Lòng khoan dung và xã hội khoan dung

03/12/2014 12:50 GMT+7

(TNO) 'Khoan dung là hài hòa trong khác biệt. Khoan dung vừa là một bổn phận đạo đức, vừa là một đòi hỏi pháp lý và chính trị' - tuyên bố của UNESCO về Năm quốc tế khoan dung 1995.

Kỳ 1: Vua Trần Thái Tông và thời đại khoan dung

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên -  Mông lần thứ nhất (1258), trước sức tấn công như vũ bão của địch, vua quan nhà Trần đã bình tĩnh đưa dân chúng rời bỏ kinh thành Thăng Long nhằm bảo tồn lực lượng để tổ chức phản công. Vua Trần Thái Tông tự mình làm tướng đi đốc chiến. Theo Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), nhà vua “đi trước xông pha tên đạn”, nếu không nhờ tướng Lê Phụ Trần liều thân đem ván thuyền che chắn thì chắc đã bỏ mạng nơi chiến trường. Trước thế giặc như chẻ tre, vua cưỡi thuyền nhỏ đến thuyền của Thái úy Trần Nhật Hạo hỏi kế, nhưng ông Thái úy đã không còn chút nhuệ khí chiến đấu nào nên lấy tay chấm nước viết vào mạn thuyền hai chữ “nhập Tống”. Vua ngao ngán dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ thì được một câu trả lời vang danh sử sách: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Đó là ngày 29.1. Chỉ 12 ngày sau, vua Trần Thái Tông cùng Thái tử Hoảng (sau này là vua Trần Thánh Tông) chỉ huy cuộc phản công làm nên chiến thắng Đông Bộ Đầu lịch sử.


Đền Trần ở Thái Bình - nơi thờ cúng các vị vua Trần - Ảnh: Hoàng Long

Ngay sau khi giặc rút lui, sử sách có ghi một chi tiết đáng chú ý: Cùng lúc thưởng “nóng” cho Hà Bổng, đồng thời tha “nóng” cho Hoàng Cự Đà.

Hà Bổng là chủ trang trại ở Quy Hóa (vùng giáp giới giữa tỉnh Phú Thọ và tỉnh Yên Bái ngày nay) tuy không được triều đình giao nhiệm vụ, nhưng khi quân Nguyên thua chạy về đây ông đã tự động chiêu tập dân binh đánh úp, được vua phong tước hầu.

Còn Hoàng Cự Đà, vốn là một tiểu hiệu trong cung vua, chỉ vì một miếng ăn mà phản phúc. Do trước đây, một lần vua có ban cho tả hữu ăn món xoài, hồi đó là loại quả quý từ phương nam mang về, người phân phát đã sơ ý không chia cho Đà, khiến cho anh ta ôm hận. Lúc quân Nguyên tới Đông Bộ Đầu, anh ta đã dùng thuyền bỏ trốn, gặp Thái tử đem quân ngược dòng Hoàng giang, anh ta lại lách đi. Đáp lại lời quan quân hỏi “Quân Nguyên ở đâu?”, anh ta nói: “Không biết. Hãy hỏi những kẻ ăn xoài”. Khi xét tội, Thái tử đề nghị khép Cự Đà vào tội cực hình để răn đe những kẻ bất trung, nhưng Trần Thái Tông bảo Cự Đà tội tuy đáng chém nhưng đó là lỗi của ông trong việc chia xoài, nên tha chết, cho đánh giặc để chuộc tội.

Ghi lại câu chuyện trên, ĐVSKTT có lẽ có hàm ý nói lên lòng khoan dung của vua Trần Thái Tông, nhưng không bình luận. Còn Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn thì “phê”: “Đây cũng chỉ là hiếu danh mà thôi, không được chính đáng bằng ý kiến của Thái tử”.

Trần Thái Tông có “hiếu danh” hay không thì có thể tìm câu trả lời trong lịch sử. Vốn không muốn làm vua, ông coi ngai vàng chỉ là “chiếc giày rách”, từng nửa đêm trốn lên Yên Tử, không phải để “làm cao”, mà ông thực sự chỉ muốn làm một người bình thường sống yên ổn nơi rừng núi. Nhưng người ta ép ông phải về, ép ông phải “lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình” (lời thiền sư Viên Chứng), nên ông phải miễn cưỡng về làm vua trở lại, nhưng chỉ làm vua đến năm 40 tuổi thì thoái vị, mở ra một tấm gương không tham quyền cố vị. Con cháu ông, tất cả các vị vua nhà Trần không một ai ở ngôi vua quá tuổi 41.

