Hội nghị giao ban trực tuyến với Bộ Tài chính: Địa phương đồng thanh nhờ T.Ư giúp đỡ

10/04/2009 18:13 GMT+7

(TNO) Đó là tinh thần chung mà lãnh đạo của nhiều địa phương đã nêu ra khi tham gia Hội nghị giao ban trực tuyến với Bộ Tài chính, được tổ chức vào hôm nay 10.4. “Đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ bù phần thiếu hụt cho địa phương”, câu nói này đã được lặp đi lặp lại nhiều lần trong hội nghị.

Các địa phương kêu khó

Diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới trong thời gian qua đã tác động rất lớn đến kinh tế xã hội trong nước và công tác thu ngân sách. Ông Hoàng Đình Châm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, quý 1 năm 2009 thu thuế xuất khẩu của tỉnh giảm tới 20% so với cùng kỳ năm 2008 và giá trị xuất nhập khẩu còn tệ hơn, giảm tới 60% so với cùng kỳ năm trước.

Ngay cả những địa phương có số thu ngân sách hàng năm lớn như Vĩnh Phúc, Hải Dương… cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn.

Theo đại diện của UBND tỉnh Hải Dương, chỉ riêng 3 doanh nghiệp là Ford Vietnam, xi-măng Hoàng Thạch và điện Phả Lại đã chiếm tới 53% số thu nội địa của tỉnh nhưng hiện tại 3 doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là ôtô thì bán rất chậm. Theo dự tính của UBND tỉnh Hải Dương, thu ngân sách năm 2009 của địa phương này sẽ hụt khoảng 810 tỉ đồng so với chỉ tiêu. Vị đại diện của UBND tỉnh Hải Dương cho rằng, dù cố gắng co kéo kiểu gì đi nữa thì địa phương vẫn thiếu khoảng trên 500 tỉ đồng, và ông này cũng mạnh dạn kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ địa phương 500 tỉ đồng.

Tại Vĩnh Phúc, nguồn thu từ sản xuất công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ lệ rất lớn trong thu ngân sách, tuy nhiên quý I/2009, lĩnh vực này của Vĩnh Phúc lại suy giảm đáng kể, đứng đầu cả nước về mức độ suy giảm, giảm tới 17,6% so với cùng kỳ năm 2008. Mức độ giảm thu tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI, như Toyota giảm tới 37,5%, Honda giảm 63%. Trong khi đó, những dấu hiệu của sự suy giảm vẫn chưa dừng, điều này càng gây khó khăn cho việc thu ngân sách của tỉnh.

Theo ông Trần Ngọc Ái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sau buổi làm việc với tỉnh, hãng Toyota cho biết có thể năm 2009 sản lượng của nhà máy này giảm tới 50%. Ông Ái cho rằng, ôtô không bán được vì giá cao do tăng thuế không chỉ ảnh hưởng tới Vĩnh Phúc mà còn tác động tới cả nước. Ông Ái đề nghị, Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét lại chính sách thuế đối với ôtô, vì ngoài việc ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất trực tiếp nó còn tác động tới nền công nghiệp phụ trợ. Với tình trạng như hiện nay, ông Ái dự báo, năm 2009 Vĩnh Phúc sẽ thiếu hụt khoảng 2.500 tỉ đồng so với kế hoạch giao.

Đầu tàu kinh tế của khu vực ĐBSCL, Cần Thơ cũng đứng trước nguy cơ không hoàn thành thu ngân sách. Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó chủ tỉnh UBND TP Cần Thơ cho biết, quý I/2009 thành phố đã có 4.000 lao động bị mất việc làm. Ông Lợi nhấn mạnh: “Cần Thơ sẽ tìm cách tăng thu từ xổ số kiến thiết và nhà đất nhưng chắc chắn có hụt nguồn”.

Ngay cả TP.HCM cũng chật vật với thu ngân sách. Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyền Thị Hồng, dự kiến năm 2009, TP.HCM hụt khoảng 23.000 tỉ đồng so với kế hoạch giao. Nguồn thu từ nhà đất là rất lớn nhưng tháng 2 và tháng 3, nguồn thu này bắt đầu giảm mạnh. Bà Hồng cho rằng, đây là điều rất đáng lo ngại. Bình thường chắc cũng có thể lấy chỗ nọ bù chỗ kia, “gồng gánh” được nhưng trong lúc khó khăn thì không thể.

Điều này đã khiến bà Nhữ Thị Hồng Liên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kêu khó: “Có những dự án do Trung ương triển khai tại địa phương nhưng chậm tiến độ, chưa đi vào hoạt động sản xuất nhưng Bộ Tài chính vẫn tính vào nguồn thu”. Bà Liên kiến nghị: “Nên cho phép địa phương được điều chuyển các nguồn trong khả năng cho phép”. Theo bà Liên, nếu được làm như thế thì sẽ bớt gánh nặng cho Trung ương.

Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ tán đồng: “Theo quy định, thu từ xổ số chỉ được chi cho giáo dục và y tế, đề nghị mở rộng được chi cho cả các hoạt động phúc lợi khác”.

Sáng sủa hơn tí chút, dù khó khăn nhưng đại diện của Hà Nội vẫn cam kết sẽ cố gắng chia sẻ với các địa phương. Ngay trong quý I/2009, Hà Nội cũng đã có 25.000 lao động bị mất việc làm. Dự báo, đến hết năm 2009, con số này sẽ tăng lên 45.000.

Trung ương cũng đau đầu

Trong khi đó, “bầu” ngân sách của Trung ương cũng "xẹp lép". Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, quý I/2009, thu ngân sách nhà nước ước đạt 86.270 tỉ đồng, bằng 22,1% dự toán. So với thực hiện cùng kỳ năm 2008, số thu quý I/2009 giảm mạnh cả về số tuyệt đối (giảm trên 15.000 tỉ đồng, tương đương 20%) và tiến độ thực hiện dự toán.

Bộ Tài chính đã chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến cân đối ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm đạt thấp so với dự toán: 

Một là do chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản và chứng khoán suy giảm. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế đã làm giảm tiến độ thu nội địa.

Thứ hai, mặc dù giá dầu thô đang có dấu hiệu nhích lên nhưng giá dầu thanh toán bình quân của 3 tháng đầu năm 2009 chỉ đạt 42,7 USD/thùng, giảm 27,3 USD/thùng so với giá tính dự toán.

Thứ ba, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý I/2009 ước giảm 27%.

Ba quý còn lại của năm vẫn còn rất nhiều khó khăn đặt ra cho công tác thu ngân sách.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.