Lãng phí trong tổ chức lễ hội

30/05/2010 02:13 GMT+7

Chưa nước nào trên thế giới có nhiều lễ hội như VN. Đó là nhận xét của Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Quảng Nam, ông Ngô Văn Minh (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH) khi nói về tình trạng lãng phí trong tổ chức lễ hội kiểu “trăm hoa đua nở” như hiện nay.

* Có ý kiến cho rằng trong điều kiện đất nước cần tập trung nguồn lực để phát triển thì chúng ta lại quá lãng phí tiền của, thời gian vào việc tổ chức lễ hội tràn lan ở các địa phương. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

- Đúng là như thế. Chúng ta tổ chức các lễ hội mục đích nhằm phát huy sâu sắc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, những sự kiện có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau hoặc nhằm quảng bá hình ảnh của vùng miền, của đất nước... là cần thiết, nhưng vì chúng ta không quản lý tốt việc tổ chức lễ hội dẫn tới tình trạng phát triển tràn lan. Hầu như tỉnh nào mỗi năm cũng có 2 - 3 lễ hội trong khi có những nội dung, sự việc không cần thiết phải như thế, không cần phải huy động tới hàng nghìn người. Thực trạng này gây bức xúc trong dư luận, chính các đại biểu QH cũng phản ứng.

Trước đây khi tổ chức lễ hội thường mời các nghệ sĩ chuyên nghiệp để biểu diễn ca múa nhạc, chỗ nào cũng na ná những chương trình như thế. Sau đó có ý kiến phản ứng mới bắt đầu chuyển qua việc dùng diễn viên quần chúng, phong trào tại địa phương. Giờ lại chuyển sang tình trạng một đêm lễ hội cả nghìn người tham gia, tôi thấy quá lãng phí. Thậm chí, còn có cả lễ hội di sản, lễ hội trái cây… mà thực ra là không cần thiết. Tôi nghĩ trên thế giới này không có nước nào tổ chức nhiều lễ hội như ở VN. Các nước không cần tổ chức nhiều lễ hội như ta mà vẫn có những hành động thiết thực tạo dấu ấn, đem lại hiệu quả, vẫn tôn vinh được những sự kiện, giá trị lịch sử của nước họ.

 

Lễ hội làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh do người dân tự tổ chức - ảnh: L.Q.P

* Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ QH vừa rồi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước có đề nghị từ năm nay Chính phủ phải báo cáo số kinh phí chi tiêu cho lễ hội để làm rõ lãng phí, kịp thời chấn chỉnh. Theo ông thì việc làm này đã cần kíp chưa và cần giải pháp gì để chấm dứt tình trạng tràn lan lễ hội?

- Nên làm ngay. Bây giờ phải đề nghị địa phương báo cáo tất cả lễ hội vừa rồi, nhất là trong năm 2009 đã tiêu hết bao nhiêu tiền ngân sách. Đó mới là con số đo đếm được, còn cộng vào đó là biết bao nhiêu thời gian lãng phí. Tôi lấy ví dụ một chiếc xe hoa tiêu tốn cỡ 40 - 50 triệu đồng, một lễ hội có năm bảy chục cái xe hoa, sở, ban ngành nào cũng có xe hoa, như thế để làm gì, mà dùng chút rồi lại gỡ bỏ, rất lãng phí. Bây giờ phải tổng kết lại để chúng ta có chỉ đạo, định hướng tốt hơn. Từ con số đó, Chính phủ có những văn bản chỉ đạo đến từng cấp để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý.

* Ngoài lãng phí về lễ hội, tiêu tốn ngân sách, theo ông, sự lãng phí của chúng ta còn thể hiện ở những phương diện nào khác ?

