Lạm bàn về chuyện "hồi"

25/12/2003 21:57 GMT+7

Trong cuộc sống thường nhật, xem ra chữ “hồi” gần gủi và gắn với biết bao cảm xúc. Với người làm ăn xa xứ, dịp cuối năm là lúc hồi hương; tay cầm vé khứ hồi với chút nôn nao lòng - về quê ăn Tết. Cuối năm cũng là mùa cưới, một khái niệm cũ đã chẳng còn bao nhiêu tác dụng, được nêu ra trong những câu chuyện vãn: hồi môn.

Với người cả năm phải lo chuyện tranh chấp, khiếu nại thì thông tin phản hồi cũng góp phần làm giảm bớt hồi hộp mà mang lại ít nhiều hy vọng. Với người bệnh, để thoải mái vui Xuân không có gì hơn nay được hồi phục, hồi sức, hồi tỉnh.

Không khí se lạnh và dòng người tất bật trong những ngày cận Tết cũng làm cho nhiều bà con cô bác bồi hồi, thậm chí tức cảnh sinh tình mà hồi ức, hồi tưởng về những chuyên buồn vui cả năm qua. Những cuộc tổng kết công chuyện làm ăn, gặp mặt đồng nghiệp, bạn bè cũng có thể được lưu vào hồi ký; các cuộc kiểm điểm cuối năm ở cơ quan, đơn vị góp phần làm cho những ai phạm sai lầm, khuyết điểm có dịp hồi tâm nhìn nhận mà khắc phục.

Chứa đựng không ít cảm xúc là hồi hưu: có thể là sự thanh thản của những vị công bộc đã tận tâm, tận lực cho sự nghiệp chung, cũng có thể là sự bất an, đau khổ với kẻ tham quyền cố vị.

Nói chung, hầu hết khái niệm gắn với chữ hồi đều dễ chịu, đôi lúc lại có phần lãng mạn. Riêng có một thứ mà mới nghe qua, ai ai cũng đều sợ: hồi tố. Gặp sự hồi tố của cơ quan tố tụng thì... khiếp, của cơ quan thuế thì... khổ, của ngành quản lý nhà đất - quy hoạch thì... khóc. Kinh hãi nhất là lúc năm hết, Tết đến, bao kiến nghị, thắc mắc của công dân, của doanh nghiệp liên quan tới cái sự hồi tố vô lý lại chẳng được hồi âm.Than ôi!

Lang Là

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.