Kỳ diệu tế bào gốc

09/11/2014 09:00 GMT+7

Tế bào gốc là những tế bào tiền thân có khả năng tự tăng sinh, biệt hóa thành nhiều loại tế bào, các mô, các cơ quan khác nhau của cơ thể, nhằm thay thế cho các tế bào bị mất đi do già và chết tự nhiên, hoặc do bệnh lý. Chính vì thế, ngày càng có nhiều người muốn lưu trữ tế bào gốc để sau này dùng chữa bệnh.

Kỳ diệu tế bào gốc
Lưu trữ tế bào gốc trong bình ni tơ lạnh ở -150 độ C - Ảnh: Dương Ngọc

Lưu trữ hàng ngàn mẫu tế bào gốc

 

Gần 20 năm qua, VN đã thực hiện khoảng 350 ca ghép TBG các loại... Tại Nhật, các năm gần đây, trung bình mỗi năm có 3.500 ca được điều trị bằng ghép TBG, trong đó 47% các trường hợp ghép là TGB máu cuống rốn. Tỷ lệ thành công trong ứng dụng ghép TBG điều trị bệnh về máu khoảng 70%

TS-BS Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm TBG (Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư)

BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM, cho biết: “Điều kiện kinh tế phát triển và ngày càng có nhiều người biết đến ứng dụng tế bào gốc (TBG) trong trị bệnh, nên gần đây có nhiều người đến BV hỏi về lưu trữ TBG máu cuống rốn. Hiện BV đang lưu trữ 700 mẫu TBG máu cuống rốn dạng dịch vụ và 2.300 mẫu dạng cộng đồng. Dạng cộng đồng là BV tự lấy mẫu lưu trữ dùng để chữa bệnh cho bệnh nhân khi cần; còn dạng dịch vụ là người dân tự đem gửi có đóng phí, để dùng cho riêng cá nhân họ, khi cần”.

Từ tháng 3.2014, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư (Hà Nội) cũng bắt đầu triển khai ngân hàng TBG máu cuống rốn cộng đồng, đến nay đã có 550 mẫu TBG được lưu trữ; và đã có 7 bệnh nhân mắc bệnh về máu tìm được mẫu TBG phù hợp từ ngân hàng này. Tại đây bình quân mỗi ngày tiếp nhận và xử lý 4 - 6 mẫu TBG máu cuống rốn.

Theo các BS, máu cuống rốn hay còn gọi là máu dây rốn hay máu bánh nhau chảy trong tuần hoàn thai nhi và cung cấp chất bổ cho bào thai đang phát triển trong tử cung người mẹ - là phần còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh em bé. Trước đây, dây rốn và bánh nhau sau khi cắt rời khỏi em bé mới sinh, được xem là rác thải y tế, bỏ đi, nhưng về sau này máu cuống rốn được thu thập, xử lý, kiểm tra chất lượng và lưu trữ để khi cần có thể lấy ra chữa bệnh cho chính đứa trẻ đó, hoặc cho các thành viên trong gia đình. Từ những năm đầu của thập niên 1980, các nhà chuyên môn xác định máu cuống rốn của trẻ sơ sinh chứa một nguồn dồi dào TBG hệ tạo máu có thể thay thế cho TBG tủy xương, TBG máu ngoại vi trong điều trị các bệnh lý thuộc hệ tạo máu. Gần đây người ta cũng phát hiện và phân lập được thêm TBG trung mô và biểu mô có trong máu cuống rốn và ghép TBG máu cuống rốn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực y khoa khác như bệnh lý da, giác mạc, tim mạch, xương khớp, thần kinh, tiểu đường... Quá trình liền vết thương và phục hồi các thoái hóa, tổn thương của các mô, cơ quan trong cơ thể có nhiều cơ chế phức tạp, nhưng kết quả sau cùng là tái lập lại các mô đã bị thoái hóa, tổn thương. Chính các TBG sẽ được dùng tái tạo các tế bào bị tổn thương đó. Vì thế điều trị bằng TBG chính là để bổ sung nguồn tế bào non trẻ, có thể tạo ra các loại tế bào mới, mô mới bổ sung hoặc thay thế cho các tế bào và mô cơ quan bị tổn thương hay mất chức năng.