- Nhiều lắm. Tôi nói sơ sơ như việc khởi công, khánh thành hiện nay. Trước đây ta đã có chấn chỉnh một bước rồi nhưng bây giờ lại lập luận là kinh phí tổ chức của doanh nghiệp, nói như vậy là chưa thỏa đáng. Tiền doanh nghiệp là tiền của ai, nhất là những doanh nghiệp nhà nước? Tiền của dân chứ. Một bông hồng cài áo khi dự lễ khánh thành cũng đã 5.000 đồng/cái, nhân lên cho hàng trăm quan khách thì bao nhiêu tiền, chưa kể chi phí dựng rạp, dựng đồ? Rõ ràng là phải mất một số tiền khá lớn, đó cũng chính là lãng phí.

* Xin cảm ơn ông! 

ĐB Phạm Phương Thảo (TP.HCM): Lễ hội ngày càng rình rang, tốn kém

Tôi cảm thấy các lễ hội ngày càng rình rang, tốn kém. Về mặt ngân sách thì cũng phải xem xét cái nào cần đầu tư, đầu tư bao nhiêu, cái nào thì để nhân dân tự tổ chức chứ không nên thiên nhiều về ngân sách nhà nước như hiện nay. Nhà nước chỉ nên đầu tư một chừng mực nào đó thôi, đối với những lễ hội cấp Nhà nước, cấp quốc gia. Chứ tràn lan thế này thì vừa tốn tiền bạc, tốn thời gian, mà lại ảnh hưởng đời sống người dân. Theo tôi, cần có sự đánh giá lại xem ngân sách một năm chi cho lễ hội bao nhiêu và báo cáo lại để QH xem xét có hợp lý không, kỷ luật chi ngân sách có đúng hay không, có tập trung cho những lễ hội đạt hiệu quả cao hay không?

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Có những lễ hội mang tính man rợ

Hiện nay, ngân sách nhà nước đang tập trung cho phát triển kinh tế, thì vẫn có những lễ hội cấp xã, được nâng lên cấp huyện, huyện lên cấp tỉnh. Có những lễ hội nói về tinh thần thượng võ thời xa xưa nhưng bây giờ thì lại mang tính chất man rợ, ví dụ như đâm trâu, chém lợn. Theo tôi, ngân sách cấp xã, huyện là rất khó khăn trong việc cân đối thu chi, vậy mà phải tổ chức lễ hội, trống giong cờ mở, thuê đội này đội kia về biểu diễn thì vô lý quá. Hiệu quả về kinh tế, du lịch mà người ta vẫn nói đến thực ra cũng cần phải tính toán lại, nó không hẳn là hiệu quả, đặc biệt là ở những nơi cơ sở hạ tầng chưa tốt.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Nhà nước nên giới hạn

Nếu là lễ hội của dân, nên để cho dân làm. Với những lễ hội khác, chẳng hạn liên quan đến lợi ích, ví như du lịch, thì Nhà nước nên giới hạn, quy hoạch lại một số lễ hội có sử dụng ngân sách. Việc đo đếm hiệu quả kinh tế đối với những lễ hội này, theo tôi là không quá khó.

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa): Nên dành tiền tổ chức lễ hội để xây nhà cho dân nghèo

Nguyên nhân diễn ra quá nhiều lễ hội, trăm hoa đua nở là do ta chưa có thiết chế, quy định cụ thể. Quy định này phải do Nhà nước, trực tiếp là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch ban hành, quản lý. Ngoài ra, trong Luật Ngân sách hay trong hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách và các quy định pháp luật liên quan phải thắt chặt chi tiêu công, làm rõ những lễ hội như thế nào thì được sử dụng ngân sách. Khi đã sử dụng ngân sách nhà nước thì Nhà nước phải quản lý chặt, vì số tiền phung phí cho những lễ hội không cần thiết có thể lên tới hàng tỉ đồng, nên để giúp hàng nghìn gia đình giải quyết khó khăn về chỗ ở và các nhu cầu bức thiết của cuộc sống. Bây giờ chúng ta tổ chức bắn pháo hoa, tập luyện, huy động hàng nghìn người đi tập cả tháng trời cũng chỉ để mua vui vài tiếng, tốn kém hàng tỉ bạc, người dân đi tham dự lãng phí thời gian, liệu có cần hay không?

Lưu Quang Phổ (ghi)

Nguyệt Minh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.