Khi nào xử lý?

16/01/2012 00:52 GMT+7

Từ khi Thanh Niên khởi đăng loạt bài Công nghệ chế biến xăng, dầu bẩn mới biết nạn chôm chỉa xăng, dầu đã có từ rất lâu. Cơ sở dùng để phù phép xăng dầu được xây dựng hoành tráng, ấy vậy mà từ các cơ quan quản lý ở địa phương đến những đơn vị quản lý chuyên ngành đều không hay biết.

"Không biết" thì đã đành, vậy mà sau khi báo đăng, "biết rồi" cũng chỉ thấy 3 lái xe, 1 phụ xe bị đình chỉ công tác từ cơ quan quản lý về lao động chứ không phải những bước xử lý theo quy trình tố tụng hình sự.

Chưa đề cập đến chất lượng xăng dầu vì cần có thời gian giám định, khi đó hành vi này phạm vào tội “lừa dối khách hàng”. Trước mắt, bằng những thông tin do ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex), cho biết, các nhân viên nói trên thừa nhận có rút ruột xe chở xăng, với số lượng 15 - 20 lít/chuyến (tạm tin là như vậy), trong vòng 1 tháng; thử làm một bài tính: giá xăng 21.000 đồng nhân với mỗi ngày 1 chuyến trong 22 ngày (trừ thứ bảy, chủ nhật), con số này đã gấp nhiều lần 2 triệu đồng (mức để xử lý hình sự tội "trộm cắp"), đủ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi trộm cắp tài sản để điều tra, làm rõ. Vấn đề là tại sao không ai khởi tố ngay để nghiêm trị, ngăn chặn mầm mống tội phạm đã và đang tồn tại?

Đã có nhiều vụ án trộm cắp mà các bị cáo hầu tòa chỉ là trộm vặt. Như ngày 28.12.2011 vừa qua, TAND TP.HCM tuyên phạt Nguyễn Văn Trung (32 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) 3 năm tù và Lê Thị Hồng Linh (28 tuổi) 1 năm tù vì đã có hành vi móc túi một du khách Nhật lấy chiếc điện thoại và cái bóp trị giá vài triệu đồng. Hay như bị cáo Châu Vĩnh Tài (vào thời điểm phạm tội là vị thành niên) cũng phải thi hành bản án 9 tháng tù vì trộm chiếc xe máy Trung Quốc. Những trường hợp trộm cắp tài sản kiểu này bị đem ra truy tố xét xử rất nhiều, trong khi đó, hành vi ăn cắp đã rõ mười mươi như vụ xăng dầu bẩn mà Báo Thanh Niên phản ánh lại chưa bị khởi tố để điều tra.

Không chỉ xâm hại về hoạt động quản lý kinh tế của nhà nước, việc bán xăng dỏm, dầu bẩn đã xâm hại lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và trên hết là làm mất niềm tin của người dân trong xã hội. Câu hỏi đặt ra lúc này không phải chỉ là quản lý tốt hơn bằng cách nào mà còn là khi nào thì các cơ quan có thẩm quyền mới quyết liệt vào cuộc xử lý nghiêm minh?

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.