Giám sát chủ động vệ sinh thực phẩm

01/07/2011 00:39 GMT+7

Từ hôm nay 1.7, Luật An toàn thực phẩm (ATTP) chính thức có hiệu lực. Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết:

 

Ông Nguyễn Công Khẩn - ảnh: Ngọc Thắng 

Đây là bộ luật đầu tiên về ATTP - vấn đề ảnh hưởng đến mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mọi lứa tuổi. Luật đã quy định cụ thể: Bộ Y tế chịu trách nhiệm chung trước Chính phủ về thực hiện quản lý nhà nước về ATTP; chịu trách nhiệm quản lý trong suốt quá trình sản xuất, chế biến các nhóm sản phẩm: thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, nước uống đóng chai. Bộ

NN-PTNT chịu trách nhiệm quản lý toàn diện (sản xuất chế biến, vận chuyển bảo quản) đối với các sản phẩm: thịt, thủy hải sản, rau quả, trứng, sữa tươi nguyên liệu, thực phẩm biến đổi gien. Còn các nhóm thực phẩm: sữa, rượu bia nước giải khát sẽ do Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý. Các bộ sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm bao gói các nhóm sản phẩm mình quản lý.

Thưa ông, điều mà người dân quan tâm đó là chủ động trong cảnh báo sự cố về thực phẩm. Vậy đâu là biện pháp để thực hiện?

Giám sát chủ động chắc chắn là việc buộc phải thực hiện. Để làm được việc này, về cơ bản chúng ta phải kiểm soát được chất lượng các nhóm thực phẩm thiết yếu và cũng là nhóm nguy cơ cao như: thịt và các sản phẩm từ thịt, các sản phẩm sử dụng phẩm màu, sữa, nước giải khát, rau củ quả... Vừa qua, cơ quan quản lý đã bắt đầu triển khai và cho kết quả tích cực. Ví dụ như chúng ta đang yên tâm vì chưa thấy sữa nhiễm melamine tái xuất hiện qua kết quả xét nghiệm. Các mẫu giám sát chủ động cũng chưa phát hiện ruốc làm từ bìa giấy như dư luận lo ngại tại Hà Nội. Và cũng nhờ giám sát chủ động mà vừa qua chúng ta cũng phát hiện được tương ớt, ớt bột nhiễm chất nhuộm màu Rhodamin B tại một chợ ở Hà Nội.

Theo ông, giám sát chủ động đem lại những lợi ích nào cho người dân?

Giám sát chủ động thông qua việc lấy mẫu thường xuyên tại một số chợ đầu mối. Các số liệu về kết quả xét nghiệm sẽ được lưu giữ, nhờ đó chúng ta sẽ biết được xu hướng ô nhiễm trong các sản phẩm thường dùng, các hóa chất nguy hiểm nào tồn dư (nếu có) cũng như có thể biết được các chất phụ gia, bảo quản có trong ngưỡng an toàn để người dân an tâm sử dụng. Cũng nhờ các số liệu thu thập được, khi có sự cố về ATTP chúng ta có thể chủ động được trong "chẩn đoán" và kiểm soát, ngăn chặn được sớm nhất.

Tôi cũng lưu ý thêm, giám sát chủ động còn là công khai minh bạch thông tin. Ngoài ra, việc tiếp nhận các thông tin từ hệ thống cảnh báo quốc tế INFOSAN và cơ quan quản lý thực phẩm của các nước cũng sẽ giúp chúng ta kịp thời hơn trong ứng phó với các sự cố.

Liên Châu (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.