Lao động Việt Nam bắt đầu rời Libya

24/02/2011 09:33 GMT+7

Theo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Libya, trong ngày 23.2, cơ quan này đã liên hệ thu xếp cho 200 lao động Việt Nam đầu tiên rời Liya về nước do tình hình bất ổn tại đây. Trong vài ngày tới, hàng ngàn lao động khác cũng sẽ trở về.

Vẫn an toàn

Theo báo cáo nhanh từ 20 doanh nghiệp có lao động đang làm việc tại Libya: trong tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya, có khoảng 2.000 lao động đang làm việc tại thành phố Benghazi - nơi xảy ra bạo động lớn, số còn lại đang làm việc tại Tripoli và các vùng lân cận. Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các công trường đều đã tạm dừng hoạt động. Các lao động Việt Nam đều được sơ tán đến nơi an toàn.

Trao đổi với Thanh Niên qua điện thoại chiều 23.2, ông Nguyễn Đức Nam, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Libya cho biết: “Trong những ngày qua, chúng tôi đã liên tục khuyến cáo lao động ta không được tham gia vào cuộc biểu tình cũng như gây gổ với người bản địa. Điều rất mừng là cho đến nay tình hình an ninh của lao động Việt Nam vẫn được duy trì tốt, chưa có bất cứ trường hợp nào bị thương vong”.


Hàng ngàn lao động VN sẽ phải rời Libya về nước (ảnh chụp tại một công trường xây dựng của Libya) - Ảnh: T.Trang

Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ thương mại hàng không (Airseco) cho biết, công ty hiện có khoảng hơn 200 lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng tại thành phố Benhazi. Từ 3 ngày nay, lao động Việt Nam tại Libya đã dừng làm việc trên các công trường. Phía chủ lao động là Tập đoàn China State (Trung Quốc) “cấm trại” và yêu cầu các lao động không được ra ngoài. “Rất may, do không hợp khẩu vị nên chủ lao động đã dự trữ lương thực, thực phẩm nên không lo ngại thiếu lương thực, ít nhất trong vài tháng tới”, ông Vui nói.

Còn ông Đoàn Đại Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona) - đơn vị đưa lao động sang Libya đông nhất cho biết: “Diễn biến tình hình tại Libya nóng lên từng ngày, để đảm bảo an toàn cho các lao động, đòi hỏi thông tin phải cập nhật thường xuyên. Tuy nhiên, do tình hình bạo động nên thông tin liên lạc rất khó khăn, điện thoại nghe lúc được, lúc không. Tính ra, mỗi ngày chúng tôi dành khoảng 5 - 6 tiếng chỉ để gọi điện thoại”. Cũng theo ông Thành, hơn 2.000 lao động của công ty đều dừng làm việc, hiện đang ở tập trung tại các KTX nằm rải rác khắp các thành phố của Libya. “Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi hiện nay là an toàn cho lao động là trên hết. Trong thời gian chờ sắp xếp lịch trình về nước, các lao động được đảm bảo an toàn tính mạng và đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt đầy đủ”, ông Thành cho biết.

Lên phương án đưa về nước

Chiều 23.2, đại diện Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Libya đã tới sân bay để liên hệ làm các thủ tục cho chuyến bay đầu tiên đưa lao động Việt Nam rời khỏi Libya. “Hiện tại sân bay nước bạn đã ngừng toàn bộ các chuyến bay thương mại, chỉ dành cho một số chuyến bay thuê và nhân đạo. Chúng tôi đã thuê được một chuyến, nếu không có gì trở ngại thì hôm nay sẽ có trên 200 lao động được về theo chuyến bay này”, ông Nguyễn Đức Nam, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Libya thông tin.

Theo ông Nam, hiện tại người lao động Việt Nam nói riêng, người ngoại quốc nói chung đang được người dân Libya và một số tổ chức nhân đạo hỗ trợ bánh mì, nước uống nên vấn đề thiếu thốn lương thực không xảy ra. Tuy nhiên, tình trạng này không thể kéo dài khi EU vừa ra thông báo sẽ thực hiện lệnh cấm vận đối với Libya.

“Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện chủ trương đưa toàn bộ lao động về nước nhưng việc này gặp không ít trở ngại. Về lương thực thực phẩm, ngay cả người dân bản địa cũng thiếu thốn chứ chưa nói là người ngoại quốc. Thêm vào đó, nhiều thành phố có các lực lượng trấn giữ nên người lao động rất khó di chuyển”, ông Nam thông tin.

Đại diện của Airseco cho biết, trong ngày hôm qua, phía chủ lao động đã thông báo sẽ đưa các lao động Việt Nam về nước trong vài ngày tới. Do tình hình hỗn loạn, sân bay tại Libya bị đóng cửa nên phương án 1 là sẽ sơ tán lao động sang Hy Lạp, rồi bay về Việt Nam. Phương án 2, sẽ cùng với các lao động Trung Quốc về bằng đường tàu biển. Sau đó, chủ lao động sẽ mua vé máy bay về Việt Nam. “Ngoài lo phương tiện và chu cấp vé máy bay về nước, lao động Việt Nam sẽ được phía chủ lao động hỗ trợ tối từ đa từ 3 - 6 tháng lương”, ông Vui nói.

Ông Nguyễn Đức Nam cũng cho rằng, phương án đưa người lao động về nước tốt nhất hiện nay là theo đường hàng không, tuy nhiên với số lượng lao động lớn cần phải có nhiều chuyến bay và để thực hiện phải có sự can thiệp ở cấp Chính phủ.

Trong chiều qua, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, trước mắt, Cục yêu các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đối tác tìm các phương án để đưa người lao động về nước. “Việc đưa lao động về sẽ phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi của họ nhưng trong lúc này, chủ trương trên hết của chúng là phải đảm bảo an toàn cho họ. Các vấn đề khác tính sau”, ông Quỳnh nói.

Tạm dừng các hợp đồng lao động sang Libya

Đánh giá của các doanh nghiệp XKLĐ, Libya là một trong những thị trường sử dụng nhiều lao động với những yêu cầu không quá khắt khe, thu nhập có thể đạt từ 350 - 1.000 USD/tháng. Dự kiến, trong giai đoạn 2011-2015, mỗi năm Việt Nam sẽ đưa từ 5.000 - 7.000 lao động sang Libya làm việc. Với những diễn biến bất ổn tại Libya, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu lao động của Việt Nam trong năm 2011.

Theo ông Đoàn Đại Thành, hợp đồng đã ký với đối tác, năm nay công ty này đưa khoảng 2.300 lao động sang thị trường này. Ngày 20.2 vừa qua, Công ty Sona đã hủy kế hoạch đợt đưa lao động sang Libya.

Theo đại diện của Airseco, công ty này đã nhận đơn hàng cung cấp khoảng 2.000 lao động sang thị trường Libya. “Theo ý kiến chỉ đạo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tạm thời chúng tôi dừng các hợp đồng”, ông Vui nói.

Thu Hằng - Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.