Hải “khùng” mê bắt cướp

22/08/2010 10:54 GMT+7

Công việc làm ăn dang dở, người thân phập phồng lo lắng, bao nhiêu lần bị chửi là khùng... Ít ai biết những gì “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, người hơn 500 lần bắt cướp ở Bình Dương, phải cam chịu.

“Tao đang ở Bình Dương. Có người trả tao 50 triệu đồng để bắn vào lưng mày”. Nguyễn Thanh Hải đưa tôi xem một trong hàng loạt tin nhắn đe dọa anh. Mẹ Hải lo ra mặt. Vợ anh khuyên chồng đừng đi bắt cướp nữa. Anh trấn an mẹ và vợ: “Đây là lần cuối”. Tuy nhiên, chỉ cần một cú điện thoại kêu cứu của người dân, Hải lại dắt xe máy lao ra đường.

Chia tay người yêu, đóng cửa tiệm
 
Ngày 16-8, Hải bắt được “đinh tặc” trên đại lộ Bình Dương ở thị xã Thủ Dầu Một. Sáng hôm sau, tình cờ gặp anh đang ngồi ở một quán cà phê vỉa hè, tôi liền đến trò chuyện để tìm tư liệu thực hiện một bài báo. Thú thật, với tôi, chưa có cuộc trò chuyện với nhân vật nào của bài báo mình định viết lại “mất hứng” đến như vậy.
 
Hải không có khiếu nói chuyện. Những tình tiết mai phục, những thủ thuật tóm “đinh tặc” mà tôi hình dung sẽ hào hứng như phim hành động nhưng qua giọng kể rề rà đậm chất nông dân của anh lại cứ bình bình. Tuy nhiên, điều đó chưa hẳn đã làm tôi “cụt hứng”. Ly cà phê đặt trên bàn mới uống vài ngụm, chuyện kể còn đang dang dở, Hải đã bỏ tôi ngồi chưng hửng, dắt xe lao đi khi thấy 2 thanh niên cưỡi xe máy lướt trên đường dáng vẻ giống cướp. Mà đúng là cướp thật! Hai tên kia, chỉ một ngày sau, đã bị Hải tóm bàn giao cho Công an huyện Bến Cát – Bình Dương khi lấy một chiếc xe máy.
 
Cũng vì đầy máu mê bắt cướp nên trước khi “kiếm được” vợ,  Hải đã bị  3-4 bạn gái “xù” cho dù anh thuộc dạng “đẹp trai, con nhà giàu”. Trong những mối tình đứt gánh giữa đường ấy, Hải nhớ nhất là bóng hồng của anh năm 1996. Năm đó, đang chở người yêu đi chơi ở vườn cây ăn trái Lái Thiêu, bất ngờ Hải nghe tri hô “Cướp, cướp!”. Thấy 2  tên dáng điệu khả nghi vượt qua trước mặt mình, Hải rồ ga xe lao theo.

Cô gái ngồi sau Hải run cầm cập, van vỉ anh ngưng cuộc truy đuổi. Hải để cô xuống lề đường, bảo vào quán nước chờ và phi ngựa sắt truy cướp. Cuộc đuổi bắt thành công nhưng Hải bàn giao đối tượng cho công an địa phương thì đã đi tong 3 giờ. Lúc Hải trở lại quán nước, người yêu đã đón xe ôm về. “Cô nàng cắt đứt với tôi từ đó” - Hải  kể.
 
Hải sinh ra trong một gia đình khá giả. Được thừa hưởng một mặt bằng khá đẹp ngay trung tâm thị xã Thủ Dầu Một, lại có tay nghề đúc ống cống nên anh mở cửa hàng vật liệu xây dựng. Công việc đang ăn nên làm ra, bất ngờ Hải rẽ qua cái “nghề” không lương bổng : Bắt cướp. “Cách đây 16 năm, khi 23 tuổi, trên đường giao thùng gạch bông cho khách, tôi thấy một cô gái đi xe máy bị giật giỏ xách. Tôi truy bắt cướp, trả lại giỏ cho cô ta. Khuôn mặt cô gái đang tím tái bỗng rạng rỡ”. Đó là lần đầu tiên Hải truy đuổi cướp và bị cái “nghề” này quyến rũ.
 
