Giữ huyết mạch cho Hòn ngọc Viễn Đông - Kỳ 4: Những 'người cũ' trên ti vi

26/04/2015 09:32 GMT+7

(TNO) Đến nay dù đã 40 năm nhưng nhà báo Hồ Vĩnh Thuận vẫn nhớ từng chi tiết khi ông cùng đoàn vào tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn ngày 30.4.1975.

(TNO) Đến nay dù đã 40 năm nhưng nhà báo Hồ Vĩnh Thuận vẫn nhớ từng chi tiết khi ông cùng đoàn vào tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn ngày 30.4.1975.

  Giữ huyết mạch  cho Hòn ngọc Viễn Đông - Kỳ 4: Những “người cũ” trên ti viCổng Đài HTV những năm sau 1975 - Ảnh: tư liệu
Ba đài truyền hình
“Sáng 29.4.1975, đoàn tiếp quản nhận được lệnh tập trung ngay tại bìa rừng ở Tây Ninh. 3 giờ sáng 30.4.1975, đoàn từ Dầu Tiếng, Tây Ninh quá giang xe của cán bộ miền Bắc tiến lên Sài Gòn. Chừng 12 giờ trưa tới Dinh Độc Lập. Lúc này thì cờ xanh đỏ đã bay phất phới ở dinh. Một số anh em tiếp quản chạy vào dinh để quay một số cảnh làm tư liệu. Khoảng 12 giờ 30 phút, xe chạy tới Đài Truyền hình Sài Gòn. Lúc này trong đài không còn ai làm việc. Một phía bên cổng sắt ở đường Đinh Tiên Hoàng bị gãy đổ”, ông Thuận kể lại.
Theo ông Thuận, khi đoàn tiếp quản có mặt, máy nổ của đài vẫn chạy nhưng phía trong khuôn viên không còn ai. Chỉ có một anh sinh viên chạy vào chỉ cho đoàn một số vị trí.
Trước khi nhận lệnh, thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định căn dặn khi vào tiếp quản không được vào trong khu làm việc vì sợ bom mìn cài lại. Đêm hôm đó, cả đoàn tiếp quản nấu ăn và ngủ ngoài sân của đài.
Khi đó, Sài Gòn có tới ba đài truyền hình. Một đài của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Một đài của Mỹ chủ yếu phục vụ cho quân đội. Hai đài đều nằm trong khuôn viên Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) bây giờ, chỉ cách nhau dãy hàng rào sắt. Cột ăng ten phát sóng nằm bên đài của Mỹ, khi nào làm xong chương trình, nhân viên kỹ thuật đài Việt Nam Cộng Hòa đưa băng sang khu vực đài Mỹ để phát sóng.
Đài thứ ba bây giờ ít người biết là đài truyền hình Đắc Lộ nằm ở gần đường Lý Chính Thắng (Q.3). Đài chỉ phát chương trình cho thiếu nhi và người công giáo. Thời gian đầu khi tiếp quản, đài Đắc Lộ vẫn hoạt động bình thường với đầy đủ ban bệ, bộ phận dù quy mô khá nhỏ. Sau này đài Đắc Lộ sáp nhập rồi trở thành phòng sản xuất chương trình thiếu nhi của HTV.
Phát sóng liên tục
Trở lại với việc tiếp quản, đúng 7 giờ 30 phút ngày 1.5.1975, rất nhiều nhân viên đến tập trung trước cổng đài. Ban tiếp quản mời mọi người vô hội trường tuyên bố chính sách của chính quyền quân quản. Việc tiếp quản sẽ không ảnh hưởng công việc của các nhân viên. Ai trước làm ở đâu thì bây giờ về làm chỗ đó.
Ban tiếp quản cũng mời ông Lê Vĩnh Hòa, Tổng cục trưởng Tổng cục Phát thanh, Truyền hình vào đài và đề nghị hợp tác. Sau khi giới thiệu tên tuổi, chức danh, ông Lê Vĩnh Hòa cho biết ông là người chịu trách nhiệm chính của đài. Tất cả mọi người từ trước tới nay đều thực hiện theo mệnh lệnh của ông Hòa.
Ông Huỳnh Văn Tiểng, thành viên đoàn tiếp quản và sau này là Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM bày tỏ giờ làm sao để đài vẫn chạy bình thường. Ông Hòa gọi bộ phận kỹ thuật vào. Ông Lê Văn Minh, Trưởng phòng kỹ thuật cho biết mọi thứ vẫn bình thường. Nếu cho phép thì chiều 1.5 phát sóng được.
Nghe xong câu nói của ông Minh, nhiều người phấn khởi. Sau đó biên tập viên lên kế hoạch chương trình, quay phim vác máy đi quay. Các biên tập viên ở chiến khu về tiếp quản vẫn theo các quay phim đi làm bình thường.
Tới khoảng 11 giờ anh em quay phim về, dựng xong xuôi, viết thuyết minh rồi đưa xuống phim trường phát trong chương trình bản tin. Chương trình văn nghệ được gửi từ Hà Nội vào. Riêng cờ màu xanh đỏ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lúc đó còn quá mới không kịp quay nên mọi người phải lấy cờ nhỏ để trước gió rồi quay ngay tại phim trường.
