Không có tranh tụng là không được

15/10/2015 07:14 GMT+7

Đây là quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đưa ra tại phiên cho ý kiến đối với các báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) và bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Đây là quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đưa ra tại phiên cho ý kiến đối với các báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) và bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: TTXVNChủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải đảm bảo tranh tụng trong xét xử. Về nguyên tắc là phải có các thành phần người kiện, người bị kiện, viện kiểm sát, tòa án, luật sư... nên trong quá trình xét xử việc khảo đi khảo lại là chuyện bình thường, không nên hạn chế. “Tranh tụng là đến cùng, đến lúc buộc tội chết hay sống là phải có đầy đủ. Nguyên tắc tranh tụng phải được đảm bảo”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Công an xã, phường không được điều tra
Đó là một trong những quy định được đưa ra trong dự thảo luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự luật này tại phiên họp hôm qua (14.10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết dự luật không quy định công an xã, phường, thị trấn, đồn công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và thẩm quyền tố tụng. “Dự luật quy định trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an hỗ trợ hoạt động điều tra”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.
Trình bày báo cáo về luật Tạm giữ, tạm giam, ông Hiện cho biết tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐBQH, dự luật được chỉnh lý theo hướng quy định một số quyền, nghĩa vụ cơ bản nhất trực tiếp liên quan đến người bị tạm giam tạm giữ. Các quyền khác sẽ do các đạo luật chuyên ngành đang quy định điều chỉnh.
Ông Hiện cũng cho biết dự luật đã quy định sự khác nhau giữa quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giam tạm giữ với người chấp hành án phạt tù. Ví dụ như người chấp hành án phạt tù phải lao động (bắt buộc); phải học tập, rèn luyện kỷ luật, pháp luật, giáo dục công dân, học văn hóa... còn người bị tạm giam tạm giữ không có các nghĩa vụ này. Bên cạnh đó, người bị tạm giam tạm giữ được thực hiện quyền bầu cử (người chấp hành án phạt tù không có quyền này)...
Đại diện Ủy ban Tư pháp cũng cho biết UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát để bổ sung các quyền của người bị tạm giam tạm giữ như quyền bầu cử; quyền gặp luật sư, người bào chữa; quyền được khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế nếu có đóng bảo hiểm y tế, tăng cường hơn một số chế độ...
Tách hoạt động tạm giam tạm giữ độc lập với hoạt động điều tra
Liên quan đến quy định về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giam tạm giữ, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại một số nhà tạm giữ, trại tạm giam cho thấy, hai nơi này ở các tỉnh, huyện đang do cơ quan quản lý thi hành án và hỗ trợ tư pháp công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý, về cơ bản đã tách khỏi hệ thống cơ quan điều tra cùng cấp. Do đó, UBTVQH cho rằng giữ mô hình hiện nay, nhà tạm giữ thuộc quản lý của công an cấp huyện và trại tạm giam thuộc quản lý của công an cấp tỉnh là phù hợp.
Đối với 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay vẫn đang do Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an quản lý là chưa phù hợp với ý kiến của nhiều ĐBQH và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về việc cần phải tách hoạt động tạm giam tạm giữ độc lập với hoạt động điều tra.
Theo đó, cần giao các trại này cho Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự của Bộ Công an quản lý để bảo đảm hoạt động độc lập với cơ quan điều tra, nhằm phòng chống bức cung, dùng nhục hình. Do đó, thẩm quyền quản lý 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an sẽ được chuyển từ Cơ quan điều tra Bộ Công an sang cho Cơ quan Quản lý thi hành tạm giữ tạm giam (Cơ quan Thi hành án hình sự Bộ Công an) và nội dung này đã được chỉnh lý như tại điều 12 của dự thảo luật.
Tuy nhiên, do cơ quan soạn thảo dự án luật này là Bộ Công an đề nghị vẫn giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát trực tiếp quản lý để thuận lợi cho công tác điều tra, nên theo ông Hiện vấn đề này đang xin ý kiến của Bộ Chính trị.
Tại báo cáo, UBTVQH cũng đề nghị bổ sung Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đồng thời không tiếp tục giao cho Cơ quan Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiến hành một số hoạt động điều tra như đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật. Dự luật cũng đã bổ sung một số điều quy định về quyền hạn điều tra của cơ quan kiểm ngư; đồng thời tăng thời hạn điều tra cho tất cả các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.