Kỳ họp HĐND TP.HCM: 'Nóng' chuyện tòa ôm án, môi trường ô nhiễm

31/07/2015 05:19 GMT+7

Hôm qua 30.7, HĐND TP.HCM chất vấn Chánh án TAND TP và Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường.

Hôm qua 30.7, HĐND TP.HCM chất vấn Chánh án TAND TP và Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường.

Kỳ họp HĐND TP.HCM:  'Nóng' chuyện tòa ôm án, môi trường ô nhiễmTrạm nghiền nhà máy xi măng Hà Tiên hơn 10 năm vẫn chưa được di dời -  Ảnh: Công Nguyên
“Ngại xét xử vì sợ không được tái bổ nhiệm”
Vẫn tiếp tục thu phí đường bộ xe máy
Tại phiên bế mạc vào chiều qua, mặc dù trước đó có nhiều ĐB không đồng tình với việc thu phí đường bộ xe máy nhưng HĐND TP vẫn đi đến quyết định giao UBND TP tiếp tục tổ chức thu cho đến khi Chính phủ xem xét kiến nghị dừng thu của Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng “nếu như có thẩm quyền thì HĐND TP sẽ quyết định không thu loại phí này. Nhưng HĐND TP nhận thức được một điều là việc thu là do quy định trong Nghị định 18 của Chính phủ đã có hiệu lực từ năm 2013”.
Nhiều tồn tại, hạn chế của ngành tòa án TP được rất nhiều đại biểu (ĐB) đề cập. Chỉ tính riêng án dân sự, trong 6 tháng đầu năm 2015 có đến hơn 2.000 vụ án tạm đình chỉ, 1.043 vụ án quá hạn, tỷ lệ giải quyết tổng số án dân sự chỉ đạt 29%, có những vụ kéo dài cả 10 năm trời vẫn chưa giải quyết xong gây nhiều bức xúc. ĐB Cao Thanh Bình hỏi thẳng: “Vì sao án cải sửa lại tăng? Trách nhiệm của thẩm phán như thế nào khi có nhiều bản án mà phần nhận định và phần quyết định mâu thuẫn nhau, nội dung bản án thì mập mờ dẫn đến rất khó hoặc không thể thi hành?”.
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP, thẳng thắn nhìn nhận án chậm, án quá hạn, cải sửa có lỗi chủ quan của thẩm phán. “Đây là một tồn tại từ lâu nay rồi. Quốc hội cũng đã lên tiếng. Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng cũng có lỗi chủ quan. Có những thẩm phán chưa tận tâm với công việc, trình độ còn chưa đồng đều và đặc biệt là ngại đưa các vụ án phức tạp, còn nhiều quan điểm khác nhau ra xét xử do ngại án bị hủy, sửa án lại sẽ ảnh hưởng đến thi đua, không được tái bổ nhiệm”, bà Hương nói và cho rằng chất lượng xét xử án chưa cao cũng do thẩm phán đang bị quá tải. Quy định của TAND tối cao là 4 vụ/thẩm phán/tháng nhưng tại TP lên đến 17 vụ. Do số lượng vụ án chiếm đến khoảng 1/4 so với tổng số vụ án trong cả nước nên TP đang cần thêm 40 thẩm phán tòa TP và gần 200 thẩm phán tòa quận, huyện.
“Tòa cấp quận, huyện có hay không sự tùy tiện trong việc tạm đình chỉ án. Đơn cử như trong 65 vụ mà TAND Q.Bình Tân tạm đình chỉ tính đến 31.3 vừa qua thì có 58 vụ rơi vào tháng 8, tháng 9 với lý do rất mù mờ. Có thẩm phán một ngày tạm đình chỉ 7 vụ”, ĐB Trần Trọng Dũng đặt vấn đề và chất vấn: “Ồ ạt tạm đình chỉ như vậy có phải do bệnh thành tích vì hết ngày 30.9 là hết hạn thi đua, hay do chỉ đạo của tòa cấp trên?”. Được chủ tọa mời lên trả lời chất vấn, ông Lê Quang Phong, Phó chánh án TAND Q.Bình Tân, nói: “Không có sự chỉ đạo nào”. Ông Phong thừa nhận là có áp lực về thi đua nhưng cho rằng các án có quyết định tạm đình chỉ là có căn cứ pháp luật.
“Rơi vào đường cùng thì người dân mới kiện ra tòa, nhưng có tình trạng tòa ôm án rồi để đó khiến cho người dân bức xúc”, bà Hương nhìn nhận và khẳng định: “Lãnh đạo tòa án TP không chỉ đạo và kiên quyết không chấp nhận việc thẩm phán tạm đình chỉ án đồng loạt để đối phó. Việc tạm đình chỉ phải đúng quy định của pháp luật, thẩm phán nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”.
“Không biết sẽ ăn nói ra sao với cử tri”
Đa phần các ĐB đều bức xúc về vấn đề chậm di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu dân cư và đặt ra hàng loạt câu hỏi. Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt không trả lời cụ thể mà chỉ đưa ra các số liệu báo cáo chung. Phần trả lời chất vấn của ông Kiệt bị Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá “chưa làm ĐB hài lòng”.
Nhiều ĐB bức xúc cho rằng “không biết sẽ ăn nói ra sao với cử tri” vì kết quả của việc di dời cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư không mang lại kết quả như mong muốn. Trong những năm qua TP di dời được khoảng 1.000 cơ sở thì cũng có chừng đó cơ sở mới phát sinh ô nhiễm trong khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Điển hình nhất là cơ sở trạm nghiền của Nhà máy xi măng Hà Tiên ở Q.Thủ Đức, mặc dù từ năm 2003 Thủ tướng đã có quyết định di dời nhưng đến nay vẫn “đứng bánh”. Ủy viên Thường trực HĐND TP Huỳnh Công Hùng gay gắt: “Theo báo cáo của sở chỉ thấy nguyên nhân khách quan chứ không thấy nguyên nhân chủ quan nào. Số liệu năm nào cũng như vậy, hầu như không thấy có gì khác ngoài con số năm, báo cáo chỉ là đối phó”.
Trước áp lực chất vấn dồn dập của ĐB, ông Kiệt nói: “Chúng tôi không đùn đẩy trách nhiệm nhưng thú thật là cánh tay của sở không vươn đến được hết các hang cùng ngõ hẻm nên rất cần sự vào cuộc trợ giúp của cả hệ thống chính trị để di dời cơ sở ô nhiễm. Có vấn đề nào tôi chưa trả lời hết thì tôi rất xin lỗi”. Bà Tâm phải đỡ lời: “ĐB đặt vấn đề nhanh quá khiến giám đốc sở ghi chép không kịp”. “Để sự chậm trễ kéo dài, người làm công tác quản lý phải có trách nhiệm”, bà Tâm khẳng định và yêu cầu lãnh đạo Sở TN-MT phải nhẫn nại đeo bám, xử lý đồng bộ thì người dân TP mới có môi trường sống tốt; đừng để lần nào chất vấn cũng nêu ra vấn đề đó mà kết quả thực hiện vẫn không cao.
Tại phiên chất vấn, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận thay mặt UBND TP nghiêm túc tiếp thu góp ý của ĐB; nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành liên quan đến giải quyết những vấn đề bức xúc dân sinh như ngập nước, thiếu nước sạch sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông... và khẳng định TP sẽ tập trung chấn chỉnh để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.