Hàng vạn người biểu tình phản đối cáo buộc trắng trợn về VN ở nhà tù Tuol Sleng

09/06/2013 11:15 GMT+7

(TNO) Làn sóng phẫn nộ trước việc lãnh đạo đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), ông Kem Sokha, vu cáo “ Khmer Đỏ không giết người” và nhà tù Tuol Sleng “là do Việt Nam dàn dựng” đã dâng lên đỉnh điểm. Sáng nay 9.6, hàng vạn người dân Campuchia ở Phnom Penh và các tỉnh lân cận đã kéo về Quảng trường Tự Do ở trung tâm Phnom Penh đòi ông Kem Sokha phải xin lỗi và rút lại lời nói của mình.

Phóng viên Thanh Niên Online đang có mặt tại Phnom Penh thông tin trực tiếp về sự kiện này.

Cuộc biểu tình do ông Chum May, Chủ tịch Hội nạn nhân Khmer Đỏ khởi xướng và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp người dân Campuchia.

Sự hưởng ứng từ các đại biểu Quốc hội Campuchia, các cựu tù của Khmer Đỏ, nạn nhân và gia đình nạn nhân của Khmer Đỏ, các tín đồ và chức sắc Phật giáo và Hồi giáo, học sinh sinh viên… đủ để thấy người dân Campuchia giận dữ thế nào trước những lời xuyên tạc lịch sử trắng trợn của ông Sokha, lại thêm những lời vu cáo Việt Nam láng giềng thân thiết đã từng đứng về phía nhân dân Campuchia trong giai đoạn đen tối của đất nước này.

Biểu tình lớn ở Campuchia phản đối vu cáo Việt Nam 1
Từ sáng sớm, xe của người biểu tình từ các tỉnh lân cận đổ về thủ đô Phnom Penh

Biểu tình lớn ở Campuchia phản đối vu cáo Việt Nam 2
Do nhà chức trách hạn chế số lượng người tham gia biểu tình tại Quảng trường Tự Do “chỉ” 10.000 người nên rất nhiều trường học ở Phnom Penh tổ chức “biểu tình tại chỗ” ngay trước cổng trường

Biểu tình lớn ở Campuchia phản đối vu cáo Việt Nam 3
Giáo viên “tiếp tế” thực phẩm cho học sinh tham gia biểu tình

Biểu tình lớn ở Campuchia phản đối vu cáo Việt Nam 4
Bãi đậu xe dành cho người biểu tình gần Quảng trường Tự Do

Biểu tình lớn ở Campuchia phản đối vu cáo Việt Nam 5
Do cuộc biểu tình được tổ chức tốt nên cảnh sát rất “nhàn”, chủ yếu là phân luồng giao thông cho đoàn người biểu tình từ các nơi đổ về

Biểu tình lớn ở Campuchia phản đối vu cáo Việt Nam 6
Người biểu tình từ các tỉnh giương biểu ngữ tiến về Quảng trường Tự Do

Biểu tình lớn ở Campuchia phản đối vu cáo Việt Nam 7
Họ nhanh chóng đứng thành hàng theo từng địa phương

Biểu tình lớn ở Campuchia phản đối vu cáo Việt Nam 8
Hình ảnh một nữ nạn nhân tại nhà tù Tuol Sleng được sử dụng để chứng minh “Việt Nam không dàn dựng” tại nhà tù này mà là do tội ác Khmer Đỏ

Biểu tình lớn ở Campuchia phản đối vu cáo Việt Nam 10
Người biểu tình trưng ra bản đồ Campuchia kết bằng sọ của các nạn nhân bị Khmer Đỏ sát hại

Biểu tình lớn ở Campuchia phản đối vu cáo Việt Nam 11
Những phụ nữ từng là nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ, có nhiều người thân bị giết trong thời kỳ đen tối này. Họ đến biểu tình trong nước mắt

Biểu tình lớn ở Campuchia phản đối vu cáo Việt Nam 13

Biểu tình lớn ở Campuchia phản đối vu cáo Việt Nam 14
Có đông người biểu tình là người Hồi giáo tại Campuchia