Những mối mua vật liệu xây dựng của cửa hàng Hải liên tục phàn nàn vì  anh giao hàng trễ. Lý do “bận bắt cướp” mà anh hết lần này đến lần khác đưa ra không xoa dịu được bạn hàng. Hải mất mối dần. Cửa hàng làm ăn chật vật và mới đây đã đóng cửa.
 
Sống trong “lệnh cấm”
 
Khi tuổi đã ngoài 30, Hải bị mẹ cấm cản việc bắt cướp và buộc phải “tìm” vợ. Ý trung nhân của tay “hiệp sĩ” săn cướp khét tiếng Bình Dương là một cô giáo rất xinh. “Lần đó, tình cờ vào quán bánh bèo ở Bến Cát, tôi gặp một cô gái mặc áo dài tím. Tôi mê liền” - Hải nhớ lại lần đầu tiên gặp vợ, chị Huỳnh Thị Kim Hạnh. Năm đó, Hạnh vừa ra trường và đang dạy ở Bến Cát. Chị khiến chàng “hiệp sĩ” phải si mê “hơn mê bắt cướp” nhờ khuôn mặt thanh tú và tà áo dài vấn vương.


Phút hiếm hoi sum vầy bình yên của “Hải SBC” bên vợ con

 
Rút kinh nghiệm các lần trước, Hải giấu kín “nghề” săn bắt cướp của mình. Mỗi lần chở Hạnh đi uống cà phê hay dạo chơi, Hải buộc phải tắt điện thoại vì anh biết hễ nghe người báo tin cướp là anh không thể làm ngơ. “Mấy lần chở Hạnh ra đường, thấy cướp mà tôi đành nhịn, không dám rượt theo. Về đến nhà nằm cứ tức anh ách” - Hải thổ lộ. Năm 2004, chỉ vài tháng sau khi cưới vợ, Hải mới trút bỏ hoàn toàn lốt công tử để lao ra đường săn bắt cướp. Cũng kể từ đó, tổ ấm của anh luôn trong cảnh phập phồng.
 

Niềm tự hào Bình Dương!

Trong lễ thưởng nóng vì bắt “đinh tặc” mới đây, thượng tá Thượng Cửu Long, Trưởng Công an thị xã Thủ Dầu Một, khẳng định Hải và CLB do anh làm đội trưởng là niềm tự hào của Bình Dương. “Các anh không mặc áo công an nhưng mang máu công an. Các anh đã đem đến sự yên bình và rất nhiều niềm vui cho người dân tỉnh nhà” - thượng tá Long trân trọng.

Theo Công an phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, đến nay Hải cùng CLB đã chặn đứng hơn 500 vụ trộm cướp, đổ chất thải và 4 lần bắt được “đinh tặc”.

Chỉ tính từ đầu năm 2010 đến nay, Hải và CLB của anh đã phá hơn 55 vụ cướp, bắt giao công an hơn 100 tội phạm, được Tổng cục Cảnh sát tặng bằng khen. Riêng Hải từng được đích thân Đại tướng Phùng Quang Thanh và Trung tướng Nguyễn Việt Thành động viên, khích lệ.

Trưa 20-8, Hải lại phục bắt được một vụ rải đinh khác trên đại lộ Bình Dương. Hai “đinh tặc” và một đồng bọn sa lưới. Báo chí loan tin, người dân ai biết cũng reo mừng. Đêm đó, trời mưa như trút nước. Tôi ghé nhà Hải và thấy anh ngồi co ro đợi vợ con. Chị Hạnh và bé Phương Nghi, 5 tuổi, đang ở nhà ông bà ngoại. Nhà riêng của Hải rộng rãi nhưng vắng lạnh. Anh suốt ngày ngoài đường săn bắt cướp, căn nhà giữa trung tâm thị xã trở thành nơi nguy hiểm cho vợ con.
 
“Chị lo sợ quá!” - chị Hạnh nói với tôi khi trở về nhà. Đêm trước, cũng vì phục bắt “đinh tặc”, Hải bỏ mẹ con chị ở nhà lúc giữa khuya. Những đêm nằm bên chồng, chị lại thót tim mỗi khi điện thoại của anh reo. Đó có thể là người dân báo tin cướp hoặc tin nhắn khủng bố, đòi trả thù. Hạnh kể nhiều đêm thấy chồng săn bắt cướp mãi không về, gọi điện thoại không được, chị như ngồi trên lửa. 
 