VN đã ứng dụng TBG vào điều trị những gì ?

BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM là nơi tiên phong trong nước về ứng dụng TBG vào chữa bệnh. Năm 1995, ca ghép TBG tủy xương đầu tiên tại VN được thực hiện tại BV này, điều trị thành công cho bệnh nhân bị ung thư máu (bạch cầu mãn dòng tủy), đến nay người bệnh này vẫn còn sống. Đây là cột mốc quan trọng trong ứng dụng TBG trong nước.

Đến năm 1996, BV Truyền máu - Huyết học TP tiếp tục ghép TBG máu ngoại vi điều trị cho bệnh nhân ung thư máu (bạch cầu cấp dòng tủy). Và năm 2002, BV này tiếp tục là nơi đầu tiên trong nước ghép thành công TBG máu cuống rốn, điều trị cho bệnh nhân thiếu máu di truyền.

Tính đến tháng 6 năm nay, cả nước có khoảng 340 ca ghép TBG (gồm TBG máu cuống rốn, TBG tủy xương và TBG máu ngoại vi), trong đó BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM chiếm nhiều nhất - với 165 trường hợp.

TS-BS Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm TBG (Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư), cho biết thêm: “Gần 20 năm qua, VN đã thực hiện khoảng 350 ca ghép TBG các loại. So với Nhật Bản thì đây là con số khiêm tốn, vì chúng ta còn hạn chế nguồn TBG hiến, TBG phù hợp với người bệnh. Tại Nhật, các năm gần đây, trung bình mỗi năm có 3.500 ca được điều trị bằng ghép TBG, trong đó 47% các trường hợp ghép là TGB máu cuống rốn. Tỷ lệ thành công trong ứng dụng ghép TBG điều trị bệnh về máu khoảng 70%”.

Theo BS Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, việc ghép TBG điều trị một số bệnh ác tính hệ tạo máu đã được ứng dụng thành công tại viện này. “Để ghép TBG, cơ sở y tế có thể lấy từ nguồn hiến là người thân nhưng việc này rất khó khăn bởi người phù hợp không phải lúc nào cũng đủ điều kiện sức khỏe cho phép thực hiện hiến TBG (lấy từ tủy xương). Với nguồn TBG do ngân hàng TBG máu cuống rốn cộng đồng cung cấp cũng có thể đủ điều kiện cho ghép trên người bệnh không cùng huyết thống. Bởi vì ghép TBG trong cùng chủng tộc thì cũng có một tỷ lệ phù hợp. Trước khi ghép các trường hợp sẽ được làm các xét nghiệm để xác định mức độ phù hợp”, BS Khánh nói.

BS Phù Chí Dũng nói: “Hiện tại với một mẫu TBG máu cuống rốn sẽ dùng điều trị được cho một người cân nặng từ 20 - 30 kg. Các nhà chuyên môn đang nghiên cứu để nhân lên nhiều lần từ một mẫu TBG máu cuống rốn trước khi ghép điều trị. Việc ứng dụng TBG máu cuống rốn ngày càng hứa hẹn mở ra nhiều tiềm năng trong điều trị nhiều loại bệnh ung thư, di truyền, tiểu đường...”.

Cách thức, chi phí lưu trữ

Tại BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM, để thực hiện lưu trữ TBG máu cuống rốn, trước khi sinh con độ 2 tháng, các cặp vợ chồng liên hệ với BV để được tư vấn, làm hợp đồng lưu trữ, xét nghiệm... Đến ngày sinh, báo cho người của BV đến nơi sản phụ sinh để lấy mẫu máu cuống rốn đem về lưu trữ. Chi phí cho việc điều chế mẫu máu cuống rốn khoảng 17 triệu đồng; chi phí đến nơi sản phụ sinh lấy mẫu khoảng 2,5 triệu đồng (đó là hai khoản tiền cơ bản lúc đầu). Sau đó, trả phí cho mỗi năm lưu trữ khoảng 2,5 triệu đồng. Có thể chọn gói lưu trữ 1 năm, 5 năm, 10 năm, 18 năm. Còn tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, dịch vụ lưu trữ TBG có chi phí cho năm đầu tiên là 20 - 25 triệu đồng. Sau đó gia đình sẽ chi trả 2,5 triệu đồng/năm trong các năm tiếp theo.

