Hàng vạn người tiễn biệt chú Sáu Dân

16/06/2008 02:51 GMT+7

Mặc dù Đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp lễ truy điệu, lễ an táng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng hàng vạn người hôm qua 15.6 vẫn ra đứng ven đường để được trực tiếp tiễn đưa linh cữu chú Sáu Dân về nơi an nghỉ cuối cùng. Lễ viếng Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (VTV) Lễ truy điệu Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (VTV) Lễ an táng Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (VTV)

Theo thông cáo của Ban Lễ tang, lễ truy điệu bắt đầu từ 9 giờ sáng 15.6. Thế nhưng, ngay từ sáng sớm hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã đổ về đứng hai bên đường Lê Duẩn, trên các trục đường đoàn xe tang sẽ đi qua để mong tiễn đưa nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt về nơi an nghỉ cuối cùng. Phía trong Hội trường Thống Nhất, nhiều đoàn đến từ các địa phương, các cơ quan, đơn vị cũng vào viếng chú Sáu lần cuối.

Ảnh: N.H

Đúng 9 giờ, lễ truy điệu theo nghi thức Quốc tang chính thức bắt đầu. Dự lễ có Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và đại diện các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đông đảo người dân...

Trong niềm tiếc thương vô hạn, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước đọc lời điếu, ôn lại quá trình hoạt động, những đóng góp to lớn của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với đất nước.

Rất nhiều người đã không nén được xúc động, không ngăn được dòng nước mắt trong giây phút phải vĩnh biệt người đồng chí, đồng đội, người anh, một nhà lãnh đạo xuất sắc... Và đến khi anh Phan Thanh Nam, Trưởng nam thay mặt gia đình đáp từ, những tiếng gọi "ba ơi" khiến hầu như không còn ai cầm được nước mắt, kể cả những người mà thường ngày chúng tôi gặp luôn tỏ ra rất cứng rắn...

Xe chở linh cữu nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt rời dinh Thống Nhất - Ảnh: Diệp Đức Minh

Khi trong hội trường diễn ra lễ truy điệu, ngoài các trục đường đoàn xe tang sẽ đi qua, dòng người khắp nơi vẫn tiếp tục đổ về đứng trên lề để chờ tiễn đưa chú Sáu Dân, bất chấp cái nắng khá gay gắt.

Đông nhất là khu vực đường Lê Duẩn và trước Nghĩa trang thành phố, chúng tôi ước tới cả vạn người đứng dọc hai bên đường. Đông, nhưng không ồn ào, mọi người không ai bảo ai, đứng gọn hai bên lề đường để không cản trở giao thông, không cản trở đoàn xe đưa linh cữu chú Sáu Dân về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong số họ, không ít người đã thức dậy từ 4 - 5 giờ sáng đến Hội trường Thống Nhất với mong muốn thắp nén hương tiễn biệt chú Sáu Dân. Bà Đặng Thị Cuộc, 74 tuổi, quê Hà Nội, là vợ liệt sĩ, vào TP.HCM thăm người thân rồi được tin chú Sáu Dân mất, đã 4 lần đến Hội trường Thống Nhất nhưng sáng 15.6 mới vào được bên trong viếng chú Sáu Dân. "Mấy lần trước không vào được, sớm nay tôi tranh thủ có mặt lúc 6 giờ, gặp mấy chú trong Ban tổ chức biết hoàn cảnh từ Bắc vào đây nên dắt tôi vào tận nơi", giọng bà Cuộc nghẹn lại, hai mắt lệ nhòa.

Đông đảo người dân đứng chờ hai bên đường tiễn đưa nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh: Diệp Đức Minh

Cùng tâm trạng với bà Cuộc là ông Võ Viết Tuân, 72 tuổi. Ông Tuân quê ở Quảng Nam, vào TP.HCM thăm cháu, khi nghe tin chú Sáu Dân mất ông đã dậy từ sáng sớm đón xe buýt từ Q.6 lên tiễn chú Sáu. "Tôi không may mắn có dịp gặp ông Kiệt, nhưng nhờ ông mà người dân ở quê tôi có điện thắp sáng. Người dân quê tôi luôn tri ơn ông", cụ Tuân nói.

