Lạm dụng xã hội hóa

21/03/2013 03:20 GMT+7

Trước nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, ngân sách nhà nước có hạn, không thể đầu tư mọi lĩnh vực để các BV công đáp ứng được nhu cầu như thế. Vì vậy, nhà nước cho phép xã hội hóa y tế, nhằm huy động nhiều nguồn lực trong xã hội đầu tư cho y tế. Việc thực hiện xã hội hóa đã cho thấy những mặt tích cực, các BV cải thiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất, đáp ứng phần nào nhu cầu người bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều hệ lụy, hình thành “nhóm lợi ích”, tình trạng công - tư nhập nhằng…

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM, cho rằng: “Gần đây, nhiều BV công không rõ ràng chuyện công - tư. Tư nhân nhảy vào BV nhà nước - nơi có sẵn cơ sở vật chất, con người, thương hiệu và lượng bệnh nhân lớn để kinh doanh thay vì họ phải tự đầu tư, phải gầy dựng, tạo thương hiệu”. Theo bác sĩ Tùng, chúng ta chưa có những cơ chế rõ ràng để kiểm soát về tài chính, nên chính sách xã hội hóa y tế đã bị nhiều nơi lạm dụng. Biểu hiện của sự lạm dụng đó là hình thành “nhóm lợi ích” trong BV công. Những ai làm theo “nhóm lợi ích” thì được lợi. Chẳng hạn, bác sĩ nào chỉ định chụp chiếu thì được hưởng huê hồng, từ đó dẫn đến lạm dụng chụp chiếu, xét nghiệm, người bệnh bị tốn kém chỉ để phục lợi cho nhóm lợi ích.

Nhiều người đặt vấn đề rằng, tại sao nhiều BV chuyên khoa lớn lại không mua nổi những máy móc thông thường như máy siêu âm, máy scanner, máy tán sỏi... mà phải liên kết với tư nhân bên ngoài? Hoặc có đầu tư mua máy móc về, rồi cũng để trùm mền, lại liên kết với tư nhân đầu tư máy khác? Câu trả lời là quá "dễ ăn". Một cán bộ của BV Bình Dân nói: “Nhiều máy tư nhân đặt vào BV đã dùng rất lâu, đã lấy lại vốn, nhưng tỷ lệ ăn chia vẫn không thay đổi, tiền rơi vào túi nhóm lợi ích và tư nhân bên ngoài, gây thiệt cho BV, cho người bệnh”. Theo vị bác sĩ này, lẽ ra máy móc hợp tác với tư nhân cũng phải đấu thầu về giá, để có mức giá thấp nhất cho bệnh nhân, đằng này vì là danh nghĩa liên kết nên việc áp đặt giá thoải mái, bắt người bệnh phải chịu cao hơn cả giá trần của nhà nước là rất bất hợp lý!

Ngoài ra, cơ chế cho phép các BV công làm dịch vụ, khám ngoài giờ... cũng cần phải xem lại để điều chỉnh. Nhiều nơi, trong giờ thì bác sĩ làm ì ạch, đến lúc làm ngoài giờ thì đua nhau mổ xẻ. Người bệnh bị bác sĩ “hướng” vào mổ dịch vụ, có những BV mà bác sĩ hưởng tiền mổ dịch vụ mỗi tháng hàng chục, hàng trăm triệu đồng; BV thì lập lờ báo cáo với cấp trên "mổ dịch vụ để giải quyết quá tải”(?!). Tình trạng này chẳng khác nào dùng cơ sở vật chất công tạo thu nhập của một nhóm người.

Thanh Tùng

>> Nhà thuốc bệnh viện bán thuốc hết hạn
>> Chống đẩy giá thuốc bất hợp lý ở bệnh viện
>> Bệnh viện miền núi bắc Quảng Nam quá tải
>> Vụ bệnh viện tặng nhân viên quà tết… hết đát: Trưởng công an phường nhận thiếu sót
>> Bệnh viện tặng nhân viên quà tết... hết đát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.