Kiên quyết thu hồi vốn đầu tư công sai mục đích

02/09/2011 02:05 GMT+7

Chiều 1.9, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết được sự đồng ý của Thủ tướng, tới đây Bộ Tài chính kiên quyết thu hồi toàn bộ vốn đầu tư ngân sách nhà nước, trái phiếu phân bổ sai mục đích, không đúng tinh thần của Nghị quyết 11 tại các địa phương. Con số thu hồi trước mắt đã xác định được là 2.000 tỉ đồng.

Ưu tiên chi đảm bảo an sinh xã hội

Cũng theo ông Huệ, 4 tháng còn lại Bộ Tài chính cam kết với Chính phủ sẽ giữ mức bội chi ngân sách 4,9% GDP so với mức 5,3% GDP QH đề ra. Bộ Tài chính sẽ yêu cầu Kho bạc Nhà nước kiểm soát chặt chi thường xuyên, tăng thu ngân sách thông qua truy thu nợ thuế, chống chuyển giá. Nguồn dự phòng ngân sách ưu tiên để trả nợ nước ngoài, chi đảm bảo an sinh xã hội, chi phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Liên quan đến các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước phải trả nợ thay, ông Huệ khẳng định đối với các khoản vay thương mại của Vinashin, tập đoàn này tự có trách nhiệm phải trả, Chính phủ chỉ hỗ trợ cơ chế, chính sách trong hoạt động sản xuất để giảm dần lỗ tiến tới hòa vốn, có lãi. Đối với các DN xi măng đang thua lỗ, qua rà soát đến 31.8, tổng mức vốn vay Chính phủ bảo lãnh cho 16 dự án là 1,365 tỉ USD. Trong đó có 4 nhà máy khó có khả năng trả nợ, gồm Đồng Bành (45 triệu USD), Thái Nguyên (59 triệu USD), Tam Điệp (133 triệu USD), Hoàng Mai (145 triệu USD). “Nếu DN không trả được, sẽ phải bán thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi trả nợ. Còn lại bao nhiêu Nhà nước sẽ trả nợ thay”, ông Huệ nói và cho biết đã kiến nghị Thủ tướng tạm thời ngừng cấp bảo lãnh đối với tất cả dự án xi măng và rà soát lại toàn bộ quy hoạch ngành này.

Do nợ công đang có xu hướng tăng, ông Huệ cho biết đã yêu cầu Cục Quản lý nợ báo cáo tổng hợp, đánh giá lại toàn bộ tình hình nợ công của VN từ 2006 đến 2010, nhằm phục vụ cho chiến lược xây dựng nợ công giai đoạn 2011 - 2020 an toàn hơn.

Giá cả tăng cao đang là một vấn đề gây bức xúc cho người dân - Ảnh: D.Đ.M

Cố gắng giữ lạm phát 18%, GDP ở mức 6%

Chính phủ đánh giá chung 8 tháng đầu năm nền kinh còn nhiều khó khăn do chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng nợ công trên thế giới. Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn khá tốt, như CPI tăng thấp hơn so với tháng trước; tăng trưởng xuất khẩu, giảm nhập siêu; tăng dự trữ ngoại tệ. Hiện cán cân thanh toán tổng thể đã thặng dư. “Ước 8 tháng tăng trưởng GDP đạt 5,57%, nếu phấn đấu thật tốt đến cuối năm có thể đạt mức 6%, lạm phát xoay quanh 18%”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói.

Cũng theo ông Đam, tại kỳ họp này, Chính phủ đã thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho năm 2012. Theo đó, tăng trưởng GDP phải cao hơn năm 2010, lạm phát cố gắng giữ ở mức một con số.

Về điều hành, từ nay đến cuối năm, Chính phủ kiên quyết duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ thận trọng, chính sách tài khóa thắt chặt, giữ mức tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tốc độ tăng trưởng cung tiền dưới 16%. Quản chặt thị trường vàng, ngoại tệ, không để xảy ra sốt nóng, lộn xộn. Đầu tư công không chỉ đơn thuần cắt giảm mà phải quyết liệt sắp xếp lại để tập trung vào các công trình cấp bách, sắp hoàn thành, nâng cao hiệu quả đồng vốn.

Một trong những chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng là thời gian tới kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai khoáng. “Trước mắt tạm dừng cấp phép các dự án khai thác mỏ để đánh giá lại”, ông Đam nói.

Sẽ huy động vàng trong dân

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về giải pháp ổn định thị trường vàng, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết đã trình Chính phủ đề án huy động nguồn vàng trong dân và được Chính phủ đồng ý về chủ trương. Tới đây, NH Nhà nước đứng ra huy động vàng của người dân, đảm bảo lãi suất có lợi nhất và an toàn nhất. Ông Bình cũng cho biết kể từ đầu tháng 8 khi giá vàng biến động mạnh tới nay, NH Nhà nước đã cho phép các DN nhập khẩu 15 tấn vàng, nhưng các DN mới chỉ nhập 7 tấn.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.