Nhưng lòng khoan dung của vua Trần Thái Tông không chỉ thể hiện ở chỗ “tha chứ không giết” như trường hợp của Hoàng Cự Đà. Lòng khoan dung của ông rộng lớn hơn nhiều, bàng bạc trong toàn bộ công cuộc trị quốc cũng như xử lý những việc liên quan đến con người - những điều mà các sử gia sau này, do bị câu thúc bởi các giáo điều cứng nhắc, đã không thể nào thấu hiểu.

Làm thế nào để một đất nước nhỏ bé về diện tích và dân số như nước ta lại có thể 3 lần đánh thắng đội quân xâm lược hùng mạnh nhất hành tinh lúc đó là quân Nguyên - Mông? Chỉ có thể giải thích là do ý chí, do quyết tâm, do mưu lược, do cả nước đồng lòng. Nhưng cái gì đã tạo nên những thứ đó?

Ngày nay chúng ta không đủ sử liệu để hiểu một cách tường tận các chính sách kinh tế nhằm tăng cường quốc lực của nhà Trần như thế nào, nhưng qua những ghi chép lác đác chúng ta cũng biết được phần nào về chính sách ruộng đất, việc giảm nhẹ thuế má, về “ngụ binh ư nông”, về khai thông sông ngòi kênh rạch làm thủy lợi và phát triển hệ thống đê điều chống lũ… Một số các chính sách làm nhẹ sức cho dân đó đã bị các sử gia hiểu một cách sai lệch. Chẳng hạn, vào năm 1248, sử sách có ghi nhà Trần bắt đầu cho đắp đê quai vạc và thực hiện chính sách đền bù “theo giá trả lại tiền” đối với những diện tích đất của dân bị dùng cho đắp đê, nhưng cũng trong năm đó, ĐVSKTT ghi: “Sai các nhà phong thủy đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, như việc đào sông Bà Lễ, đục núi Chiêu Bạc ở Thanh Hóa, còn lấp các khe, mở đường ngang dọc thì nhiều không kể xiết, đó là làm theo lời Thủ Độ”. Đây thực chất là việc khai thông sông ngòi, làm đê chắn biển, phát triển giao thông đường bộ cũng như đường thủy và tạo một hệ thống thủy lợi rộng khắp phục vụ cho việc mở rộng sản xuất nông nghiệp của người dân, là công trình vĩ đại nhằm “khoan thư sức dân”, đem lại lợi ích lâu dài cho đất nước, lại bị các sử gia quy kết là “trấn yểm” và chê là “không có học vấn”.

Có lẽ thời nhà Trần là thời kỳ Việt Nam có đời sống thông thoáng nhất. Xã hội đủ rộng để dung chứa mọi sự khác biệt, tinh thần “tam giáo đồng nguyên” (chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau) là biểu hiện rõ nhất của xu hướng này. Ở đây, chúng ta còn thấy xuất hiện sự tôn trọng tự do cá nhân và giải phóng các vấn đề riêng tư.

Việc Trần Thái Tông buộc phải lấy chị dâu của mình là công chúa Thuận Thiên với lý do “quốc gia đại sự” ngày nay có thể còn nhiều tranh cãi, nhưng việc thái hậu Trần Thị Dung tái giá với Trần Thủ Độ, việc Lý Chiêu Hoàng được “gả” cho tướng Lê Phụ Trần bị các sử gia lớn tiếng chỉ trích là “đầu têu dâm loạn”, thực chất là tôn trọng khát vọng làm vợ làm mẹ chính đáng của người phụ nữ.

Chuyện Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Vương) yêu công chúa Thiên Thành, nhưng Thiên Thành bị đem gả cho Trung Thành Vương, Quốc Tuấn không chịu, nên “đương đêm lẻn vào tư thông với công chúa”, Trần Thái Tông không những không trị tội mà còn gả luôn Thiên Thành cho Trần Quốc Tuấn.  Sự kiện này cho thấy Trần Thái Tông đã tôn trọng tự do luyến ái giữa hai người, nhưng Ngô Sĩ Liên cho là “hôn nhân bất chính”, còn Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì bình luận: “Trần Quốc Tuấn là người văn võ toàn tài, đủ cả trung lẫn hiếu, duy phải một vết xấu này, nên không được là người hoàn toàn. Có lẽ thói chung chạ của nhà Trần đã ăn sâu vào đầu óc người ta, đến nỗi họ cho việc ấy là tự nhiên, không có gì là quái lạ”. (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

>> Di tích nhà Trần trở thành di tích quốc gia đặc biệt
>> Trùng tu hay phá hoại di tích văn hóa nhà Trần ?
>> Trùng tu hay phá hoại di tích văn hóa nhà Trần? - Kỳ 2: Làm rõ thái độ 'bình chân như vại
>> Những phát hiện khảo cổ 2012 - Tái hiện lăng vua Trần
>> Tượng đồng 14 vị vua Trần sẽ được hoàn thành vào cuối năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.