Theo TS-BS Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm TBG (Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư), dây rốn sử dụng cho lấy TBG được lựa chọn kỹ càng theo các tiêu chuẩn: tuổi của sản phụ không quá 35, sức khỏe tốt; sinh đủ tháng, không bị sinh non; chuyển dạ không tai biến, không sốt; sơ sinh con của sản phụ không mắc bệnh di truyền, cân nặng khi sinh từ 2,8 kg. Bánh nhau không bị dập nát, không có yếu tố nhiễm trùng; thai không dị dạng. Lượng máu dây rốn ít nhất từ 70 ml trở lên. Sau khi kiểm tra toàn diện, nhân viên y tế sẽ lựa chọn các dây rốn phù hợp, tiếp tục qua các khâu xét nghiệm, xử lý, tách lấy TBG với điều kiện hết sức nghiêm ngặt. TBG được bảo quản ở môi trường nitơ lỏng -150 độ C.

Theo PGS-TS Nguyễn Anh Trí (Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư), với TBG máu cuống rốn của các sản phụ được lưu giữ dạng cộng đồng tại ngân hàng, Viện sẽ sử dụng TBG này ghép cho các bệnh nhân bị ung thư máu có chỉ định ghép và các chỉ số phù hợp. Đặc biệt, với người hiến TBG cho lưu trữ dạng cộng đồng, khi cần TBG điều trị bệnh cho bản thân hoặc người thân thì sẽ được tiếp nhận trở lại TBG của mình từ ngân hàng lưu trữ mà không phải trả một khoản phí nào.

Cảnh giác với quảng cáo

TS-BS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ - Đào tạo, Bộ Y tế, khuyến cáo: “Gần đây nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đến VN quảng bá rầm rộ về tính năng của TBG trong làm đẹp, trẻ hóa, trị bệnh hiểm nghèo, khiến nhiều người bị ngộ nhận. Tuy nhiên, thực chất họ cũng chỉ mới dừng ở bước chào bán công nghệ xử lý TBG, còn ngay tại quốc gia của họ cũng chưa làm được như họ quảng bá. Có dạo trong nước từng rộ lên quảng bá ứng dụng TBG điều trị liệt, điều trị bại não nhưng đến thời điểm này, Bộ Y tế chưa hề thẩm định, cho phép ứng dụng TBG trong điều trị các bệnh trên”.

Hiện Bộ Y tế cho phép ứng dụng TBG điều trị chính thức tại hai nơi là Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư và BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM. Bộ Y tế cũng cho phép BV Bạch Mai nghiên cứu ứng dụng TBG từ mô mỡ trong điều trị viêm khớp; tại BV Việt Đức đang nghiên cứu ứng dụng TBG từ tủy xương điều trị liệt tủy. Tại TP.HCM, Bộ Y tế cho phép BV Nhân dân 115 và BV Vạn Hạnh thực hiện công trình nghiên cứu ứng dụng TBG từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu để điều trị thoái hóa khớp gối độ 2, 3, tháng 5.2015, đề tài nghiên cứu này sẽ hoàn thành.

Thanh Tùng - Liên Châu

>> Tế bào gốc trong thẩm mỹ
>> 32 đơn vị nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc
>> Thận nhân tạo từ tế bào gốc
>> Thận trọng khi tiêm tế bào gốc
>> Lạm dụng "tế bào gốc" để phô trương
>> Việt Nam lần đầu tiên ghép thành công tế bào gốc tạo máu
>> Thử nghiệm điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc
>> Bệnh nhi đầu tiên trên thế giới ghép khí quản từ tế bào gốc 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.