Giang tặc miền Tây - Bài 1: Kịch chiến trên sông

23/02/2009 23:55 GMT+7

Ở những xóm làng vùng đồng bằng sông Cửu Long, cuộc sống của người dân gắn liền với sông nước. Cuộc sống yên bình nơi đây đã dậy sóng khi những băng nhóm trộm, cướp đường sông xuất hiện... Mời nghe đọc bài

"Cướp, cướp bà con ơi! Chặn nó lại!". Tiếng truy hô thất thanh từ nhà ông Mỹ lẫn với tiếng máy nổ mở hết tốc lực làm náo động cả một vùng quê. Cả xóm nháo nhác nhìn chiếc vỏ lãi phóng như bay trên bờ Kinh Sáng, xã Đông Thới, H.Cái Nước, Cà Mau.

Sông quê dậy sóng

Cách đó 1 cây số, nhà ông Năm Phồi nhận được điện thoại đã đưa vỏ lãi chắn ngang sông, ngáng đầu tàu của hai kẻ lạ mặt. Nhưng điều ông Phồi không ngờ được là hành động ngáng đường của ông chỉ tạo cơ hội cho bọn cướp "làm xiếc": chúng rồ ga phóng thẳng qua vỏ lãi của ông.

Mọi người chưa hết bàng hoàng trước màn biểu diễn táo bạo thì chiếc vỏ composite gắn máy Honda 13 sức ngựa biến nhanh vào kinh Đông Mỹ; nhiều vỏ lãi của người dân cũng tức tốc đuổi theo trước khi những kẻ bị đuổi lẫn vào Lung Sình...

Cuộc rượt đuổi dậy sóng tiếp tục diễn ra qua kinh Cây Hương, đổ ra cống Đông Thới, nơi lực lượng của Công an thị trấn Cái Nước đang đón đầu. Phát hiện tình thế, bọn cướp trở đầu chạy về hướng kinh Lung Ngang. Màn đuổi bắt diễn ra quyết liệt như trong một cuốn phim hành động, chỉ kết thúc sau hơn 4 giờ, vỏ lãi của hai tên cướp bị dồn vào con sông cụt.

Kể cả lưới đáy trên sông cũng thường xuyên bị cắt trộm (ảnh minh họa) - Ảnh: T.Trình

Chúng chỉ còn cách tự đánh chìm xuồng máy để phi tang. Chuyện đã diễn ra cách đây trên 1 năm nhưng đến nay những người dân tham gia vào vụ việc vẫn còn nhớ như in và đó chỉ là một trong rất ít lần bọn giang tặc bị sa lưới sau một màn thủy chiến kinh động.

17 giờ chiều ngày 16.3.2006, nhà ông Trần Văn Trong (ấp 17, xã Tam Giang, H.Năm Căn, Cà Mau) có khách lạ ghé qua. Một thanh niên vẻ mặt thành khẩn đến hỏi ông xin ít nhớt do máy ghe của họ bị khô nhớt. Ông Trong sốt sắng đem can nhớt ra giúp người đến nhờ. Điều ông không ngờ là mình đang tốt bụng với... cướp.

Khi ông Trong thắc mắc chỉ cho nhớt thôi, sao khách lại lấy luôn can đựng nhớt, thì ông mới phát hiện họ không chỉ lấy chiếc can mà còn... lấy luôn chiếc vỏ lãi gắn máy nổ hiệu Vanguard 6.0 mã lực của ông đang đậu dưới sông. Ông Trong la làng. Con và rể của ông đang lợp nhà đã nhảy xuống cản đường trong lúc vỏ lãi của hai tên cướp đang mắc kẹt cây dưới lườn.

Con ông Trong nhảy xuống ôm chúng liền bị đánh ngất. Khi vừa thoát khỏi nhà ông Trong thì chiếc vỏ lãi gắn máy Honda 11 ngựa của chúng lại chết máy. Bị cả xóm bao vây, thế nhưng hai tên cướp vẫn nhảy xuống sông "biến mất". Trong vụ này, kẻ cướp chỉ nhận tội sau khi lực lượng nghiệp vụ điều tra của công an nhập cuộc...

