Kỳ án oan sai - Kỳ 8: 'Đá' trách nhiệm bồi thường 21 tỉ đồng

15/04/2015 09:00 GMT+7

Ông Lương Ngọc Phi, người được tòa tuyên hưởng khoản tiền bồi thường oan sai được cho là lớn nhất nước (21 tỉ đồng), đã chán nản thốt lên: 'Oan thì rõ, nhưng tôi không biết mình có sống được đến lúc nhận tiền bồi thường hay không'.

Ông Lương Ngọc Phi, người được tòa tuyên hưởng khoản tiền bồi thường oan sai được cho là lớn nhất nước (21 tỉ đồng), đã chán nản thốt lên: “Oan thì rõ, nhưng tôi không biết mình có sống được đến lúc nhận tiền bồi thường hay không”.

Kỳ án oan sai - Kỳ 8: 'Đá' trách nhiệm bồi thường 21 tỉ đồngÔng Lương Ngọc Phi lo lắng không biết có sống đến lúc được nhận tiền bồi thường oan sai - Ảnh: Hoàng Long
Phát mại tài sản sau 1 tháng bắt giam bị can
Theo hồ sơ vụ án, đầu tháng 4.1998, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lương Ngọc Phi (trú 463 Lý Thái Tổ, tổ 16, P.Quang Trung, TP.Thái Bình, Giám đốc Công ty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình) về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, trốn thuế. Đến ngày 29.9.1999, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Phi tổng cộng 17 năm tù giam cho 2 tội danh trên.
Một tháng sau khi ông Phi bị bắt, cơ quan công an đã đem hóa giá toàn bộ tài sản của ông và công ty.
Đến năm 2001, Viện KSND tỉnh Thái Bình xác định vụ án oan sai và trả tự do cho ông Phi; đồng thời TAND tỉnh Thái Bình đã xin lỗi công khai ông Phi tại nơi cư trú.
Ba ngành “đá” trách nhiệm cho nhau
Theo lời ông Phi, từ khi được xác định oan sai, ông đã 6 lần thương lượng bất thành với các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình về việc bồi thường. “Cả 3 ngành liên quan đến vụ oan sai của tôi là công an, tòa án, Viện kiểm sát đều né tránh trách nhiệm. Tòa án thì nói Viện kiểm sát ra quyết định truy tố vụ án, công an ra quyết định thu giữ và phát mại tài sản của tôi nên phải bồi thường phần tài sản. Phía công an, Viện kiểm sát thì cho rằng tòa ra phán quyết tôi có tội thì tòa phải bồi thường”, ông Phi nói.
Chờ tòa xử lại
Ngày 9.4, trả lời PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Sen, Chánh án TAND tỉnh Thái Bình, chủ tọa phiên giám đốc thẩm, cho biết việc hủy bản án của TAND TP.Thái Bình là hoàn toàn tuân thủ theo quy trình tố tụng chứ tòa án các cấp không cố tình kéo dài việc bồi thường cho ông Phi. “Vì bản án có kháng nghị của TAND tối cao nên chúng tôi phải xem xét lại. Việc bồi thường cho ông Phi sẽ được tiếp tục khi bản án của TAND TP.Thái Bình có hiệu lực”, bà Sen nói. Còn ông Nguyễn Công Mạnh, Chánh án TAND TP.Thái Bình, nói: “Chúng tôi đã hoàn thành trách nhiệm của mình trong phiên xử trước. Nhưng nếu có quyết định giám đốc thẩm thì chúng tôi phải xử lại”.
Ngày 8.5.2007, khi nhận được Thông báo số 581/2007 của TAND tỉnh Thái Bình cho biết các cơ quan tố tụng của tỉnh quyết định chấm dứt thương lượng bồi thường, ông Phi quyết định khởi kiện ra TAND TP.Thái Bình đòi bồi thường theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Vụ việc của ông được cơ quan chức năng tách thành 2 vụ án. Trong đó, vụ án bồi thường về thiệt hại do tổn thất tinh thần và giảm sút về sức khỏe của ông được TAND TP.Thái Bình tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường 666 triệu đồng. Bản án tuyên ngày 21.7.2009 nhưng đến giữa tháng 5.2010, sau hơn 10 tháng ông Phi mới nhận được tiền bồi thường.
