Không cho phép chính quyền địa phương lạm thu phí

10/08/2015 19:47 GMT+7

(TNO) Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị không bổ sung thẩm quyền cho phép chính quyền địa phương quy định một số loại phí nằm ngoài Danh mục của luật Phí và lệ phí.

(TNO) Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị không bổ sung thẩm quyền cho phép chính quyền địa phương quy định một số loại phí nằm ngoài Danh mục của luật Phí và lệ phí.

hop-thuong-vuPhiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng nay 10.8 - Ảnh: Trường Sơn
Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự luật Phí, lệ phí hôm nay 10.8, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, có một số ý kiến đề nghị cho phép chính quyền địa phương quy định một số loại phí nằm ngoài Danh mục của luật Phí và lệ phí phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo thống nhất cho rằng, việc quy định Danh mục phí và lệ phí trong luật nhằm đảm bảo việc thống nhất trong cả nước, tránh tình trạng phụ thu, tự ban hành các loại phí, tạo gánh nặng và gây bức xúc cho người dân trong giai đoạn vừa qua.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị không bổ sung thẩm quyền cho phép chính quyền địa phương quy định một số loại phí nằm ngoài Danh mục của luật Phí và lệ phí.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, trong trường hợp cần thiết, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các địa phương báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung danh mục.
Vẫn đề nghị giữ phí lòng đường, hè phố
Liên quan đến phí lòng đường, hè phố, báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, có 2 nhóm ý kiến khác nhau về vấn đề này. Một số ý kiến đề nghị không thu phí lòng đường, hè phố và ngược lại, có ý kiến đồng tình việc thu phí nhưng đề nghị cần rà soát kỹ, quản lý chặt chẽ, tránh quy định không rõ ràng, dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách.
Cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đều cho rằng, việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vào các mục đích khác như điểm đỗ xe ô tô... đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện khá tốt và là nguồn thu lớn của ngân sách địa phương.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, thực tế ở nước ta những năm gần đây cho thấy, nhu cầu sử dụng lòng đường, hè phố, đặc biệt là tại các thành phố lớn, phát sinh ngày càng lớn, nhất là nhu cầu phục vụ trông giữ xe máy, ô tô, trong khi ở các thành phố lớn các bãi trông giữ xe công cộng còn hạn chế.
Hơn nữa, việc sử dụng lòng đường, hè phố vào mục đích khác đã được luật Giao thông đường bộ quy định. Theo đó, cơ quan thẩm tra đề nghị giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định việc sử dụng lòng đường, hè phố phù hợp và phải đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Người được sử dụng lòng, hè đường phải nộp phí là đảm bảo công bằng trong việc sử dụng lòng đường, hè phố; tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị giữ lại khoản phí này trong danh mục và yêu cầu các địa phương, nhất là ở các đô thị lớn, cần tăng cường quản lý, quy định cụ thể từng khu vực, từng tuyến phố được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố và tăng cường công tác quản lý khoản thu này bảo đảm công khai, minh bạch, tránh việc thu, sử dụng không đúng với quy định của pháp luật.
Sản phẩm nông nghiệp "cõng" đủ loại phí
Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, từ 1.2015, bộ này đã có văn bản gửi các bộ ngành địa phương đề nghị rà soát các loại phí, lệ phí.
thuong-vuBộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, riêng lĩnh vực thú y còn 18 khoản lệ phí và 550 khoản phí
- Ảnh: Trường Sơn
Theo Bộ trưởng Dũng, qua nghiên cứu, rà soát ban đầu cho thấy lĩnh vực nông nghiệp hiện nay số lượng các loại phí và lệ phí là “rất lớn và rất phức tạp”. Cụ thể sau khi rà soát, chỉnh sửa theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho thấy, riêng lĩnh vực thú y còn 18 khoản lệ phí và 550 khoản phí; lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có 16 khoản lệ phí và 95 khoản phí, lĩnh vực quản lý chất lượng nuôi trồng thủy sản có 7 loại lệ phí và hơn 180 khoản phí... Tính sơ bộ, riêng lĩnh vực nông nghiệp qua rà soát ban đầu có 90 lệ phí và 937 khoản phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.