Biểu tình lớn ở Campuchia phản đối vu cáo Việt Nam 15
Biển người Campuchia biểu tình phản đối vu cáo Việt Nam

Biểu tình lớn ở Campuchia phản đối vu cáo Việt Nam 16
Ông Chum May, người khởi xướng cuộc biểu tình đến nói chuyện với đám đông có mặt tại Quảng trường Tự Do

Biểu tình lớn ở Campuchia phản đối vu cáo Việt Nam 17
Sự kiện đặc biệt thu hút giới truyền thông, khi có nhiều hãng tin lớn của thế giới đã cử phóng viên đến đưa tin

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, ông Chum May cho biết có trên 20.000 người từ 9 quận của Phnom Penh và các tỉnh lân cận như Can Dal, Prey Veng, Svay Rieng, Tà Keo, Kampong Cham, Kampong Chnang… kéo về tham gia biểu tình.

Ban đầu, dự định có 20.000 người biểu tình tại Quảng trường Tự Do và 2.000 người sẽ kéo đến trụ sở đảng CNRP và nhà riêng ông Sokha để bày tỏ sự phẫn nộ. Tuy nhiên, nhà chức trách chỉ cho phép tụ tập 10.000 người ở Quảng trường Tự Do và 500 người mang thông điệp phản đối đến trụ sở CNRP. Vì vậy, số đông học sinh, sinh viên sẽ “biểu tình tại chỗ”, tức các trường học, trưng biểu ngữ tại các đại lộ… Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Thanh Niên Online, có ít nhất 20.000 người tụ họp tại Quảng trường Tự Do.

Ông Chum May cho biết cuộc biểu tình diễn ra lúc 7 giờ. Thế nhưng, từ hừng sáng xe chở người biểu tình đã tuần hành trên khắp các đường phố ở Phnom Penh trước khi kéo về nơi tụ tập chính.

Tuy số lượng người rất đông nhưng do tổ chức tốt nên cảnh sát Phnom Penh khá “nhàn”, nhiệm vụ chủ yếu của họ là phân luồng giao thông cho các đoàn xe biểu tình và cũng chẳng ai phạm luật.

Đúng giờ dự định, Quảng trường Tự Do đông đúc người với nhiều biểu ngữ, băng rôn treo các dòng chữ: “Ông Kem Sokha phải xin lỗi”; “Ông Kem Sokha phải chịu trách nhiệm lời nói của mình”; “Đả đảo xuyên tạc lịch sử”; “Công lý cho nạn nhân của Khmer Đỏ”...

Xem clip:

Địa ngục trần gian Tuol Sleng

Những người nằm xuống tại Tuol Sleng nằm trong số gần 2 triệu người thiệt mạng dưới thời Khmer Đỏ (từ năm 1975 đến 1979) vì đói khát, bệnh tật, lao động quá sức cũng như bị tra tấn và hành hình.

Vào năm 1975, sau khi nắm quyền, Khmer Đỏ đã cải tạo ngôi trường trung học 5 tầng Tuol Svay Pray ở thủ đô Phnom Penh thành một nhà tù khét tiếng. Trong bốn năm sau đó, có đến 17.000 người đã bước vào cánh cổng nhà tù Tuol Sleng, tức nhà tù an ninh S-21 (một số nguồn cho biết có đến 20.000 người). Chỉ có một số ít người sống sót.

Khmer Đỏ đã giữ lại hồ sơ về các tù nhân. Tất cả đều được chụp ảnh khi họ đến nhà tù. Trong số những tù nhân có cả những trẻ em. Các tù nhân bị giam giữ trong những phòng giam chật chội, bị bỏ đói và thường xuyên bị đánh đập, tra tấn.

Địa ngục trần gian Tuol Sleng
 Một căn phòng giam ở Tuol Sleng - Ảnh: Reuters

Khi những tù nhân bị ép phải nhận bừa tội lỗi, họ được đưa ra cánh đồng Choeung Ek và thủ tiêu. Cho đến nay, gần 9.000 hài cốt đã được tìm thấy ở đây.

Những người nằm xuống tại Tuol Sleng nằm trong số gần 2 triệu người thiệt mạng dưới thời Khmer Đỏ (từ năm 1975 đến 1979) vì đói khát, bệnh tật, lao động quá sức cũng như bị tra tấn và hành hình.

