Kết quả bỏ phiếu lần đầu không đạt nên xem xét miễn nhiệm

23/05/2012 03:02 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm (BPTN) - một trong những nội dung của dự thảo Đề án đổi mới hoạt động của QH, nguyên Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho biết:

Kết quả bỏ phiếu lần đầu không đạt nên xem xét miễn nhiệm
Ông Nguyễn Đức Kiên - Ảnh: Ngọc Thắng

Trường hợp sau khi bỏ phiếu lần đầu không đạt trên 50%, cơ quan có thẩm quyền về cán bộ thẩm tra là đúng thì cần xem xét miễn nhiệm chứ không nên chờ sau hai lần bỏ phiếu. Pháp luật hiện hành vốn đã quy định việc BPTN đối với các nhân sự QH bầu và phê chuẩn nhưng trên thực tế, quy định này chưa thể thực hiện được, có thể khái quát lại có 3 lý do chính.

Thứ nhất, luật quy định ít nhất phải có 20% ĐBQH hoặc một cơ quan của QH đề nghị BPTN một chức danh nào đó, nhưng không được vận động, cho nên việc có được một cơ quan của QH và đủ 20% số ĐBQH trở lên đề nghị không thể thực hiện được. Thứ hai, người VN thường ngại va chạm, sợ thành kiến, bị thù hằn nên việc thực hiện BPTN đúng thực chất không phải là dễ. Lý do thứ ba là quy trình về thẩm quyền quyết định công tác cán bộ qua rất nhiều khâu, thuộc chức năng, quyền hạn của nhiều tổ chức, nên việc thực hiện BPTN để làm cơ sở xem xét quyết định miễn nhiệm hay bãi nhiệm là không đơn giản.

Tôi nghĩ, sắp tới khi sửa Hiến pháp và luật, cần cụ thể hóa thật rõ ràng các tiêu chí liên quan đến miễn nhiệm và bãi nhiệm; đồng thời, cần bổ sung thêm quy định từ chức. Bản thân người được bầu hay phê chuẩn căn cứ vào tiêu chuẩn luật định từng chức danh, nếu xét thấy mình không đáp ứng được thì nên chủ động từ chức, áp dụng đối với các chức danh được bầu hoặc phê chuẩn tại các tổ chức trong hệ thống chính trị. Cần áp dụng phổ biến hình thức tự từ chức.

Dự thảo Đề án quy định những chức danh như Chủ tịch nước, Thủ tướng, các bộ trưởng, chủ nhiệm các ủy ban của QH nếu sau 2 lần BPTN không đạt tỷ lệ quá bán sẽ xem xét miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm. Nhưng có ý kiến đề nghị bỏ phiếu lần đầu không đạt nên xem xét miễn nhiệm luôn. Ông nghĩ gì về quan điểm này? 

Theo tôi, ngay lần BPTN đầu tiên không đạt quá bán, cơ quan có thẩm quyền thẩm tra là đúng, thì người đó nên xin từ nhiệm, từ chức; chứ đợi đến lần 2 không đủ số phiếu tín nhiệm mới xem xét miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm thì quá dài.

Ông có tin rằng với quyết tâm của T.Ư lần này, quy định BPTN sẽ khả thi trên thực tế?

Với chỉ đạo kiên quyết và thống nhất cao trong Đảng, đồng thời, gương mẫu làm từ trên trước thì chủ trương, quyết định của Đảng và Nhà nước sẽ có khả thi trên thực tế.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền: Chưa làm rõ trách nhiệm từng vị trí lãnh đạo

Kết quả bỏ phiếu lần đầu không đạt nên xem xét miễn nhiệm
Ông Nguyễn Đình Quyền - Ảnh: Ngọc Thắng

Bỏ phiếu hằng năm không cần hội đủ 20 hay bao nhiêu phần trăm ĐB kiến nghị gì cả mà tỷ lệ đó chỉ có ý nghĩa trong trường hợp bỏ phiếu bất thường, còn các bộ trưởng nhất thiết phải tiến hành BPTN hằng năm. Để có căn cứ về việc bãi nhiệm, miễn nhiệm hay không các chức danh do QH bầu, phê chuẩn nếu số phiếu tín nhiệm không đạt quá bán, quy trình phải được xem xét chặt chẽ. Các ĐB khi tiến hành bỏ phiếu phải có đủ thông tin. Một thông tin sai lệch có thể làm phương hại đến một cá nhân nào đó, khiến một anh đáng lẽ phải nghỉ thì không nghỉ, phải được làm thì lại phải nghỉ bởi tất cả các vấn đề về nhân sự đều phải tiến hành một cách cực kỳ chặt chẽ và thận trọng, có đủ các quy trình. Nếu không sẽ loạn.

Chính vì vậy, để có căn cứ bỏ phiếu, cần một cơ chế mới về chế độ báo cáo, tức là hằng năm các thành viên Chính phủ phải có bản kiểm điểm của mình gửi cho tất cả ĐBQH. Trong trường hợp cần thiết bỏ phiếu bất tín nhiệm một ai đó thì QH cần thảo luận, còn không, coi như một báo cáo kiểm điểm cuối năm thì không cần thảo luận.

Hiện chúng ta vẫn đang thiếu một luật về công vụ, nền công vụ quốc gia, trong đó xác định từng vị trí một thì trách nhiệm đến đâu. Ví dụ, trong trường hợp ông bộ trưởng ủy quyền cho thứ trưởng thì phạm vi ủy quyền đến đâu, trong trường hợp ủy quyền thế thì trách nhiệm của người được ủy quyền như thế nào.

Nên cấm hút thuốc khi đi xe đạp, xe máy, xe thô sơ

Thảo luận về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự luật Phòng, chống tác hại thuốc lá tại nghị trường sáng 22.5, đa số ĐBQH tán thành với quy định về thẩm quyền xử phạt của người đứng đầu địa điểm công cộng đối với hành vi hút thuốc không đúng nơi quy định, đồng thời đề xuất bổ sung thêm một số điều cấm về hút thuốc lá.

Đa số các ý kiến cũng tán thành việc lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá với nguồn lập quỹ được trích từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá, tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá bán thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng tối đa không quá 2%. Các ý kiến này cũng đề nghị phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong sử dụng, quản lý quỹ.

Liên quan đến các hành vi bị cấm nêu trong dự luật, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị cần bổ sung quy định "cấm hút thuốc khi đi xe đạp, xe máy và các phương tiện thô sơ", vì theo ĐB Cảnh, “hành vi vừa hút thuốc, vừa lái xe sẽ gây nguy hiểm cho chính người lái vì sẽ xảy ra trường hợp là người điều khiển bằng một tay và khói thuốc làm giảm tầm quan sát của người điều khiển”...   

B.C

Bảo Cầm (thực hiện)

>> Bà Đặng Thị Hoàng Yến xin từ nhiệm đại biểu Quốc hội
>> Sẽ xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu vào đầu kỳ họp Quốc hội
>> Kỳ họp của những đổi thay lớn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.