Khi nào Trung Quốc chấp nhận COC?

28/07/2015 13:30 GMT+7

(TNO) Trung Quốc sẽ chỉ chấp nhận COC trong hai trường hợp: khi Trung Quốc suy yếu, muốn dùng COC để ràng buộc các nước khác và khi Trung Quốc nhận ra rằng sức mạnh về vật chất của họ đã đi đến giới hạn, để khẳng định ảnh hưởng của mình trong khu vực, họ phải tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước nhỏ ở Đông Nam Á, PGS. TS Alexander L. Vuving nhận định.

(TNO) Trung Quốc sẽ chỉ chấp nhận COC trong hai trường hợp: khi Trung Quốc suy yếu, muốn dùng COC để ràng buộc các nước khác và khi Trung Quốc nhận ra rằng sức mạnh về vật chất của họ đã đi đến giới hạn, để khẳng định ảnh hưởng của mình trong khu vực, họ phải tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước nhỏ ở Đông Nam Á, PGS. TS Alexander L. Vuving nhận định.

 Ngoài đường băng dài 3 km trên đá Chữ Thập, Trung Quốc còn được cho là đang xây dựng một đường băng khác trên đá Xu Bi - Ảnh: DigitalGlobe

Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động phi pháp trên Biển Đông và cố tình né tránh các vấn đề pháp lý, việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mong đợi là một trong những giải pháp đối với căng thẳng hiện nay.
Trước thềm cuộc họp giữa các quan chức ngoại giao cấp cao ASEAN và Trung Quốc ngày 29.7, Thanh Niên Online đã có cuộc phỏng vấn Phó giáo sư - Tiến sĩ Alexander L. Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ.
Thanh Niên Online: Thưa PGS. TS Alexander L. Vuving, theo dự kiến, cuộc họp giữa các quan chức ngoại giao cấp cao ASEAN và Trung Quốc ngày 29.7 sẽ bàn về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), vậy theo ông, cuộc họp này có thể mang lại điều gì và có triển vọng nào cho COC hay không?
PGS. TS Alexander L. Vuving: Cuộc họp này là một cơ hội tốt để các nước ASEAN và Trung Quốc tìm hiểu lập trường, quan điểm và ý đồ của nhau. Đây cũng là một dịp tốt để các bên, nhất là các nước ASEAN bày tỏ quan điểm của mình về các hoạt động gần đây của Trung Quốc như xây đảo lấn biển cũng như việc Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với tàu cá nước khác, vv…
Tuy nhiên, tôi không thấy triển vọng sáng sủa lắm cho COC. Trung Quốc có thể sẽ đưa ra một số sáng kiến nào đó, nhưng nếu có thì mục tiêu cũng chỉ là để kéo dài quá trình xây dựng COC và buộc các nước Đông Nam Á phải chấp nhận “các sự đã rồi” trên Biển Đông mà thôi.

PGS-TS Alexander L. Vuving làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Honolulu, Mỹ. Ông là chuyên gia trong các lĩnh vực về an ninh châu Á, Đông Nam Á, Trung Quốc, Việt Nam và Biển Đông.

PGS-TS Alexander L. Vuving là tác giả của nhiều bài viết phân tích các vấn đề chính sách và quan hệ quốc tế trên chuyên san ngoại giao The Diplomat. Ông đồng thời là thành viên ban biên tập tờ Chính sách và chính trị châu Á (Asian Politics and Policy) của Tổ chức nghiên cứu chính sách. Các bài báo khoa học của PGS-TS Alexander L. Vuving cũng được công bố rộng rãi tại các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới.

Thanh Niên Online: Như ông nói, triển vọng của COC không mấy sáng sủa, vậy đâu là những khó khăn lớn nhất đối với việc đạt được COC trên Biển Đông, thưa ông?
PGS. TS Alexander L. Vuving: Khó khăn lớn nhất đối với việc đạt được COC nằm ở chỗ Trung Quốc không muốn bị ràng buộc bởi luật lệ quốc tế. Họ có sức mạnh và họ muốn được tự do sử dụng sức mạnh đó.
Bởi vậy, Trung Quốc chỉ chấp nhận COC trong hai trường hợp sau: Một là, khi Trung Quốc suy yếu và muốn dùng COC để ràng buộc các nước khác. Hai là, khi Trung Quốc nhận ra rằng sức mạnh về vật chất của họ đã đi đến giới hạn, và để khẳng định ảnh hưởng của mình trong khu vực, họ phải tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước nhỏ ở Đông Nam Á. Có lẽ chúng ta phải chờ khá lâu thì mới có thể xảy ra hai trường hợp trên.
Thanh Niên Online: Dù vậy, nếu ASEAN và Trung Quốc có thể đạt được COC thì bộ quy tắc này có tác động như thế nào đối với với giải quyết tranh chấp trên Biển Đông và nó có thể tác động thế nào đến các hành động phi pháp của Trung Quốc?
PGS. TS Alexander L. Vuving: Mặc dù khó khăn nhưng nếu Trung Quốc và ASEAN đạt được thỏa thuận COC thì nó sẽ có những tác dụng nhất định. Các nước sẽ có cơ sở pháp lý để kiểm soát và phản ứng đối với hành động của các bên. Tuy nhiên, đối với hành động xây đảo lấn biển mà hiện nay Trung Quốc đang tiến hành thì COC có tác dụng gì hay không còn tùy thuộc vào nội dung cụ thể của bộ quy tắc này.
Thanh Niên Online: Theo như thông tin được Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố, tại cuộc họp lần này, Trung Quốc và ASEAN cũng thảo luận về việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), được ASEAN và Trung Quốc ký kết vào năm 2002. Vậy ông đánh giá thế nào về việc thực thi DOC trên Biển Đông của các bên?
PGS. TS Alexander L. Vuving: Tôi thấy có mấy điểm chính về sự thực thi DOC ở Biển Đông như sau:
Thứ nhất là có sự tỉ lệ nghịch giữa sự tuân thủ DOC với thực lực của các bên. Nghĩa là nước nào thực lực càng yếu thì càng tuân thủ DOC, và nước nào thực lực càng mạnh lại càng hay vi phạm nó. Cụ thể, Trung Quốc là nước có thực lực lớn nhất thì cũng là nước vi phạm nhiều nhất, trong khi các nước yếu nhất lại tuân thủ nhiều nhất.
Thứ hai là các nước đều có sự giám sát lẫn nhau để tuân thủ DOC. Mặc dù DOC không có biện pháp chế tài nhưng chính các nước đã dùng lực lượng cả mình để chế tài lẫn nhau. Điều này cho thấy, DOC hiện nay và COC trong tương lai sẽ được chế tài tốt nhất nếu có sự cân bằng lực lượng giữa các bên.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc hoàn thành xây dựng các công trình trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, sức mạnh của Trung Quốc sẽ ngày càng tăng, lấn át các nước khác, và lúc đó chế tài DOC cũng như COC sẽ trở nên phiến diện, tức là Trung Quốc sẽ đơn phương nhân danh DOC hoặc COC để cưỡng chế các nước trong khi các nước khác không có nhiều thực lực để cưỡng chế ngược lại.
-  Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Thanh Niên Online!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.