Lo lắng tình trạng người nghiện gây án bạo lực

07/11/2014 21:30 GMT+7

(TNO) Tình trạng người nghiện gây án bạo lực, nguy cơ phát sinh người nghiện mới… là những vấn đề được các lãnh đạo TP.HCM nêu ra tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy , mại dâm vào chiều 7.11.

>> Không nên để người nghiện tự do đi lại
>> Không thể để người nghiện thành nguồn tội phạm
>> Kiến nghị đưa ngay người nghiện vào trung tâm
>> TP.HCM kiến nghị sửa đổi biện pháp giáo dục người nghiện

Lo lắng tình trạng người nghiện gây án bạo lực 1
Người nghiện uống methadone tại Trung tâm Y tế dự phòng quận 8, TP.HCM

Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận…

'Nhận một cái là… chết liền'

Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, số người nghiện trên địa bàn thành phố tăng rất nhanh. Số liệu thống kê được theo danh sách quản lý đến tháng 9.2014 đã có hơn 19.000 người nghiện, tăng 33% so với năm 2013. Trong đó, 75% người nghiện không có thu nhập, nếu có thì cũng không đủ tiền mua ma túy để sử dụng, dẫn đến khả năng gây án, chiếm đoạt tài sản rất cao. Điều này đã tạo áp lực rất lớn cho Công an TP.HCM trong vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án có tính chất bạo lực, hành vi dã man do người nghiện gây ra: giết người phân xác, chặt tay nạn nhân để cướp tài sản, đe dọa tính mạng người thân…

Ông Minh chỉ ra một bất cập của quy định pháp luật, đó là người thi hành pháp luật bị chế tài nhiều hơn người vi phạm. Điều này dẫn đến một hệ lụy là công an phường gần như rất ít lập biên bản về người nghiện sử dụng ma túy trái phép, mà hình sự đặc nhiệm làm nhiều hơn. Lý do là lập biên bản người nghiện rồi nhưng sau đó nếu người nghiện không chấp hành hình thức xử lý, thì chính người lập biên bản sẽ bị truy trách nhiệm.

Lo lắng tình trạng người nghiện gây án bạo lực 2
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền (áo tím) làm việc với UBND quận 8

Lo lắng tình trạng người nghiện gây án bạo lực 3
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận

Ông Minh dẫn ra một bất cập khác, quy định giao người nghiện cho tổ chức xã hội quản lý là hoàn toàn không khả thi.

 

Lo phát sinh nguồn nghiện mới từ hút shisa  

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng giới trẻ TP.HCM hút shisa rất phức tạp, trong khi không có quy định pháp luật để chế tài, xử lý.

Theo ông Thuận, nhiều thanh niên ở thành phố sẽ trở thành những con nghiện mới nếu không xử lý được vấn đề này. Do không có quy định pháp luật để làm căn cứ xử lý, TP.HCM “xử” bằng cách tịch thu các bình shisa vì đây là loại hàng hóa nhập lậu. Tuy nhiên, nhiều nơi lại “lách” bằng cách sử dụng vỏ chai rượu để chế thành bình hút shisa. Kiểu lách này khiến thành phố “bó tay”, không xử lý được.

“Nguy hiểm ở chỗ người hút sử dụng ma túy đá nghiền nhỏ trộn vào bình để hút. Thanh niên từng nhóm rất trẻ, có cả nam lẫn nữ cùng hút. Đây là nguồn phát sinh người nghiện mới”, ông Thuận lo lắng.

Theo ông Minh, hiện chưa có tổ chức xã hội nào đủ khả năng quản lý, cai nghiện cho lượng người nghiện lớn như vậy. Nếu có, chúng ta giao thì chưa chắc họ sẽ nhận. Vì nhận một cái là chết liền. Yêu cầu họ quản lý mà mình đòi hỏi khi kêu người nghiện thì phải có mặt, nhưng mình lại cho phép người nghiện được tự do đi lại, thì làm sao mà quản được.

