Johnathan Hạnh Nguyễn - Người đi mở đường bay - Kỳ 5: Mở đường kiều hối

22/05/2015 06:21 GMT+7

Thời cấm vận, tiền kiều hối từ Mỹ chuyển về cho thân nhân ở trong nước với mức cho phép của chính phủ Mỹ chỉ 200 USD. Hàng quà biếu mỗi lần cũng giới hạn 200 USD. Nhưng Johnathan Hạnh Nguyễn đã nghĩ ra một phương án táo bạo.

Thời cấm vận, tiền kiều hối từ Mỹ chuyển về cho thân nhân ở trong nước với mức cho phép của chính phủ Mỹ chỉ 200 USD. Hàng quà biếu mỗi lần cũng giới hạn 200 USD. Nhưng Johnathan Hạnh Nguyễn đã nghĩ ra một phương án táo bạo.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn thắp hương liệt sĩ hy sinh và nằm lại trên đảo Trường Sa vào tháng 4.2014 - Ảnh: T.LÔng Johnathan Hạnh Nguyễn thắp hương liệt sĩ hy sinh và nằm lại trên đảo Trường Sa vào tháng 4.2014 - Ảnh: T.L
Ông kể trong đời ông có 3 lần... chết hụt. Lần thứ nhất vào dinh xin chữ ký Tổng thống Marcos để mở đường bay. Lần thứ hai khi đi trên máy bay B-707 (mà ông thuê bao của Vietnam Airlines) bị chập điện vì quá cũ kỹ. Các bộ phận của chiếc B-707 này hư hỏng không thay thế được, sau đó được dùng vào việc... trồng rau. Lần thứ ba là tham gia chở hàng xuất khẩu.
Có những chuyến bay như... xe đò
Tình trạng các chuyến bay đến TP.HCM thì có hàng, trong khi chuyến ra trống trơn đã khiến Johnathan Hạnh Nguyễn thua lỗ nặng.
Ông kể có những chuyến bay thời đó như... xe đò. Lúc không có khách thì tháo hết ghế để chở hàng. Lúc có khách thì lắp ghế lại. Nếu để kéo dài như vậy thì đường bay có nguy cơ bị “đứt”. Vietnam Airlines đã nhiều lần xin ý kiến lãnh đạo T.Ư tìm cách để cứu. Việc xuất khẩu hàng nông sản thông qua những chuyến bay thuê bao của Johnathan Hạnh Nguyễn được đẩy mạnh. Lúc đó tỉnh, thành nào có hàng gì xuất được là gom về cho “người đi mở đường bay” xuất hết, mặc dù quy định về xuất khẩu chưa bài bản, thậm chí có khi còn bỏ qua luôn thủ tục hải quan.
Có lần Đồng Tháp đề nghị xuất cua đồng vì số lượng nhiều quá không biết làm gì cho xuể. Thấy tình thế đang kẹt, Johnathan Hạnh Nguyễn lúc này đang ở Philippines đã liên hệ tìm được mối để xuất. Đơn hàng đầu tiên trị giá 10.000 USD. “Mọi người đều rất mừng vì có nơi để xuất, nhưng anh em thực hiện bên dưới lại làm theo kiểu “giết người”. “Cua được dồn hết vào giỏ cần xé đan dây chuối, lót lá. Do nhiệt độ thay đổi, cua vùng vẫy cắn dây bung ra hết, tràn ra khoang hành lý. Cũng may mà không có sợi dây điện nào bị đứt. Chứ nếu đứt thì tôi thêm một lần chết nữa. Đứt thì chập điện. Máy bay rơi phụp liền”, ông kể.
Chưa hết, đến Manila, biên nhận hàng hóa ghi là seafood từ VN chuyển qua thì ai cũng nghĩ là được đóng thùng bài bản. Vậy mà vừa mở khoang hành lý, cua tràn ra đầy sân bay. “Hệ thống báo động rú lên. Lực lượng an ninh sân bay được huy động tối đa để kịp thu gom. Không quân, quân cảnh, nhân viên hàng không túa ra hết. Người thì được phát bao nhựa. Người thì được phát túi giấy. Tôi hô lên: “Ai bắt được chừng nào cho mang hết về nhà ăn”. Mọi người tiếp tục nhào vô gom. Cả sân bay náo động. Ngưng đường băng mấy tiếng đồng hồ”, ông nhớ lại.