Chương trình phát sóng tối 1.5.1975 bắt đầu là thông báo của chính quyền quân quản là Sài Gòn - Gia Định được giải phóng, sau sau đó là chương trình thời sự. Tối ngày hôm sau có thêm cảnh quay các cánh quân tiếp quản Sài Gòn, tiếp quản điện, nước, bưu điện, chương trình văn nghệ rồi phim tài liệu Nhìn về phía trước đưa từ Hà Nội vào. Phát thanh viên lúc đó là cô Mỹ Hạnh mặc áo bà ba, đội mũ tai bèo, quàng khăn rằn đọc tin tức.
Việc phát sóng của HTV chỉ gián đoạn đêm 30.4 do không có nhân viên, còn lại phát sóng liên tục từ ngày 1.5.1975 đến nay.
Sử dụng phần lớn người cũ
Những người chứng kiến cuộc tiếp quản HTV đều cho biết việc tiếp quản đài diễn ra khá nhẹ nhàng. Lúc tiếp quản, nhân viên của Tổng cục Phát thanh, Truyền hình lúc đó có khoảng 400 người, sau này trừ một số nghỉ việc, ra nước ngoài thì đa phần đều được giữ lại đài làm việc. Thậm chí lương của một số vị trí chuyên viên cấp cao còn cao hơn cả cán bộ tiếp quản.
Đáng chú ý là trường ông Nguyễn Văn Lâm trước 1970 làm giám đốc kỹ thuật của tổng cục, 1972 qua làm phó giám đốc kỹ thuật trung tâm quốc gia điện ảnh trực thuộc tổng cục ở 15 Thi Sách (Q.1). Những năm thập kỷ 80 của thế kỉ trước, đa phần máy chạy băng đầu từ của đài bị hỏng, gửi đi Ba Lan để đưa qua Mỹ sửa nhưng không được. Thời kỳ này Mỹ đang cấm vận Việt Nam. Lãnh đạo đài tìm mọi cách để sửa đều thất bại. May thay lúc đó một chuyên gia của đài sang chỗ ông Lâm.
Tuy nhiên vị này cũng cho biết ông Lâm giỏi nhưng tính ông này kiêu nên khó mời lắm. Phải ban giám đốc đài trực tiếp mời may ra ông Lâm đồng ý giúp. Nghe xong, Giám đốc đài HTV lúc đó là ông Ba Quang, Phó giám đốc Hồ Vĩnh Thuận và đặc biệt là ông Huỳnh Văn Tiểng khi đó đã chuyển qua Ủy ban Mặt trận tổ quốc nhưng vẫn lo lắng cho phát triển của đài đều đồng ý.
Ông Hồ Vĩnh Thuận còn nhớ kỷ niệm là khi tiếp quản, vào tối 30.4.1975, ông Thuận đi kiểm tra đài, thấy hai nhân viên già còn sót lại kêu thiếu dầu chạy máy phát điện. Một ngày đài chạy chừng 2.000 lít dầu. Ông Thuận báo với ông Trần Văn Trà, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định. Ông Trà đã cho xe bồn của bộ đội cung cấp đủ dầu để đài hoạt động vào tối hôm sau.
Đúng 4 giờ chiều, ban giám đốc HTV qua nhà ông Lâm nói về khó khăn của máy chạy đầu từ. Ông Lâm đảm bảo 95% sẽ khắc phục được. Tối hôm đó ông Tiểng đã mời ông Lâm ăn tối ở nhà hàng Mỹ Cảnh trên sông Sài Gòn. Sáng hôm sau đài cho xe qua nhà rước ông Lâm vào đài để chẩn bệnh máy móc.
Ông Lâm cộng tác với đài 2 năm khi khối kỹ thuận được đảm bảo thì nghỉ. Sau này đài tiếp tục mời ông Lâm tiếp tục chịu trách nhiệm trung tâm dịch vụ kỹ thuật của đài.
Hay như trường hợp ông L.V.M, trước 1975 học cao học ở Úc sau đó là trưởng phòng kỹ thuật của đài. Ông này rất giỏi chuyên môn. Sau 1975 vẫn làm chuyên viên kỹ thuật ở đài. Một ngày đẹp trời ông M. tìm cách vượt biên nhưng bị bắt ở Long An, bị ở tù. Ra tù ông M. được lãnh đạo đài bảo lãnh rồi chuyển về làm ở bộ phận dịch vụ, kinh doanh ở đài.
Việc chuyển giao, tiếp quản ở HTV diễn ra không căng thẳng một phần do đội ngũ tiếp quản biết trọng trí thức và người tài. Ông Huỳnh Văn Tiểng trước 1975 là một đại trí thức ở miền Nam, sau này làm Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam rồi mới làm Giám đốc HTV nên rất hiểu nghề và tôn trọng người giỏi. Ông Hồ Vĩnh Thuận từng học kỹ sư vô tuyến ở Nga về và rất cầu thị. Ông Phạm Khắc, sau này là Giám đốc HTV trước sống ở Sài Gòn, giỏi nghề và hành xử rất tốt với anh em ở đài cũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.