IPU-132 thông qua Tuyên bố Hà Nội

02/04/2015 08:46 GMT+7

Sau 5 ngày làm việc, chiều qua 1.4, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội đã chính thức kết thúc.

* Khẳng định lấy người dân làm trung tâm, thực hiện quyền con người, tôn trọng luật pháp quốc tế

Sau 5 ngày làm việc, chiều qua 1.4, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội đã chính thức kết thúc. Trong ngày làm việc cuối cùng, IPU-132 đã thông qua các văn kiện quan trọng, đặc biệt là Tuyên bố Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, với tư cách Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132 đã điều hành phiên bế mạc - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, với tư cách Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132 đã điều hành phiên bế mạc. Đại hội đồng đã nghe và thông qua các báo cáo về 3 dự thảo nghị quyết của các Ủy ban thường trực của IPU gồm: Nghị quyết về Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế; Nghị quyết về Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước; Nghị quyết về luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người.
Đại hội đồng IPU-132 đã nhất trí thông qua Tuyên bố Hà Nội, văn bản quan trọng phản ánh tầm nhìn, cam kết và hành động của các nghị viện thành viên IPU vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích của người dân, quốc gia cũng như thúc đẩy hợp tác toàn cầu. Tuyên bố khẳng định lấy người dân làm trung tâm, thực hiện quyền con người, tôn trọng luật pháp quốc tế; thúc đẩy nghị viện các quốc gia nỗ lực hành động, thực hiện cam kết, ban hành luật pháp, phân bổ ngân sách, phù hợp đặc điểm của mỗi nước; đảm bảo các chính phủ có trách nhiệm với những mục tiêu đã cam kết.
Trước đó, trong phiên thảo luận buổi sáng về chủ đề “Dân chủ trong kỷ nguyên công nghệ số và sự đe dọa quyền riêng tư và các quyền tự do cá nhân cơ bản”, đại biểu các nước cho rằng cần luật hóa và giám sát việc theo dõi, thu thập thông tin của công dân. Theo đại diện của Ấn Độ, công nghệ thông tin và internet đã thúc đẩy sự minh bạch của các nhà nước, đồng thời cho phép người dân tham gia mạnh mẽ hơn vào các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, công nghệ phát triển cũng đe dọa tự do cá nhân, quyền riêng tư, trong đó phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bị tác động nhất.
Liên quan đến các hoạt động theo dõi, thu thập thông tin của các chính phủ đối với công dân của mình, đại diện của Bỉ cho rằng cần phải có cơ chế giám sát để các hoạt động này không bị lạm dụng. Chia sẻ kinh nghiệm, đại diện của Bỉ cho biết Quốc hội Bỉ có một ủy ban giám sát hoạt động của cơ quan tình báo quốc gia để nắm được các hoạt động theo dõi, thu thập nào đang được thực hiện đảm bảo minh bạch và đúng luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.