tạo”, đơn vị bán hàng kê khai với Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất chỉ là “đá nhân tạo”. Không hề có kết quả kiểm nghiệm loại đá này là “kim cương” khi nộp hồ sơ quảng cáo ở các đài truyền hình. Một nạn nhân của sản phẩm nữ trang “đồng và “sắt” này từng đem viên “kim cương nhân tạo” này đi kiểm nghiệm ở  Trung tâm Nghiên cứu địa chất - đá quý (TP.HCM) thì phát hiện đây chỉ là đá Zirconia, mà thuộc cấp thấp nhất.

Quan trọng hơn, trong kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 đối với vòng đeo cổ mã hàng J00005AA-1 (công ty này quảng bá là vòng vàng nano hay dây chuyền vàng nano nam) thì hàm lượng đồng (Cu) chiếm 62,8%, kẽm (Zn) chiếm 36,9%, số còn lại gồm niken, chì, sắt, titan, thiếc mỗi loại khoảng từ 0,01 - 0,18%.

Tương tự, vòng đeo cổ mã J00005AA (nữ), hàm lượng đồng chiếm 63,3%, kẽm chiếm 36,3%, số còn lại cũng gồm niken, chì, sắt, titan, thiếc mỗi loại khoảng từ 0,01 - 0,21%. Bên cạnh đó, thành phần chính của dây chuyền trong “dây chuyền kim cương nhân tạo" là sắt (Fe) chiếm 68,1%, còn lại là những hàm lượng khác như silic, crôm, mangan, niken, đồng, thiếc... chiếm hàm lượng từ 0,01 đến 17,5%. Tuyệt nhiên không hề có hợp kim vàng.

Người tiêu dùng bị “chém đẹp”

“Dây chuyền vàng nano kiểu nữ nặng hơn 10g, kiểu nam nặng 20g xa hoa, nổi bật đầy khí phách. Tại Mỹ, một dây chuyền vàng nano là 8 triệu đồng, tại Nhật giá 7,5 triệu đồng, Hàn Quốc cũng hơn 6 triệu đồng. Nhưng lần này ở Việt Nam giá chỉ có 1.380.000 đồng. Đặt mua trong vòng 5 phút, còn được tặng dây chuyền bạc nano trị giá 1 triệu đồng. Chúng tôi bán ra với giá cực thấp, chưa đến 50%...”, là lời một đoạn quảng cáo trên truyền hình. Sự thật thế nào?

Thực chất, giá nhập khẩu của đơn vị này kê khai với hải quan chỉ từ 4,2 đến 38,5 USD/cái, trong đó rất nhiều mặt hàng ở mức giá khoảng 20 USD. Tức nếu quy theo tỷ giá USD/VND hiện tại, giá nhập thấp nhất chỉ khoảng từ 88 ngàn đồng/sản phẩm, cao nhất khoảng 800 ngàn đồng/sản phẩm và bình quân hơn 400 ngàn đồng/sản phẩm. So với giá bán “rẻ 50% như quảng cáo ở trên”, quả thật người mua hàng đã bị “chém đẹp”.

Điều đáng nói, theo quy định về tiếp nhận quảng cáo trên truyền hình, các sản phẩm này khi quảng cáo đều phải nộp kèm một bộ hồ sơ chứng minh về nguồn gốc xuất xứ và kết quả giám định chất lượng. Tức là đài truyền hình hoàn toàn biết đây là nữ trang “giả”, nhưng lại duyệt cho đăng quảng cáo đây là “vàng nano” khiến nhiều khổ chủ mất tiền.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 3.3, ông Đào Kim Phú, Trưởng đại diện Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin - Truyền thông tại phía Nam, cho biết từ phản ánh của Báo Thanh Niên và khiếu nại của người tiêu dùng, ông đã yêu cầu các đài truyền hình liên quan báo cáo toàn bộ việc phát sóng quảng cáo sản phẩm này. Sau đó, sẽ xem xét kiến nghị xử lý các đài vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. “Quảng cáo vòng nano vàng là hoàn toàn sai sự thật”, ông Phú nói.

Có dấu hiệu phạm tội hình sự

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), doanh nghiệp vì những lợi ích của mình, muốn bán được hàng mà dùng thủ đoạn gian dối, quảng cáo sai sự thật về hàng hóa để khách hàng bị mất tiền khi mua hàng không đúng với thực chất quảng cáo… là phạm tội “quảng cáo gian dối” có khung hình phạt tù có thể đến 5 năm. Việc đơn vị bán sản phẩm nữ trang nêu trên biết rõ các sản phẩm không hề có vàng, mà vẫn quảng cáo là “vàng nano” để bán ra thị trường là đã có đủ dấu hiệu để xử lý hình sự về tội “quảng cáo gian dối”.

Còn theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), đài truyền hình có trong tay bộ hồ sơ nhập khẩu và các thông số kỹ thuật về sản phẩm này mà vẫn duyệt quảng cáo sai sự thật là vi phạm vào điểm b, khoản 5 điều 26 Nghị định số 02/2011 ngày 6.1.2011 của Chính phủ, có mức xử phạt đến 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, hầu hết những chương trình quảng cáo này đều vi phạm về thời lượng quảng cáo trên truyền hình.

Lê Nga (ghi)

Lê Nga - Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.