Hiểu để yêu đất nước

30/09/2015 21:02 GMT+7

(TNO) Đã có nhiều bài hát, nhiều bài thơ, nhiều áng văn và nhiều bức tranh nói về đất nước khiến lòng ta rung động. “Tôi yêu đất nước tôi …”, bạn hãy hát lên và bạn sẽ thấy lời hát đó lúc nào cũng tươi mới.

(TNO) Đã có nhiều bài hát, nhiều bài thơ, nhiều áng văn và nhiều bức tranh nói về đất nước khiến lòng ta rung động. “Tôi yêu đất nước tôi …”, bạn hãy hát lên và bạn sẽ thấy lời hát đó lúc nào cũng tươi mới.

Hải quân Việt Nam tuần tra ở Trường Sa - Ảnh: Đình Phú Hải quân Việt Nam tuần tra ở Trường Sa - Ảnh: Đình Phú
Vì yêu đất nước mà máu đã đổ xuống trên bờ tre, nơi ruộng lúa, nơi biên cương, giữa biển khơi và cả chốn lao tù. Đã có biết bao nhiêu là lớp người đã ngã xuống mới có thể giữ được đất nước này. “Nuôi con khôn mai này giữ nước”, bạn hãy hát lên và bạn sẽ thấy lời hát đó bao giờ cũng làm thổn thức buồng tim.
Cha ông ta đã gọi Tổ quốc mình là Đất Nước, là Đất và Nước và tất cả những gì có trong Đất và trong Nước, gồm cả cỏ cây hoa lá cùng mọi sinh linh và những gì mà tổ tiên ta tạo dựng.
Nước Việt Nam ta hình chữ S chăng ? Nếu nói nước Việt Nam hình chữ S thì biển của chúng ta nằm ở đâu, hải đảo của chúng ta nằm ở đâu, Hoàng Sa – Trường Sa của chúng ta nằm ở đâu ?
Hình của nước Việt Nam ta phải được vẽ từ biên giới đất liền phía bắc và phía tây – tây nam kéo hết vùng nội thủy, kéo tiếp ra vùng lãnh hải, kéo qua vùng tiếp giáp, kéo thẳng ra vùng đặc quyền kinh tế, nối tiếp đến thềm lục địa cho đến giáp vùng biển quốc tế. Cái hình đó bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa, bao gồm các đảo to đảo nhỏ của chúng ta và bao gồm một vùng biển Đông rộng lớn. Chưa hết, cái hình đó còn bao gồm không phận, tức là đường biên giới đất liền và biên giới trên biển (đường ngoài của lãnh hải) kéo thẳng lên trời. Vẫn chưa hết, cái hình đó còn bao gồm chủ quyền lòng đất, là đường biên giới trên đất liền và trên biển kéo thẳng tưng xuống lòng đất. Hình dáng của Đất Nước ta phải được vẽ cho đúng với Luật Biên giới quốc gia được Quốc Hội thông qua ngày 17.6.2003, với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam đã phê chuẩn ngày 23.6.1994 và với Tuyên bố ngày 12.5.1977 của Chính phủ Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Cần có một tấm bản đồ cụ thể, chi tiết về dáng hình của Tổ quốc, trong đó ghi rõ nơi nào là chủ quyền đầy đủ, toàn vẹn, tuyệt đối (trong vùng lãnh thổ, lãnh hải), nơi nào là chủ quyền cụ thể đối với tài nguyên và các hoạt động khác (trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa…). Hình chữ S chỉ mới là hình của Tổ quốc trên đất liền, chỉ là hình của Đất, nó chứa chưa tới 30% dáng hình trên mặt phẳng của Đất Nước chúng ta. Đất ta có gần 332 ngàn km2. Biển ta có hơn 1 triệu km2, trên đó có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Phía trên đất và nước còn vùng trời. Phía dưới đất và nước còn có lòng đất.
Có lẽ nhiều người Việt chúng ta chưa hình dung hết được dáng hình đầy đủ của Đất Nước, chưa hiểu rõ chủ quyền cụ thể trên vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cũng như chưa hiểu rõ người nước ngoài được tiến hành những hoạt động gì trên những vùng đó theo luật quốc tế. Những tấm bản đồ mô tả đầy đủ chưa được phổ cập và cách vẽ rất khó hình dung. Bởi vậy, việc tuyên truyền phổ cập luật pháp quốc gia và quốc tế liên quan đến biên giới và biển đảo cần phải được tiến hành một cách khoa học và sâu rộng với hình ảnh rõ ràng, ngôn ngữ dễ hiểu, sao cho mọi người dân đều có thể dễ dàng nắm bắt. Người ta không thể yêu thực sự những gì mà mình không biết. Các nhà báo, nhất là các nhà báo viết về biên giới và biển đảo phải có kiến thức thuộc lòng để có thể hiểu một cách tức khắc tất cả các sự cố diễn ra trên biển.
Không có một tình yêu chung chung trừu tượng. Yêu Đất Nước là yêu từ đồng bào cho đến cái cây ngọn cỏ mọc trên Đất Nước của mình. Những hạt giống mà tổ tiên chúng ta gieo trồng và gìn giữ đã nuôi sống con người nơi đây hàng ngàn năm, nó định hình màu da màu mắt, định hình thể trạng, khẩu vị, tâm hồn của người Việt. Nó làm cho người Việt chúng ta dù xa xứ bao nhiêu lâu vẫn thích ăn những món của quê nhà.
Không bao lâu nữa, khi những hạt giống biến đổi gien được nhân rộng, các hạt giống cổ truyền vốn đã mai một không còn được bao nhiêu, sẽ bị hủy diệt. Người Việt chúng ta sẽ vĩnh viễn không còn được thưởng thức những hương vị thơm lành của trái bắp quê hương, sẽ vĩnh viễn không còn được ăn các món tương Nam Đàn, tương Cự Đà hay tương Bần nức tiếng, những thứ tương chỉ có thể làm ra với những hạt đậu nành đã mọc hàng ngàn năm trên đất này cùng những mạch nước trong lành dưới đất và sự tuần hoàn của nắng gió quê hương…Hủy diệt các hạt giống cổ truyền cũng có nghĩa là hủy diệt một phần Đất Nước.
Đất Nước cũng như ngôi nhà và vườn tược của mình, mọi thành viên trong ngôi nhà đó phải biết rất rõ đâu là hàng rào của mình, đâu là lối đi chung, cái gì là tài sản hữu hình và vô hình mà mình đang có. Nếu không thì khó có thể yêu, khó có thể bảo vệ được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.