Khát nước giữa mùa mưa

20/09/2009 23:24 GMT+7

Một ao nước đục, gần bãi cỏ thả bò, lại là nguồn nước sinh hoạt chính của nhiều hộ dân lân cận. Nhưng nhiều người dân ở đây vẫn xuýt xoa “tốt rồi”, bởi nhiều nơi khác người dân phải mua nước ao, hồ với giá cắt cổ để cho... gia súc uống.

Thiếu nước sinh hoạt từ lâu vốn là chuyện bức xúc của người dân thị xã Hà Tiên (Kiên Giang), kể cả trong mùa mưa.

 Mới sáng sớm, Chao Thị Ọn đã khệ nệ xách những can nước to đùng, chất đầy trên chiếc xe Honda, phóng như bay về quán cóc của cô bên triền núi, gần Khu du lịch Núi Đá Dựng (xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên). Nơi chị Ọn lấy nước là cái ao đục ngầu, nằm sát con lộ và bờ ruộng, nơi tôi gặp anh Chênh Ly lùa đám bò của mình đến cột kế bên cho ăn cỏ. Ly cho biết, cái ao này là nguồn nước chính của nhiều nhà dân nơi đây, mà nếu không có nó thì không biết lấy nước đâu để xài. Ở cách đó không xa, có hộ dân cũng cho đào ao chứa nước, nhưng thường ít ai đến lấy. Mùa nắng, người đến lấy nước ao đều phải trả tiền. Một cách tự nhiên, Ly chỉ về ao nước vẩn đục, “quảng cáo”: “nước ngọt lắm, ngon lắm, uống thử thì biết...”.

Người và gia súc đều khát

Cái ao nước đục, dù sao vẫn là niềm khao khát của nhiều người dân ở xóm kế bên. Bà Cao Thị San (tổ 1, ấp Xà Xía, Mỹ Đức) than rằng gia đình bà lâu nay phải đi mua nước với giá cao để cho 6 con trâu uống. Hướng về dãy ruộng sau nhà, bà San bảo đất ở đây nhiễm phèn nặng, để làm ruộng được thì phải xử lý nước rất vất vả. Nước ngầm cũng không thể xài, dân ở đây nhiều người từng thuê giàn khoan nước ngầm, nhưng tất cả những mũi khoan đều gặp nước phèn mặn, đến trâu bò cũng không uống được.

Nước mặt không xài được, nước ngầm cũng không, người dân chỉ còn cách mua nước ở nơi khác. Hằng ngày, nhà bà San phải kéo xe đi mua nước với giá 1.000 đồng/can 30 lít. Để đủ nước sử dụng cho người và gia súc, mùa mưa này mỗi ngày gia đình bà phải tốn từ 20 - 30 ngàn đồng. “Vậy nào đã yên, có khi còn bị CSGT phạt vì xe kéo nước cồng kềnh. Nhà tôi đã 2 lần bị phạt, giam xe mấy ngày”, bà San kể.

Cùng cảnh với bà San, nhà anh Chao Sol mỗi tháng phải tốn 150 ngàn đồng tiền mua nước ngọt. Anh Sol nói chỉ biết nước ngọt là vì mình nếm thấy không mặn thôi, còn nước lấy ở đâu, có thật sạch hay không thì thông thể biết.

Chuyện thiếu nước không chỉ diễn ra ở các hộ dân xã Mỹ Đức, mà ngay các trường học cũng không có nước sạch đảm bảo. Ông Phùng Thanh Phong, Hiệu phó trường THCS Mỹ Đức, cho biết trường có 245 học sinh, tuy có trang bị bồn chứa, nhưng lượng nước chứa cũng chỉ đủ sinh hoạt đúng 1 tuần. Nếu cách 1 tuần không mưa, trường phải mua nước từ nội ô chở ra với giá 120 ngàn đồng/bồn 8 khối. Trong điều kiện khó khăn đó, nhà trường phải dán khẩu hiệu để nhắc nhở học sinh tiết kiệm nước tối đa. Nhiều giáo viên tại trường nói họ cũng đang sống trong hoàn cảnh “túng” nước như vậy.

Mua nước sông với giá “cắt cổ”

Không chỉ xã Mỹ Đức, nhiều thôn xóm vùng ven thị xã Hà Tiên người dân từ lâu cũng sống trong cảnh cực nước. Tại ấp Ngã Tư, xã Thuận Yên, chuyện nước ngọt càng bức xúc hơn. Ông Trần Văn Hùng, một hộ dân trong ấp cho biết từ trước đến giờ dân ở đây phải xài “nước đổi” của ghe chở từ khu Nhà máy xi măng Hà Tiên đến. Tháng mưa, giá nước còn rẻ, những ngày nắng giá nước ngọt là 40.000 đồng/bồn 600 lít, vậy mà có khi phải giành giật mới có.

Nghịch lý hơn là dù đường ống dẫn nước của Nhà máy nước Hà Tiên đi qua ngang xã nhưng chỉ một hộ dân được kéo nước vào sinh hoạt. Bà Đinh Thị Tuyết Mai kể bà đã liên hệ với người của Nhà máy nước Hà Tiên hỏi chi phí lắp đặt đường ống nước tới khu dân cư để bà đi vận động người dân đóng góp, nhưng nguyện vọng đó cũng không được đáp lại.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thông, cán bộ xã Thuận Yên, thừa nhận chuyện người dân ở ấp Ngã Tư phải mua nước sông chưa qua lắng, lọc với giá lúc cao điểm lên tới 60.000 đồng/m3 là có thật. Ông Thông cho biết, trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân cũng phản ánh nỗi bức xúc thiếu nước, chính quyền cũng đã “xuống mối” chuyện này rồi. Nhưng khi hỏi còn phải đợi đến bao giờ người dân ở đây có nước sạch, hay chí ít không phải mua nước sông với giá... cắt cổ như trước giờ, ông Thông trả lời xã cũng... đang chờ.

Thấy chúng tôi đến hỏi chuyện nước sinh hoạt, bà cụ Nguyễn Thị Gái xua tay: “Ghi hoài mà có thấy nước nôi gì đâu. Chúng tôi sống ở đây cực nước hơn gì hết”. Rồi bà ngán ngẩm nói tiếp: “Chuyện nước nôi chúng tôi nói với chính quyền hoài. Cũng có người đến ghi ghi, chép chép, cũng mời họp nhiều lần, nhưng đâu có tốt gì hơn...”.

Trước tình hình trên, thật ngạc nhiên khi ông Trương Công Văn, Phó bí thư Đảng ủy Mỹ Đức, nói ở xã có đến “trên 80% hộ dân” có nước sạch xài. Càng ngạc nhiên hơn khi ông Văn cho rằng nước sạch ở đây là nước giếng, nước ao... và người dân cũng phải mua (?!).

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.