Hải quân ASEAN hợp tác trên biển Đông

28/07/2011 00:58 GMT+7

Hải quân các nước ASEAN đã thống nhất sẽ tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh trên biển Đông, đối phó với những thách thức mới nổi lên trong thời gian gần đây.

Tình hình biển Đông có sự đan xen phức tạp giữa các thách thức an ninh phi truyền thống và truyền thống. Một quốc gia đơn lẻ khó có thể tự giải quyết mà cần có sự hợp tác đa phương. Trong bối cảnh đó ASEAN cần những nỗ lực chung và các bước đi chủ động để đảm bảo an ninh biển vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

 
Đại diện tư lệnh hải quân của 9 nước ASEAN và Tùy viên quốc phòng Lào tại VN - Ảnh: TTXVN

Đây là ý kiến được các bên thống nhất tại Hội nghị Tư lệnh hải quân các nước ASEAN lần thứ 5 (ANCM-5) diễn ra hôm qua 27.7 tại Hà Nội. Chủ đề của hội nghị là “Hợp tác hải quân các nước ASEAN vì hòa bình và an ninh biển”. Hội nghị do Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân nhân dân VN chủ trì. Tham dự hội nghị còn có tư lệnh, đại diện tư lệnh của 9 nước ASEAN và Tùy viên Quốc phòng Lào tại VN.

Biển Đông là vấn đề quốc tế

Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến khẳng định bản chất của vấn đề biển Đông là vấn đề quốc tế chứ không phải VN, Philippines hay ASEAN “lôi kéo” các nước khác vào để quốc tế hóa. “Có những vấn đề song phương cần được giải quyết song phương, vấn đề đa phương phải được giải quyết đa phương. Không thể có chuyện vấn đề liên quan đến 3, 4 nước mà chỉ có 2 nước lại ngồi bàn riêng với nhau”, Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến nói.

Theo Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến, những năm qua, xu thế hòa bình, hữu nghị và hợp tác trên biển tiếp tục được duy trì và có những bước phát triển thuận lợi cho hợp tác hải quân cả trong và ngoài khu vực. Hải quân các nước ASEAN đã thực sự đi đầu trong hợp tác quốc phòng, quân sự trong khu vực và ngày càng được mở rộng như trao đổi đoàn các cấp, tàu hải quân thăm viếng lẫn nhau, hợp tác đào tạo, chia sẻ thông tin, tuần tra chung, hợp tác chống khủng bố, cướp biển, buôn lậu, tội phạm xuyên quốc gia, cứu hộ cứu nạn, thiết lập đường dây nóng... Tuy nhiên ASEAN cũng đang đứng trước những thách thức an ninh đáng kể, nổi lên trong môi trường khu vực mà đặc biệt là những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông.

Đường dây nóng giữa các Tư lệnh Hải quân

Hội nghị đã thống nhất việc lập đường dây nóng trở thành kênh trao đổi thông tin nhanh, chính thức của hải quân các nước ASEAN, theo các cấp độ khác nhau như giữa các đơn vị hải quân vùng hoặc cấp sĩ quan tham mưu, nhằm đảm bảo các vụ việc liên quan được giải quyết ở cấp tác chiến. Bên cạnh đó là đường dây nóng trực tiếp giữa các Tư lệnh Hải quân ASEAN. Theo Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến, qua kinh nghiệm của Hải quân VN, một số các nước trong khu vực thì đường dây nóng hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt là giữa các nước có giao thoa về vùng biển có những hoạt động gần nhau. 

Theo Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến, thực tế rõ ràng là trong khu vực đang tồn tại những tuyên bố chủ quyền chồng lấn với một số vùng biển, đảo tập trung trên khu vực biển Đông. “Nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa chủ quyền đối với một số quốc gia trong khu vực đang đe dọa đến hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới, tạo ra nguy cơ tiềm tàng bùng nổ xung đột nếu không có nhận thức chung đúng đắn, quyết tâm cho một giải pháp hòa bình và quản lý xung đột hữu hiệu”, ông Hiến nói.

Trên thực tế, tình hình biển Đông thời gian qua đã trở nên nóng bỏng với các hành động của phía Trung Quốc (TQ). Trong tháng 5, 6 vừa qua, tàu của TQ đã cản phá và cắt cáp của các tàu thăm dò của VN khi các tàu này hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa hoàn toàn của VN. Bên cạnh đó tàu TQ cũng đã nhiều lần xâm phạm chủ quyền của VN, Philippines, Malaysia... Các hành động này gây ra quan ngại không chỉ trong khu vực mà còn bị phản đối kịch liệt trên bình diện quốc tế.

Bình luận bên lề hội nghị về các hành động gần đây của TQ, Đô đốc Tan Sri Abdul Aziz, Tư lệnh Hải quân Malaysia khẳng định biển Đông là vùng biển quốc tế và vấn đề tự do, an ninh hàng hải liên quan đến nhiều quốc gia khác nhau. “TQ cần phải tôn trọng chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia khác trong khu vực”, ông Tan Sri Abdul Aziz nói.

Phó đô đốc Tea Vinh, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Campuchia khẳng định hợp tác khu vực là yếu tố căn bản để duy trì an ninh, hòa bình trên biển Đông, “nhưng hiện tại vấn đề này vẫn chưa phát triển đầy đủ do tồn tại một số yếu tố ngăn cản sự hợp tác. Trong đó bao gồm sự chênh lệch về nguồn lực, sự hợp tác hạn chế giữa các cơ quan hữu quan của các quốc gia và việc chưa có một ranh giới rõ ràng trên biển”.

Ý kiến thống nhất được hội nghị đưa ra, đó là các bên liên quan tìm kiếm giải pháp ngoại giao hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông năm 2002 (DOC), hướng đến đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa ASEAN và TQ, đồng thời hoan nghênh nỗ lực mới đây của hai bên trong việc đạt được Hướng dẫn thực thi DOC.

Mở rộng hợp tác với các nước ngoài khu vực

Hội nghị thống nhất quan điểm về tiềm năng hợp tác lớn giữa hải quân các nước ASEAN. Nhiều ý tưởng và sáng kiến hợp tác đã được nêu ra tại hội nghị, trong đó có mở rộng hợp tác với các nước ngoài khu vực, phối hợp triển khai chung, phối hợp tuần tra chung, thành lập cổng chia sẻ thông tin và trung tâm chia sẻ thông tin, thiết lập đường dây nóng giữa hải quân các nước ASEAN, hợp tác về tình báo, đào tạo chung, tổ chức hội thảo cấp tham mưu về an ninh hàng hải, thống nhất việc gửi tín hiệu chào nhau giữa Hải quân ASEAN.

Trên cơ sở thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác, ANCM-5 đã thống nhất chương trình 2011-2012 gồm nhiều hoạt động cụ thể, bao gồm việc tổ chức Hội nghị ANCM-6, các hội thảo về an ninh biển, chống cướp biển và tội phạm xuyên quốc gia, cứu hộ cứu nạn, y học hàng hải. Bên cạnh đó là các hoạt động giao lưu sĩ quan trẻ, nghiên cứu thiết lập đường dây nóng giữa lực lượng Hải quân ASEAN; tập huấn, đào tạo, huấn luyện; thăm viếng tàu hải quân đa phương; diễn tập trao đổi thông tin...

Nguyên Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.