Kiều bào góp phần quan trọng trong chính trị đối ngoại

02/02/2014 15:33 GMT+7

Cùng với thành công chung của đối ngoại Việt Nam năm 2013, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thu được nhiều thành công to lớn.

Gần 5 triệu kiều bào đang sinh sống tại 103 đất nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã góp phần quan trọng trong hoạt động chính trị đối ngoại, là cầu nối giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ nơi bà con sinh sống.

Hoạt động chính trị đối ngoại ngày càng thiết thực, hiệu quả

Sau khi xác lập các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, phải làm cho quan hệ đó thực sự có hiệu quả, thực sự mang ý nghĩa của đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Theo đó, có các biện pháp tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư đồng thời tiếp tục phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và các nước khác. Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trong định hướng công tác đối ngoại của Việt Nam 2014.

Với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong toàn bộ hệ thống chính trị, xem người Việt ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, là nguồn nội lực cần phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chính sách, các hoạt động tích cực, người Việt Nam ở nước ngoài tin tưởng, đồng lòng hướng về quê hương, đất nước với tấm lòng chân thành và mong muốn nhìn thấy một đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Trong khi tình hình kinh tế thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các quốc gia có Việt kiều sinh sống cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, nhưng bà con vẫn dành những đồng lương, những khoản tiền tiết kiệm gửi về nước góp phần đầu tư, giúp đỡ gia đình, nâng cao đời sống đồng thời giúp đất nước có thêm nguồn lực để phát triển.

Năm 2013, theo thống kê của các cơ quan tài chính Việt Nam cũng như quốc tế, Việt Nam là 1 trong 9 nước có lượng kiều hối gửi về nhiều nhất, năm 2012 con số này đạt 10,5 tỷ USD và năm 2013 đạt 11 tỷ USD. Đây là nguồn lực hết sức quan trọng với nền kinh tế phát triển như Việt Nam hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho biết những năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức rất nhiều hoạt động thiết thực nhằm khuyến khích kiều bào hướng về quê hương, đất nước, từ những hoạt động như Xuân Quê hương; Trại hè; Ngày giỗ tổ Hùng Vương; Thăm biển đảo; hoạt động Đoàn đại biểu kiều bào tiêu biểu về tham gia các hoạt động nhân dịp các ngày lễ lớn... Các chương trình đã giúp kiều bào hiểu rõ hơn về công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam , xây dựng niềm tin trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những hoạt động thiết thực này sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tổ chức các hội thảo dành cho các cơ quan truyền thông báo chí trong nước và ngoài nước để trao đổi, tìm hiểu và tăng cường giao lưu giữa truyền thông trong nước và ngoài nước, tạo ra hiệu ứng tốt trong công tác truyền thông và tuyên truyền đối ngoại. Việc giảng dạy tiếng Việt tình nguyện trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng tiếp tục được quan tâm...

Nguồn lực to lớn góp phần vào sự phát triển đất nước

Những năm qua, công tác xây dựng, giải quyết chính sách đối với kiều bào; hỗ trợ củng cố, phát triển cộng đồng, hỗ trợ trí thức, doanh nhân kiều bào và động viên khen thưởng các nhân tố tích cực... cũng được triển khai đồng bộ. Với sự hỗ trợ, động viên từ trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia tích cực và đẩy mạnh các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì và phát triển phong trào sử dụng tiếng Việt hướng tới thế hệ trẻ.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng bày tỏ, vận động đoàn kết bà con Việt Nam ở nước ngoài là một trong những mảng công tác được Đại sứ quán tại các nước, cùng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao rất quan tâm và thúc đẩy. Bởi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chính là những nhân tố rất quan trọng làm cầu nối, hỗ trợ cho mối quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực.

Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp với gần 300.000 người, được hình thành từ rất lâu và luôn được củng cố. Đặc thù của người Việt Nam tại Pháp là lực lượng trí thức và  có nhiều đóng góp cho đất nước. Những chính sách của Việt Nam đối với kiều bào thời gian qua, được cộng đồng người Việt đánh giá rất cao như giữ quốc tịch, chính sách miễn thị thực… đã tạo điều kiện cho bà con trong việc trở về quê hương, Tổ quốc đóng góp sức lực của mình trong công cuộc xây dựng đất nước.

Tại Singapore , cộng đồng người Việt được đánh giá là lực lượng lao động trí tuệ. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Singapore Trần Hải Hậu cho biết hiện nay, cộng đồng người Việt ở Singapore có khoảng 12.000 đến 13.000 người, trong đó có khoảng hơn 8.000 sinh viên Việt Nam đang học tập và khoảng 2.000 chuyên gia làm việc tại các tập đoàn lớn của Singapore cũng như các tập đoàn đóng tại Singapore và khoảng 2.000 cô dâu Việt Nam.

Cộng đồng người Việt tại Singapore rất thành công, sinh viên đạt thành tích cao, tiêu biểu là sinh viên Lê Hà Thanh Mai đến Singapore du học bằng học bổng ASEAN đã được Thủ tướng Lý Hiển Long khen ngợi.

Năm 2014, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có kế hoạch chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, đánh giá tổng thể những kết quả đạt được, những khó khăn hạn chế trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Từ đó đề ra các phương hướng, biện pháp huy động tốt hơn sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị, nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, đóng góp tích cực cho công cuộc hội nhập và phát triển đất nước.

Theo TTXVN

>> Sự phát triển của đất nước có đóng góp to lớn của kiều bào
>> Đoàn báo chí kiều bào thăm tòa soạn Báo Thanh Niên
>> Kiều bào và bạn bè Lào tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đêm khai diễn 'Khát vọng trẻ': Ấm tình kiều bào

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.