Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 1)

11/01/2014 10:10 GMT+7

(TNO) Là thượng sĩ giám lộ trên tàu Trần Khánh Dư HQ-4, ông Lữ Công Bảy là một nhân chứng trực tiếp của trận Hải chiến Hoàng Sa 1974. Những dòng hồi ký dưới đây của ông đã được công bố rải rác trên mạng nhưng không thực sự đầy đủ. Nhân dịp 40 năm Hải chiến Hoàng Sa, với sự đồng ý của tác giả, Thanh Niên Online xin đăng tải toàn bộ bản hồi ký này.

Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân - Kỳ 1
Cựu quân nhân Lữ Công Bảy kể về con tàu HQ-4 mà ông từng là một thành viên và từng tham gia Hải chiến Hoàng Sa 1974 - Ảnh: Lê Thanh Hải

Chuyên đề: 40 năm hải chiến Hoàng Sa

Ngày 1: Tức tốc lên đường

Khi tôi ghi lại những dòng hồi ký này thì sự việc đã xảy ra cách đây 35 năm (19.1.1974 - 19.1.2009). Đã 35 năm trôi qua, những gì mà tận mắt tôi chứng kiến, những gì mà tôi đã trực tiếp tham gia trong trận hải chiến với Hải quân Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19.1.1974 vẫn không phai mờ trong tâm trí tôi.

Lúc bấy giờ, tôi là thượng sĩ giám lộ (giám sát lộ trình hàng hải) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 (chiến hạm tối tân nhất của Hải quân Sài Gòn thời bấy giờ) với chức danh hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành Giám lộ, kiêm hạ sĩ quan phụ tá trưởng khối Hành quân. Với chức danh đó, trong sở tác chiến cũng như trong nhiệm sở hành quân, lúc nào tôi cũng phải có mặt thường xuyên trên đài chỉ huy, bên Hạm trưởng Vũ Hữu San (Hải quân trung tá) và Hải quân đại úy Diên - Trưởng khối Hành quân, Hải quân trung úy Roa - Trưởng ngành Hàng hải cùng một số đồng nghiệp giám lộ như thượng sĩ 1 Giám lộ Ry, trung sĩ 1 Giám lộ Khiết. Nhiệm vụ của anh em chúng tôi là ghi lại nhật ký tác chiến, nhật ký hàng hải, xác định vị trí của chiến hạm, đồng thời nhận và chuyển những quang hiệu bằng đèn và tín hiệu bằng cờ.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Gần đây, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ngang ngược thông qua cái gọi là chuẩn bị thành lập thành phố Tam Sa nhằm trực tiếp quản lý các quần đảo trên biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Hôm nay, tôi ghi lại hồi ký này để tưởng niệm các chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ phần đất mà tổ tiên ta đã khai phá và giữ gìn dù không thể bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ vì đó là một trận đánh không cân sức.

**

 
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 6: Không quân Việt Nam Cộng Hòa lên kế hoạch giành lại Hoàng Sa
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 5: Bỏ mình vì nước
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 4: Nổ súng chống giặc
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 3: Tương quan lực lượng
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 2: Hành quân giữ đảo
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 1: Trung Quốc nuốt dần Hoàng Sa
“Hôm ấy, gió mùa Đông Bắc thổi mạnh trên biển Đông, biển động mạnh. Chiến hạm đang tuần tiễu vùng biển Quảng Ngãi, từ Sa Huỳnh đến cù lao Ré (đảo Lý Sơn), đã là ngày thứ 14 lênh đênh trên biển, chỉ còn một ngày nữa là chiến hạm sẽ được về Đà Nẵng nghỉ bến.

Anh em thủy thủ đoàn rộn ràng nghĩ đến ngày được vào đất liền gặp lại bạn bè và người thân đang trông chờ ngóng đợi. Chưa kịp dùng cơm trưa thì từ Trung tâm truyền tin đưa lên Đài Chỉ huy một công điện thượng khẩn lệnh cho tàu về ngay Đà Nẵng.

Khoảng 17 giờ tàu về đến Quân cảng Đà Nẵng (cảng Tiên Sa). Vừa cập cầu tàu thì được lệnh tháo dây ra ngoài neo. Hạm trưởng San được lệnh lên họp khẩn cấp ở Trung tâm hành quân Bộ Tư lệnh Hải quân vùng I Duyên Hải (BTL/HQ/V1DH).

Từ Bộ chỉ huy Vùng I Duyên hải, Hạm trưởng điện về tàu lệnh cho Hạm phó (Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Sắc) cho ban ẩm thực lên bờ đi chợ (tiếp tế lương thực, thực phẩm). Lúc 20 giờ, Hạm trưởng về đưa tàu vào cập cảng Tiên Sa. Lệnh cấm trại 100% được ban ra, không ai được rời tàu.

Ban cơ khí chuẩn bị bắt ống để nhận dầu và ngước ngọt. Đến 21 giờ, hai xe GMC chở một trung đội với đầy đủ vũ khí đạn dược. Lần đầu tiên trước mắt tôi được chứng kiến một toán quân lạ lùng, họ không mặc quân phục của quân đội Sài Gòn mà là quân phục của bộ đội miền Bắc, đủ kiểu áo: áo đen và áo màu ô liu, súng AK-47, B-40, B-41, giày bố, dép râu, nón tai bèo, nón cối…

Sau một hồi dọ hỏi, tôi mới biết đây là lực lượng Biệt hải (lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, chuyên xâm nhập lên bờ biển phía Bắc vĩ tuyến 17, hoạt động trong chiến tranh). Tôi được lệnh từ Đại úy Diên chuẩn bị hải đồ đi Hoàng Sa trình cho Hạm trưởng.

Lúc 23 giờ, tàu rời cảng Tiên Sa, trực chỉ Hoàng Sa. Tôi có cảm giác có một cái gì lớn lao sắp xảy ra. (Còn tiếp)

Lữ Công Bảy

>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 3: Toan tính của Trung Quốc
>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 2: Hoàng Sa ở Hội đồng Bảo an LHQ
>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 1: Bàn cờ nước lớn
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 5: Mùa xuân nhớ con anh hùng
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 4: Cuộc trở về của Nguyễn Văn Lanh
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 3: 1.000 ngày bị địch bắt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 2: Anh hùng đất Việt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.