Hạnh nhớ mãi lần chị như muốn rụng tim. Đó là vào một đêm năm 2005, khi chị vừa sinh bé Nghi được một tuần và anh Hải đã lao ra phố bắt cướp. Tên cướp bị anh hạ đo ván khi định lấy chiếc xe máy của người đi đường. Lúc Hải áp tải đối tượng đến công an thì một thanh niên xuất hiện, đóng vai người dân giúp anh dẫn giải tên cướp. Thừa lúc Hải không để ý, gã này đâm anh một dao chí mạng.
 
“Bà ngoại dặn mẹ rồi, ba mà còn bắt cướp nữa thì mẹ không cho ba ngủ chung giường đâu” - bé Nghi hồn nhiên kể với tôi về cái “lệnh cấm” lạ đời. Bé Nghi mới học lớp lá nhưng đã biết vỗ tay khen mỗi lần nghe nói ba bắt trói được cướp. Nhưng bé cũng như mẹ, lại khóc khô nước mắt vì không biết bao lần thấy ba về nhà mà tay chân trầy sướt, quần áo xốc xếch, rách nát.
 
Lan tỏa chất hiệp sĩ
 
Thấy Hải chẳng lo làm ăn mà suốt ngày phóng xe đuổi cướp, không ít người vô tâm đã gán cho anh biệt hiệu Hải “khùng”. Song, cũng rất nhiều người ở thị xã Thủ Dầu Một đã lưu số điện thoại của anh vào máy mình với cái tên “Hải SBC” - tức Hải săn bắt cướp.
 
Máu hành hiệp của “Hải SBC” hiện đã lan sang cả cánh xe ôm và nhiều thanh niên ở Thủ Dầu Một. Một trong hai vụ Hải bắt “đinh tặc” vừa qua, có công rất lớn của anh K., một người chạy xe ôm trên đại lộ Bình Dương. Chính K. là người vừa chờ khách vừa bí mật theo dõi tiệm sửa xe của “đinh tặc” hàng tháng liền và báo cho Hải bắt quả tang vào rạng sáng 16-8.
 
Từ chỗ hành hiệp đơn thương độc mã, Hải đã lập nên CLB Phòng chống tội phạm, hiện có 12 thành viên. Trong đó, ngoài cánh xe ôm còn có những thanh niên từng rơi vào con đường nghiện ngập được Hải truyền lửa, kèm cặp và trở thành những tay “sát cướp” có hạng. Từ “Hải SBC”, hiện trong máy điện thoại của người dân Thủ Dầu Một đã lưu thêm nhiều cái tên như “Anh SBC”, “Tân SBC”...Thậm chí, chất hiệp sĩ của Hải còn lan truyền qua cả các cô gái.
 
Có cô từng tình nguyện vào CLB của Hải để theo bắt cướp một thời gian dài và chỉ chịu “dừng bước giang hồ” khi đã có chồng. Từ sự hiệu quả của mô hình hiệp sĩ do Hải sáng tạo, mới đây, chủ tịch UBND quận Thủ Đức - TPHCM đã chỉ đạo quận đoàn và công an quận đến Bình Dương tiếp xúc với anh để thu nhặt kinh nghiệm về địa phương xây dựng mô hình tương tự.
 
Không ai trả lương, cũng chẳng có võ nghệ phòng thân nhưng Hải vẫn bất chấp hiểm nguy để bắt cướp. Phố phường đã bớt náo loạn, bớt tiếng kêu cứu vì có anh và CLB Phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, vợ con, người thân của anh thì không thể yên lòng. Nhiều lần anh bị thương sau khi  rượt bắt cướp nên càng không thể ngăn được những giọt nước mắt lo sợ cứ chảy dài trên khuôn mặt vợ con.
 
Để động viên bản thân và vợ con vượt qua những ám ảnh, “Hải SBC” thường nghêu ngao: Khi tôi vui thì tôi đi bắt cướp. Khi tôi đau thì tôi khóc, sẽ trút hết những đắng cay trong lòng, chẳng khi nào tôi phải lo lắng, đánh mất hy vọng, cuộc đời còn cho tôi bao ước mơ - nhái lời một bài hát.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.