Sau đó, phía Cục Hàng không Philippines vào làm việc đòi cấm bay nhưng rồi cũng nhờ mối quan hệ cá nhân của ông mà mọi chuyện được giải quyết êm. “Giải quyết xong sự cố đó tôi về nói với mấy ảnh: “Giúp tôi như vậy là giết tôi luôn”. Mấy ảnh cười: “Trời ơi, chúng tôi đâu có biết. Ở đây cứ bỏ vào giỏ cần xé, nghĩ chất lên máy bay như chất lên xe đò là chạy thôi”, ông kể lại.
“Từ hai cái này tôi sẽ kiếm tiền về cho các ông”
Thời cấm vận, tiền kiều hối từ Mỹ chuyển về cho thân nhân ở trong nước với mức cho phép của chính phủ Mỹ chỉ 200 USD. Hàng quà biếu mỗi lần cũng giới hạn 200 USD. Johnathan Hạnh Nguyễn nói với một lãnh đạo TP.HCM: “Từ hai cái này tôi sẽ kiếm tiền về cho các ông”. Sau đó, ông mở chi nhánh Công ty Impex International Phil (tiền thân Tập đoàn IPP ngày nay) tại Hồng Kông để chuyển tiền kiều hối. Từ đầu mối đó thông báo về trong nước quy đổi tiền đồng VN và bộ phận kiều hối của Imexco tại TP.HCM đi phát cho từng người theo danh sách ông chuyển về.
Trên thực tế, những năm 1985 - 1986 tư duy đổi mới cấp trên đã có nhưng bên dưới thì lại chưa có cơ sở để làm. Johnathan Hạnh Nguyễn phải cố công thuyết phục những người lãnh đạo. Ông giải thích: “Nếu có tiền thì phải cho người có tiền được mua sắm. Phải có hàng hóa để họ được mua hàng. Tiền của người ta phải để người ta có quyền chi tiêu. Dân có nhu cầu, có hàng hóa thì mới kêu bên đó gửi tiền về. Cách làm này có lợi đôi đường. Nhà nước có ngoại tệ để nhập khẩu xăng, dầu... Người dân cũng có tiền để chi tiêu. Chứ gửi tiền về rồi mà đi đâu cũng tem phiếu cả thì tiền mình đổi cho họ không khác gì như một mớ giấy”.
“Bây giờ kiều hối mỗi năm 12 tỉ USD nhưng lúc đó chỉ có mấy trăm ngàn USD thôi, nhưng mà nó lớn lắm”, ông nói và nhớ lại: “Máy bay tôi chở thuốc tây, xe máy, áo phông, áo gió, dép lưới, thức ăn, tủ lạnh, đầu máy, ti vi... về nước. Người dân có tiền kiều hối, có giấy xác nhận thì lấy tiền đó mua đồ trong intershop của Imexco. Mình thu lại ào ào. Nó trở thành một phong trào. Tiền gửi về đúng lúc đất nước đang cần”.
Từ năm 1995, khi lệnh cấm vận được bãi bỏ thì chính Johnathan Hạnh Nguyễn đã mang số vốn lên đến 20 triệu USD về VN bắt đầu triển khai những kế hoạch đầu tư. Ông đưa vốn vào những lĩnh vực sản xuất, dịch vụ thiết yếu của đời sống lúc bấy giờ và đến thời điểm này, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) mà ông gầy dựng từ 30 năm trước đã trực tiếp đầu tư và hợp tác tới 47 dự án tại VN, với tổng số vốn hơn 455 triệu USD.
Hỏi thành quả như vậy đã là một thành công đối với ông? Johnathan Hạnh Nguyễn cười: “Số tiền đầu tư tăng lên hơn 20 lần cũng có thể xem là một thành công, nhưng điều mà tôi thấy thành công nhất là các dự án đầu tư của tập đoàn tham gia đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 22.000 lao động trên cả nước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.