Hà Nội co ro trong rét

06/01/2013 03:15 GMT+7

Cả ngày hôm qua 5.1, người Hà Nội phải đánh vật với cái rét 8,7 độ C. Trường học tạm thời đóng cửa, người ốm tấp nập vào viện, cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn.

Hà Nội co ro trong rét
Người lao động ngoài trời phải đốt lửa sửa ấm - Ảnh: Ngọc Thắng

Nhiệt độ giảm sâu, cộng với mưa phùn và mưa nhỏ khiến trời càng thêm rét buốt. Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, hôm qua là ngày Hà Nội rét buốt nhất kể từ đầu mùa đông đến nay.

Mưa rét đã làm đảo lộn cuộc sống của không ít người dân thủ đô. Một loạt các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn đã phải tạm thời đóng cửa, gây không ít phiền toái cho các bậc phụ huynh.

Trước đó, chiều 4.1, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống đã có văn bản gửi các phòng giáo dục quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc, về việc phòng chống rét, bảo vệ sức khỏe cho học sinh. Công văn nhấn mạnh, các trường phải thường xuyên theo dõi bản tin thời tiết phát sóng vào lúc 6 giờ 15 trên Đài truyền hình Việt Nam để chủ động có kế hoạch cho học sinh nghỉ học. Được phép chủ động cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống, cho học sinh THCS nghỉ học khi nhiệt độ từ 7 độ C trở xuống.

“Tấp nập” đi bệnh viện

 

Theo ông Bùi Minh Tăng, từ hôm nay 6.1, nhiệt độ sẽ tăng dần nhưng mức tăng không đáng kể, chưa thể vượt qua ngưỡng rét đậm. Dự báo, ngày 9.1 sẽ có thêm không khí lạnh tăng cường, tiếp đó ngày 11-12.1 lại có thêm các đợt gió mùa đông bắc tràn về nên đợt rét đang diễn ra tại các tỉnh miền Bắc sẽ kéo dài đến giữa tháng mới chấm dứt. 

Q.Duẩn

Theo ghi nhận của PV, trong ngày hôm qua, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, các bệnh nhân khám điều trị tăng huyết áp tăng cao hơn khoảng 20% so với bình thường. Tại Khoa Cấp cứu của BV này, số bệnh nhân cấp cứu do các bệnh về hô hấp, tim mạch, tai biến cũng tăng 15-20%. TS-BS Đồng Văn Thành (Khoa Khám bệnh) cho biết, quan trọng nhất là giữ ấm thân nhiệt, không để lạnh đột ngột. Vì lạnh gây co thắt mạch khiến huyết áp tăng vọt, rất nguy hiểm, đó cũng là lý do khiến nguy cơ xảy ra tai biến mạch não, đột quỵ tăng cao hơn mức bình thường trong những ngày giá rét. Tại BV Nhi T.Ư, Khoa Nhi (BV Bạch Mai), số trẻ khám và nhập viện do bệnh viêm phế quản, viêm phổi tăng lên. Khoảng 2.200-2.500 bệnh nhi đến khám mỗi ngày, số lượng không tăng nhưng số bệnh nhân mắc hô hấp, tiêu chảy do vi rút tăng lên.

Tại Khoa Hô hấp (BV Nhi T.Ư), thường xuyên có 120-150 bệnh nhân điều trị, trong đó nhiều trường hợp viêm phổi nặng. Tại Khoa Nhi BV Bạch Mai mỗi ngày cũng tiếp nhận 10-15 trẻ nhập viện do viêm phổi. Số khám cũng tăng đến 50% so với bình thường với khoảng 300 trẻ/ngày trong các ngày rét đậm gần đây.

Đảo qua các BV ở Hà Nội như Viện K, Việt Đức, Bạch Mai, BV 198, Viện E…, điều dễ nhận thấy nhất là hình ảnh những người co ro, cúm rúm, vạ vật chống chọi lại với cái lạnh dưới 10 độ C. Đó đa phần là những người ở ngoại tỉnh đi chăm nuôi người thân phải nằm viện.

Bão số 1 sẽ suy yếu dần trên biển

Hôm qua 5.1, sau khi quét qua quần đảo Trường Sa gây mưa lớn và gió giật mạnh cấp 10 trên đảo Trường Sa Lớn, bão số 1 tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây nam. Chiều tối cùng ngày, tâm bão ngay trên khu vực đảo Huyền Trân với cường độ mạnh cấp 9 - cấp 10 (75 - 102 km/giờ), giật cấp 11 - 12. Trong 24 giờ tới, bão giữ nguyên hướng di chuyển và chiều nay 6.1, tâm bão cách đảo Côn Đảo khoảng 230 km về phía nam đông nam và suy yếu đi một cấp, chỉ còn mạnh cấp 8 - 9. Trong khoảng 48 - 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển về phía tây nam và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, phía tây nam quần đảo Trường Sa biển động rất mạnh. Ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau biển động mạnh.

Ngày 5.1, Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung - Tây nguyên cho biết hiện vẫn còn 1.095 tàu cá (10.945 lao động) đang ở vùng biển quần đảo Trường Sa. Chiều cùng ngày, Đài thông tin duyên hải Việt Nam tiếp nhận tin báo cấp cứu từ tàu cá BĐ 96329 của tỉnh Bình Định, cách Quảng Ngãi khoảng 162 hải lý về hướng đông nam. Tàu bị chết máy, phá nước và có khả năng bị chìm, trên tàu hiện có 7 ngư dân. Cùng ngày, tàu Trường Sa 20 của Hải quân Vùng 4 đã lai dắt tàu cá BĐ 96430 (7 ngư dân) do ông Lý Văn Tâm làm thuyền trưởng bị gãy láp từ chiều 3.1 về đến cảng Cam Ranh, Khánh Hòa. Trong khi đó, tàu cá QB 93469 cùng 8 ngư dân do ông Nguyễn Đức Thắng (xã Quảng Minh, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) làm thuyền trưởng vẫn mất tích từ 30.12.2012. Còn tàu cá QB 93977 mất liên lạc từ ngày 26.12.2012 đến chiều 4.1 đã liên lạc được với gia đình.

Quân chủng Hải quân đã điều động tàu HQ 629 đi cứu nạn tàu cá BĐ 96329 và chiều cùng ngày đã kết nối liên lạc được với tàu cá trên.

Quang Duẩn - Nguyễn Tú

Q.Duẩn - Thu Hằng - Liên Châu - Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.