Về vụ kiện thứ 2 đòi bồi thường cho số tài sản bị thiệt hại trong thời gian thụ án, ông Phi cho biết: “Với lý do chưa thống nhất quan điểm, thực chất vẫn là đổ trách nhiệm bồi thường cho nhau, vụ kiện lại bị 3 ngành tòa án, kiểm sát, công an ngâm thêm hơn 6 năm”. Sau khi Nghị quyết 388 hết hiệu lực và được thay thế bằng luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, quy định rõ cơ quan xét xử cuối cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường, ngành tòa án không thể đùn đẩy trách nhiệm đi đâu, đến ngày 26.8.2013, tức là 12 năm sau khi được công nhận oan sai, TAND TP.Thái Bình mới xét xử và tuyên TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi hơn 21 tỉ đồng.
Gửi 100 lá đơn, việc bồi thường trở lại “vạch xuất phát”
Ông Phi cho biết, sau khi TAND TP.Thái Bình tuyên án, TAND tỉnh Thái Bình không kháng án nên ông Phi và gia đình từng nghĩ vụ việc đã đến hồi kết. “Tuy nhiên, sau khi đợi chờ gần 3 tháng không được nhận tiền bồi thường thì tôi mới hiểu là sự việc không hề đơn giản. Quá trình đi đòi tiền bồi thường gần 2 năm qua cho thấy sau khi không đổ lỗi được cho công an, Viện kiểm sát thì nội bộ ngành tòa án lại đổ trách nhiệm cho nhau. Nói chính xác là thêm một lần nữa, tôi lại mòn mỏi đuổi theo quả bóng bồi thường được đá đi, đá lại trong chân ngành tòa án”, ông Phi bức xúc nói.
Cụ thể, theo lời ông Phi, sau khi có phán quyết của TAND TP.Thái Bình, ông đã gửi hơn 100 lá đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu thực hiện bồi thường. Nhưng đơn gửi đến đâu cuối cùng cũng chuyển về ngành tòa án. “TAND tối cao trả lời thẩm quyền giải quyết bồi thường là của TAND tỉnh Thái Bình, còn TAND tỉnh Thái Bình thì trả lời là đang trình, chờ chỉ đạo và kinh phí bồi thường từ TAND tối cao”, ông Phi chán nản.
Đến 6.11.2014, ông Phi bất ngờ nhận được quyết định “Kháng nghị giám đốc thẩm” của TAND tối cao, yêu cầu TAND tỉnh Thái Bình xét xử giám đốc thẩm, tạm dừng thi hành án và hủy án sơ thẩm của TAND TP.Thái Bình, xét xử lại theo trình tự sơ thẩm. Ngày 15.1.2015, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên giám đốc thẩm và tuyên đúng như kháng nghị giám đốc thẩm. Như vậy, việc bồi thường oan sai của ông Phi sau 14 năm kể từ ngày chính thức được tuyên bố oan sai lại trở về vạch xuất phát.
Ngày 10.4, sau khi nộp lại lời khai giống như đã viết từ 14 năm trước cho TAND TP.Thái Bình trong vụ án bồi thường oan sai của bản thân, ông Phi bức xúc: “Từ một giám đốc doanh nghiệp ở thời kỳ chín nhất khi 50 tuổi, sau 2 năm ngồi tù và 14 năm đi đòi bồi thường oan sai, tôi đã trở thành một ông lão gần 70 tuổi. Đến nay, vụ án lại trở về vạch xuất phát và tôi không biết có sống được đến lúc nhận được tiền oan sai hay không”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.