“Bây giờ hỏi ai có thẩm quyền xác nhận tình trạng người nghiện (theo luật Xử lý vi phạm hành chính - PV) thì ở TP.HCM không có người nào hết”, ông Minh chỉ ra thêm một bất cập khác.

Có quá nhiều bất cập, vướng mắc "giăng đầy trước mặt" chưa được tháo gỡ nên đành "bó tay" trong việc đưa người nghiện đi cai theo luật Xử lý vi phạm hành chính.

Người nghiện lòng vòng ngoài cộng đồng quá nhiều, gây bất an cho xã hội, thiệt hại không thể đo đếm được bằng tiền.

Cần tập trung cai nghiện

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM Trần Trung Dũng, trước tình trạng báo động về người nghiện, việc tập trung quản lý người nghiện là hết sức cần thiết.

TP.HCM đã hoàn tất phương án chuyển đổi Trung tâm cai nghiện Bình Triệu (quận Thủ Đức) và Trung tâm Nhị Xuân (huyện Hóc Môn) thành 2 trung tâm tiếp nhận xã hội để quản lý, giúp đỡ người nghiện lang thang.

Lực lượng làm công tác cai nghiện của TP.HCM có kinh nghiệm nhiều năm nhờ đã từng tham gia công tác cai nghiện theo Nghị quyết 16 của Quốc hội trước đây, hiện nay số lượng vẫn còn khoảng 1.300 người, đủ sức lo liệu được vấn đề cai nghiện tập trung.

“Hầu như các bậc cha mẹ muốn hợp tác với nhà nước để có biện pháp cách ly con họ khi bị nghiện, muốn được vào trung tâm cai nghiện để cắt cơn, phục hồi sức khỏe. Bây giờ rất nhiều người nghiện ma túy đá dẫn đến loạn thần”, ông Dũng nói.

Không dám chắc người nghiện sẽ hết mê cảm giác phê
 
Sáng 7.11, đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến làm việc với Trung tâm Y tế dự phòng quận 8 (TP.HCM) về vấn đề cai nghiện tại cộng đồng bằng thuốc methadone.

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, bác sĩ Phạm Văn Hiếu, Trưởng khoa tham vấn và hỗ trợ cộng đồng của trung tâm này cho biết nhiều người tham gia chương trình điều trị bằng methadone đã bỏ trị. Lý do là việc tham gia dựa trên tinh thần tự nguyện. Qua test nhanh thì có 50% người nghiện uống methadone vẫn còn sử dụng hàng “đá”. Nói người nghiện điều trị bằng methadone rồi sẽ hết mê cảm giác phê ma túy thì không dám chắc.

Bác sĩ Hiếu cho biết nhiều người nghiện là bệnh nhân của trung tâm cũng trời ơi đất hỡi lắm, từng vào tù nên trung tâm cũng hay làm phiền công an phường khi có sự cố gì đó xảy ra. Bệnh nhân cũng nhiều chiêu trò. Đến nhận thuốc uống nhưng có người chỉ ngậm trong miệng, ra khỏi trung tâm thì phun ra hết.

Chủ tịch UBND quận 8 Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định cai nghiện tại cộng đồng không hiệu quả. “Trình độ, điều kiện của người nghiện ở nước ta khác với nước ngoài, nên cần có biện pháp hữu hiệu để giúp họ cắt cơn, giải độc, xa rời ma túy nhằm đảo bảo lợi ích chung của cộng đồng, xã hội”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.

Bài, ảnh: Đình Phú

>> Người nghiện gây án - Bài 4: Dồn sức chuyển hóa địa bàn
>> Người nghiện gây án - Bài 3: Nhức nhối “chợ” ma túy
>> Người nghiện gây án - Bài 2: Hàng ngàn người sau cai “biến mất”
>> Người nghiện gây án - Bài 1: Nỗi ám ảnh đường phố

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.