Năm 1980, nhà tù được chính phủ Campuchia chuyển thành Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng để tưởng niệm những nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ.

Một trong số vài người sống sót khỏi nhà tù Tuol Sleng là ông Chum Mey, Chủ tịch Hội các nạn nhân Khmer Đỏ, người khởi xướng cuộc biểu tình phản đối phát biểu của ông Kem Sokha. Những người sống sót phần nhiều nhờ họ có các kỹ năng mà các cai ngục thấy hữu dụng. Với Chum Mey, đó là nghề thợ máy.

Những tội ác dã man tại nhà tù Tuol Sleng được bộ đội tình nguyện Việt Nam phát hiện vào năm 1979 khi giải phóng Phnom Penh.

Nhà báo Đinh Phong và nhà quay phim Hồ Văn Tây là những người đầu tiên tiếp cận nhà tù Tuol Sleng và ghi lại các hình ảnh về một trong những tội ác kinh hoàng nhất thế kỷ 20 vào năm 1979.

30 năm sau, vào tháng 2.2009, nhà báo Đinh Phong và nhà quay phim Hồ Văn Tây đã được mời trở lại Campuchia để chứng kiến một khoảnh khắc lịch sử: phiên tòa xét xử chỉ huy nhà tù Tuol Sleng Kaing Guek Eav (cai ngục Duch) mà tại đó những hình ảnh của hai ông được sử dụng như là bằng chứng.

Nhà báo Đinh Phong đã hồi tưởng lại giây phút kinh hoàng trong một loạt bài viết nhân chuyến trở lại Campuchia: “Theo hướng có mùi hôi thối bốc ra, chúng tôi ập vào những căn phòng mùi nồng nặc. Một cảnh tượng vô cùng khủng khiếp: những lớp học đã được cải tạo thành phòng giam. Mỗi phòng có một chiếc giường sắt, trên giường là xác một hoặc hai người đã bị giết, chân tay còn bị xiềng vào giường, trong đó có một số phụ nữ. Hầu hết thi thể đều đã trương thối, dòi bọ từ các xác chết tràn khắp nền nhà, nước vàng cũng chảy lênh láng. Bên cạnh những xác chết là những dụng cụ tra tấn và giết người như búa, xẻng quân dụng, gậy gộc”.

Địa ngục trần gian Tuol Sleng
 Nhà tù Tuol Sleng hiện là Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng - Ảnh: Reuters

Trước những bằng chứng rành rành, Duch đã cúi đầu nhận tội và cầu xin tha thứ vì những tội ác phạm phải. Ông ta bị tuyên án chung thân vào tháng 2.2012 tại phiên phúc thẩm của Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, theo AFP.

Chủ tọa Kong Srim khi đó đã nói: “Tội ác của Kaing Guek Eav chắc chắn nằm trong số những tội ác tồi tệ nhất của lịch sử nhân loại. Chúng xứng đáng với mức án cao nhất có thể”.

Hàng trăm người Campuchia, gồm các thầy tu và những cụ già sống sót từ chế độ cai trị tàn bạo từ năm 1975 đến 1979 đã tụ tập tại khán phòng dành cho công chúng ở phiên tòa để chứng kiến giây phút kết thúc lịch sử của quá trình truy tố đầu tiên về chế độ Khmer Đỏ.

Bản án dành cho Duch là bằng chứng không thể chối cãi về những tội ác của chế độ Khmer Đỏ tại nhà tù Tuol Sleng, vốn được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”.

Sơn Duân

Bài ảnh: Tiến Trình
(Từ Phnom Penh, Vương quốc Campuchia)

>> Campuchia cho biểu tình phản đối lãnh đạo đảng đối lập vu cáo Việt Nam
>> Campuchia bác bỏ cáo buộc các doanh nghiệp Việt Nam phá rừng
>> Campuchia thông qua luật cấm phủ nhận tội ác thời Khmer Đỏ
>> Campuchia phẫn nộ với cáo buộc trắng trợn về Việt Nam ở nhà tù Tuol Sleng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.