Cũng đến từ sáng sớm và chờ đợi, khi mỏi chân cụ Nguyễn Văn Sự, đã 80 tuổi, ngồi bệt xuống đất chứ nhất định không chịu về. Cụ Sự xúc động kể: "Tôi xuống đây 2 lần nhưng vẫn chưa vào được bên trong nên đành ngồi ở ngoài chờ đưa anh Sáu, rồi mới yên tâm ra về. Có lần anh Sáu Dân về Củ Chi quê tôi kiểm tra công trình đào kênh Xáng. Lúc đó, tôi nằm trong đoàn nghiệm thu công trình. Mặc dù tôi chỉ được làm việc với anh Sáu Dân 2 ngày nhưng tôi thấy ở anh có tấm lòng lo cho dân, đáng để kính trọng".

  


Đông đảo người dân đứng chờ tiễn đưa nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đúng 10 giờ 10 phút, đoàn xe đưa linh cữu nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt rời khỏi Hội trường Thống Nhất, theo trục đường Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàâng - Điện Biên Phủ, qua cầu Sài Gòn tiến về hướng Nghĩa trang TP.HCM. Khi xe chở linh cữu đi qua, không ai bảo ai, dòng người hai bên đường tất thảy đứng dậy nghiêng mình kính cẩn, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt nhiều người. Những người đi đường cũng vội dừng xe tấp vào lề, vừa nhường đường cho đoàn xe đi qua, vừa nghiêng mình tiễn biệt.

11 giờ 41 phút, những cánh hoa lan đầu tiên được thả xuống huyệt mộ nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Vĩnh biệt nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người cộng sản, một người lãnh đạo hết lòng vì nước vì dân!

Vĩnh biệt chú Sáu Dân! Từ nay, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta không còn gặp chú, nhưng những công trình, những đóng góp to lớn, những tư tưởng của chú để lại cho đời sẽ mãi mãi đồng hành cùng dân tộc.

Lời điếu đồng chí Võ Văn Kiệt do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đọc tại lễ truy điệu

- Thưa đồng bào, đồng chí và các bạn

- Thưa gia quyến đồng chí Võ Văn Kiệt

Đồng chí Võ Văn Kiệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX; nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân đã vĩnh biệt chúng ta. Đây là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến đồng chí.

Hôm nay, trong niềm tiếc thương vô hạn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ nước   CHXHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đồng bào, chiến sĩ, bạn bè và gia đình tổ chức trọng thể lễ tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đồng chí Võ Văn Kiệt, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23 tháng 11 năm 1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long - một vùng đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước và cách mạng. Đồng chí tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi; năm 17 tuổi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.

Gần 70 năm hoạt động cách mạng vô cùng phong phú và sôi nổi, từ khi còn lăn lộn với phong trào cách mạng ở quê hương Vĩnh Long, ở Tây Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định rồi thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi giữ cương vị lãnh đạo của cả nước, cuộc đời của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, oanh liệt và vẻ vang của Đảng và nhân dân ta.

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí thường xuyên kiên trì học tập, nghiên cứu, thực hành tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Đồng chí luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, bám sát thực tiễn cách mạng, bằng tư duy sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đưa sự nghiệp cách mạng luôn tiến lên phía trước.

Trong những năm tháng dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí luôn nêu cao tấm gương sáng về tinh thần chủ động cách mạng tiến công, kiên cường bám dân, bám đất ở những địa bàn xung yếu và ác liệt nhất, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng, đánh thắng mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử.

Sau ngày đất nước thống nhất, trong những bước đi đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Phó chủ tịch thường trực; Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Thủ tướng Chính phủ; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí đã cùng tập thể các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh, không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.

