Giữa kỳ vọng và ảo tưởng

16/10/2012 03:00 GMT+7

Thỏa thuận về quy trình, nội dung trưng cầu dân ý liên quan tới nền độc lập cho Scotland là nhượng bộ rất đáng kể của chính phủ Anh và bước tiến rất quan trọng mà chính quyền tự trị Scotland đạt được. Cả hai phía đều chơi con bài kỳ vọng.

Từ hơn 300 năm nay, Scotland nằm trong thực thể nhà nước Anh và chưa khi nào lực lượng đòi độc lập lại mạnh như hiện tại. Đảng dân tộc chủ nghĩa cầm quyền cùng người đứng đầu chính quyền Alex Salmon hạ quyết tâm tận dụng thời thế để thực hiện mục tiêu trên. Thời điểm năm 2014 được chọn để tiến hành trưng cầu vì đúng dịp kỷ niệm 700 năm trận chiến lịch sử ở Bannockburn mà quân Scotland đánh bại quân Anh. Ông Salmon kỳ vọng tác động của sự kiện này về phương diện tự hào dân tộc sẽ khích lệ dân Scotland tham gia trưng cầu và ủng hộ ly khai. Một kết quả quan trọng khác mà ông Salmon đạt được trong đàm phán với chính phủ Anh là hạ độ tuổi cử tri từ 18 xuống 16. Ở đây, ông kỳ vọng vào tâm lý giới trẻ không còn muốn thấy Scotland chỉ là bộ phận của Vương quốc Anh.

Thủ tướng Anh David Cameron không chủ trương cho Scotland ly khai nhưng biết rằng không thể ngăn được trào lưu chính trị đang thắng thế ở đó. Ông đặt kỳ vọng vào kết quả thăm dò hiện cho thấy nhiều nhất chỉ có khoảng 40% trong số 5 triệu người Scotland muốn tách khỏi Anh. Ông Salmon lẫn ông Cameron chấp nhận được ăn cả, ngã về không, trông đợi rằng kỳ vọng của bên kia rồi sẽ chỉ là ảo tưởng. Kết quả trưng cầu dẫu thế nào thì đều đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho cả Scotland lẫn Anh.

Thảo Nguyên

>> Scotland vận động tách khỏi Anh
>> Scotland thách thức mẫu quốc
>> Thúy Vy tham gia các hoạt động tại Scotland
>> Phim của đạo diễn Scotland lên ngôi tại London
>> 121 người đẹp đến Scotland

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.