Khoảng trống quản lý của ngành y tế

14/11/2012 03:25 GMT+7

Chiều qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có 1 giờ đồng hồ để đăng đàn trước QH nên vẫn chưa trả lời trọn vẹn những câu hỏi đầu tiên.

Khoảng trống quản lý của ngành y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói “không dám hứa là sẽ làm được” trước chất vấn về quản lý nhà nước đối với bác sĩ nước ngoài hành nghề tại VN - Ảnh: Ngọc Thắng

Cả 3 ĐB chất vấn đều tập trung vào vấn đề giá thuốc, quá tải bệnh viện tuyến trên, việc quản lý phòng khám bệnh có lương y người nước ngoài và vấn đề y đức của y bác sĩ.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) chất vấn: Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu trong việc để xảy ra nghịch lý, cùng một chủng loại thuốc, trên cùng một địa phương mà giá cả chênh nhau tới 20-40%, có loại chênh cao hơn?

Kể ra nhiều nguyên nhân khiến giá thuốc bị đẩy lên như do nhập khẩu, phân phối lòng vòng qua khâu trung gian, hãng dược bắt tay với thầy thuốc để kê đơn những loại biệt dược nhập ngoại không cần thiết… Bộ trưởng Y tế cho rằng, nguyên nhân cơ bản vẫn là do quản lý nhà nước, thông tư về quản lý giá thuốc từ năm 2007 có nhiều kẽ hở. “Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn tồn tại cho đến nay là vì ngành y tế là nơi quản lý kê đơn, lại vừa quản lý giá thuốc nên dẫn tới tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Lẽ ra ngành y tế chỉ nên quản lý về chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo đủ thuốc và an toàn thuốc nhưng lại quản lý giá là không phù hợp”, bà Tiến nói.

Bà Tiến cũng cho biết, vừa qua Bộ Y tế đã ban hành thông tư thay thế về quản lý giá thuốc, trong đó đã cố gắng bịt những “kẽ hở” của thông tư cũ như phân biệt các loại thuốc do các nước khác nhau sản xuất; giá trúng thầu phải thấp hơn giá đã kê khai… Bên cạnh đó, ban hành một thông tư hướng dẫn hồ sơ mời thầu; quy chế kê đơn, quy định hạn chế tối đa dùng biệt dược… "Những quy định như vậy khiến các doanh nghiệp gặp khó khi muốn đẩy giá thuốc lên cao hoặc bắt tay với bác sĩ kê đơn", bà Tiến nói. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, đó không phải là những giải pháp gốc để giải quyết vấn đề giá thuốc. Bộ Y tế hiện đang xây dựng đề án quản lý giá tối đa toàn chặng để giá thuốc không vượt trần quy định.

Trước bức xúc của ĐB Huỳnh Tấn Dương (Hải Dương) về việc buông lỏng quản lý chất lượng thuốc Đông y và các phòng khám có lương y Trung Quốc, người đứng đầu ngành y tế cho rằng văn bản quản lý, hướng dẫn… về cơ bản đã có hết. Thế nhưng việc thanh kiểm tra, giám sát thì chưa làm được như mong muốn vì lực lượng thanh tra quá mỏng. “Lâu lâu mới thanh tra, mà có phát hiện ra sai phạm thì mức xử phạt cũng không ăn thua gì so với lợi nhuận của các phòng khám này nên không có sức răn đe”, bà Tiến nói.

Việc xác định bằng cấp, khả năng phiên dịch, khả năng nói tiếng Việt của lương y người nước ngoài đang hành nghề tại VN theo quy định cũng chưa kiểm tra, giám sát được bao nhiêu. Nhưng thời gian tới? Bà Tiến than: “Chúng tôi cũng không dám hứa là sẽ làm được vì người đâu mà đi xác định được hết tất cả những phòng khám đó”.

Về chất lượng thuốc Đông y, bà Tiến cho hay có tới 60% số thuốc trong danh mục đang lưu hành trên thị trường hiện nay không đạt yêu cầu về chất lượng. Bộ Y tế đã ban hành văn bản quy định về chất lượng thuốc Đông y, từ giai đoạn nuôi trồng, sản xuất, lưu thông, phân phối, sử dụng. Tuy nhiên, do một lượng lớn hiện nay là nhập lậu, nên “đây là khoảng trống trong công tác quản lý của ngành”.

Sáng nay 14.11, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục đăng đàn.

T. Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.