Với tầm tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với những công trình lớn ở khắp mọi miền đất nước.

Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, ở mỗi giai đoạn đầy khó khăn, thử thách, đồng chí luôn nêu cao tính tiên phong gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Đảng, thương yêu đồng bào, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Trong công việc chung, đồng chí là một cán bộ lãnh đạo trung thành, tận tụy, bản lĩnh, sáng tạo gắn kết ý chí với hành động được đồng chí, đồng bào quý trọng, bạn bè quốc tế mến yêu. Trong gia đình, đồng chí là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, giàu đức hy sinh và lòng nhân ái.

Với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những cống hiến to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đảng, Nhà nước đã trân trọng trao tặng đồng chí nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, kính trọng và mãi mãi noi theo.

- Thưa đồng chí Võ Văn Kiệt - anh Sáu Dân kính mến!

Hôm nay chúng tôi có mặt tại đây thương tiếc đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng tôi nguyện cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu, tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Đảng ta, Bác Hồ và các thế hệ cách mạng đi trước đã lựa chọn, đã phải đánh đổi bằng muôn vàn hy sinh, gian khổ; tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Xin trân trọng gửi đến gia quyến anh Sáu Dân lời chia buồn sâu sắc nhất.

Xin kính cẩn nghiêng mình tiếc thương, vĩnh biệt đồng chí Võ Văn Kiệt - anh Sáu Dân kính mến của chúng ta.

Theo TTXVN

Lãnh đạo các nước trên thế giới chia buồn

Lãnh đạo các nước trên thế giới tiếp tục gửi lời chia buồn tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ta về việc nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần.

Trong thông điệp gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống nước Cộng hòa Maldives Maumoon Abdul Gayoom viết: "Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt chắc chắn sẽ được nhớ đến vì những cống hiến xuất sắc của ông trong việc mở đường cho một thập kỷ tăng trưởng kinh tế ấn tượng ở VN. Chính phủ và nhân dân Maldives cùng cá nhân tôi xin gửi lời cảm thông sâu sắc đến ngài Chủ tịch nước, Chính phủ và nhân dân VN. Xin chuyển lời chia buồn chân thành nhất của chúng tôi đến gia đình nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt".

Nguyên Thủ tướng Nhật Bản Murayama Tomiichi - Chủ tịch Hội đồng hòa bình hữu nghị Nhật Bản - VN cũng gửi điếu từ tỏ lòng thương tiếc nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "...Trong ký ức của tôi, tháng 8.1994, với cương vị là Thủ tướng Nhật Bản lần đầu tiên đến thăm VN, khi đó tôi được hân hạnh làm việc với ngài Võ Văn Kiệt là Thủ tướng của VN. Cũng từ đó quan hệ Nhật Bản - VN ngày càng phát triển tốt đẹp. Hôm nay, nghe tin ngài đã ra đi, tôi vô cùng nuối tiếc. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng đường lối do ngài và Đảng của ngài khởi xướng, các thế hệ người VN tiếp theo sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng tương lai của VN".

 Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo; Ban Chấp hành T.Ư Đảng Nhân dân cách mạng, Quốc hội và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia Samdec Chia Sim; Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon; Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda; Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long; Tổng thống Thụy Sĩ Pascal Couchepin... đã gửi điện chia buồn tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ta.

Theo TTXVN

* Hiếu với dân nên sống mãi trong lòng dân
*
Tiếc thương Ông Sáu Vì Dân
* Thế giới đánh giá cao những đóng góp to lớn của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt
* Hàng trăm đoàn đại biểu đến viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt
* Người tạo diện mạo cho ĐBSCL
* Báo chí quốc tế viết về nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt
* Người bạn lớn của bóng đá trẻ Việt Nam
* Một bộ óc lớn đã ngừng tư duy 

Đức Trung - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.