Kỹ năng đánh cắp và tẩu thoát của những "yêng hùng thủy lộ" này đã đạt đến mức thượng thừa. Với khả năng và sự táo bạo đó, chúng đã gieo rắc nỗi bất an cho đời sống người dân dọc theo các tuyến sông ở khắp các tỉnh miền Tây .

Chạm trán giang tặc

Đại úy Nguyễn Chí Quảng, Đội phó Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Năm Căn (Cà Mau) nhiều lần chạm trán với giang tặc, chia sẻ: “Máy móc của người dân đồng công suất, khi đụng chuyện thường không thể nào chạy kịp bọn chúng vì hầu hết xuồng máy của chúng đã được "độ" lại, sửa chân vịt, bình xăng... để chạy nhanh hơn. Có trường hợp ở Tam Giang (H.Năm Căn), máy của dân có công suất lớn hơn, đuổi gần kịp thì bọn chúng quăng lưới làm cho chân vịt máy tàu bị vướng. Khổ chủ đành đứng nhìn bọn cướp vừa chạy thong thả, vừa ngoắc tay thách thức.

Rải rác ở các tỉnh, đã có hàng trăm vụ trộm cướp vỏ lãi, xuồng máy diễn ra trong vài năm trở lại đây. Không những lấy xuồng máy, vỏ lãi mà lưới đáy, lú tôm, thậm chí trăn nuôi, cá nuôi... cũng bị "thăm" tất. Sau những phi vụ trót lọt, không ít lần giang tặc chủ động liên hệ với khổ chủ để ra giá chuộc. Để được yên ổn làm ăn, nhiều nạn nhân phải tuân thủ theo "luật im lặng" của bọn chúng, nghĩa là không báo công an mà im lặng mang tiền đi chuộc. Tuy nhiên, không phải lúc nào giang tặc cũng giữ lời. Có khi người bị mất vẫn im lặng bỏ tiền ra chuộc để rồi tiếp tục bị mất.

Trong nhiều vụ trộm lưới rồi bắt người bị hại chuộc lại, có một lần bọn trộm không ngờ là khổ chủ "dám" báo vụ việc với công an. Lần đó, cuối năm 2007 có một người vừa bị cắt mất lưới đáy ở ấp Phước Thắng A, xã An Phúc (H.Đông Hải, Bạc Liêu) đến báo với công an huyện có một số điện thoại lạ gọi đến bảo đã "lượm" được miệng đáy, nếu muốn chuộc lại thì chuẩn bị sẵn 5 triệu đồng. Thượng tá Nguyễn Thành Vững, Phó công an huyện Đông Hải kể lại: nhận được tin tố giác, Công an huyện Đông Hải đã lập kế hoạch đón lõng bọn chúng.

10 sĩ quan công an chia làm 3 mũi, giả vai người đi đường. Đúng ngày hẹn, bọn trộm đáy chủ động liên lạc với khổ chủ. Sau nhiều giờ lòng vòng thay đổi địa điểm, cuối cùng chúng cho địa điểm "giao dịch" ở giữa sông Gành Hào, giáp ranh hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu. Vừa nhận tiền thì bị công an ập đến, chúng nổ máy chạy về bờ phía Cà Mau. Ở đây, lực lượng địa phương xã Tân Thuận, H.Đầm Dơi (Cà Mau) cũng phối hợp truy bắt. Bị dồn ép, chúng rút hung khí tấn công lại lực lượng công an.

Cuộc "thủy chiến" giữa giang tặc và các chiến sĩ công an diễn ra chớp nhoáng và quyết liệt. Sau một màn câu vật sinh tử dưới nước, cuối cùng 3 tên trộm cướp bị khống chế. (Còn tiếp)

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.