Không giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh

12/10/2011 09:15 GMT+7

(TNO) Qua nhiều phiên thảo luận và cân nhắc giữa nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã thống nhất quy định không giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh trong dự thảo Luật tố cáo.

Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban TVQH về dự Luật tố cáo tại phiên họp sáng 12.10, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự Luật tố cáo, cơ quan thẩm tra đã gửi phiếu xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Tính đến ngày 7.10, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã nhận được ý kiến của 40/63 đoàn ĐBQH. Về cơ bản, các nội dung đã tiếp thu, chỉnh lý nhận được đồng tình cao của các đoàn ĐBQH, duy có hai vấn đề còn “chưa đạt được sự thống nhất cao”, đó là chủ thể tố cáo và hình thức tố cáo.

Về chủ thể tố cáo, khi gửi xin ý kiến, cơ quan thẩm tra đưa ra hai phương án. Một là bổ sung cơ quan, tổ chức vào phạm vi người có quyền tố cáo. Phương án 2 là giữ như quy định của dự Luật do Chính phủ trình là chỉ có công dân có quyền tố cáo tương tự như quy định của Luật tố cáo, khiếu nại hiện hành.

Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành quy định của dự thảo Luật (phương án 2) vì cho rằng, “nếu cho phép cơ quan, tổ chức có quyền tố cáo thì có thể làm phát sinh những vấn đề phức tạp liên quan đến cơ chế, cách thức để các chủ thể này được quyền tố cáo”.

Mở rộng hình thức tố cáo

Tương tự nội dung chủ thể tố cáo, cơ quan thẩm tra đưa ra hai phương án về hình thức tố cáo để xin ý kiến các đoàn ĐBQH, đó là giữ nguyên quy định như Luật tố cáo khiếu nại hiện nay là chỉ có hình thức tố cáo trực tiếp và gửi đơn tố cáo; hoặc bổ sung hình thức gửi đơn tố cáo qua thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại, bằng tài liệu nghe được, nhìn được đến các địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận tố cáo đã được niêm yết theo quy định của pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Qua tiếp thu ý kiến các đoàn ĐBQH và lắng nghe ý kiến các cơ quan hữu quan, Ủy ban Pháp luật khẳng định, “việc bổ sung các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại, bằng tài liệu nghe được, nhìn được là phù hợp”.

Ngoài hai nội dung trên, Ủy ban TVQH cũng thống nhất quy định trong dự Luật tố cáo về việc chấp nhận giải quyết tố cáo của nhiều người về cùng một nội dung; chỉ xem xét, giải quyết đối với các tố cáo rõ họ, tên, địa chỉ của người tố cáo (không giải quyết tố cáo nặc danh); quy định trách nhiệm bồi thường của người giải quyết tố cáo trong trường hợp giải quyết tố cáo trái pháp luật…

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.