Giám định tư pháp không thể vô thời hạn

27/07/2015 04:21 GMT+7

Do “chờ kết quả giám định tài chính”, cơ quan tố tụng tỉnh Cà Mau phải tạm đình chỉ điều tra một loạt 16 bị can trong vụ án tham nhũng khởi tố từ 8 năm trước. Chung quanh vấn đề này, Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM Nguyễn Thanh Sơn (ảnh) đã trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên .

Do “chờ kết quả giám định tài chính”, cơ quan tố tụng tỉnh Cà Mau phải tạm đình chỉ điều tra một loạt 16 bị can trong vụ án tham nhũng khởi tố từ 8 năm trước. Chung quanh vấn đề này, Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM Nguyễn Thanh Sơn (ảnh) đã trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên.

Giám định tư pháp không thể vô thời hạn
Nên chăng cần quy định có một cơ quan giám sát quá trình giám định tư pháp, giống như Viện KSND giám sát hoạt động điều tra, xét xử vì kết quả giám định là một phần quan trọng của vụ án, có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc oan sai. Theo ông thế nào?
Giám định là một lĩnh vực chuyên môn, có đặc thù riêng nên luật Giám định tư pháp cũng có những quy định buộc giám định viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với kết quả giám định.
Riêng các cơ quan tố tụng sẽ kiểm tra bằng nhiều cách, như nghiên cứu kỹ hồ sơ, thẩm tra, đánh giá các tài liệu khác liên quan đến vụ án. Nếu quá trình xử lý vụ án, phát hiện giám định viên vì động cơ nào đó mà có sự gian dối, thiếu trách nhiệm đưa ra kết luận sai thì tùy mức độ sẽ bị xử lý. Nếu có dấu hiệu hình sự vẫn bị xem xét xử lý về hành vi “cung cấp tài liệu sai sự thật”. Quy định rất rõ, quan trọng là áp dụng cho tốt, cho đúng mà thôi.
Hiện nay, liên quan đến các kết quả giám định tư pháp, luật có lỗ hổng là chưa có quy định trong bao lâu thì phải có kết quả giám định?
Đúng là luật chưa có quy định về thời hạn giám định, nên có những vụ án phải tạm đình chỉ, chờ kết quả giám định trong thời gian dài, thậm chí tới hàng năm ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt là án tham nhũng đang được dư luận và nhà nước quan tâm. Phải có một thời hạn tương tự như thời hạn điều tra nhưng không thể dài hơn thời hạn điều tra. Bởi điều tra là sử dụng những biện pháp nghiệp vụ thu thập chứng cứ, chứng minh phạm tội hay không phạm tội, phức tạp hơn còn giám định chỉ là một phần để phục vụ hoạt động điều tra.
Chẳng hạn, đối với nội dung giám định đơn giản thì 1 tháng, phức tạp thì 3 tháng, có thể gia hạn nhưng không quá 6 tháng. Việc quy định thời hạn để giám định viên tích cực làm việc hơn và người quản lý sẽ dựa vào đó để có cơ chế quản lý, chế tài phù hợp. Tùy nội dung trưng cầu giám định để phân công 1 giám định viên hay có một hội đồng giám định viên để có kết luận giám định phù hợp, đúng với thời hạn quy định.
Thời hạn giám định nên được quy định trong luật Giám định tư pháp nhưng cũng phải phù hợp với những quy định về giám định trong bộ luật Tố tụng hình sự. Phải xây dựng đồng bộ, chặt chẽ để tránh sự mâu thuẫn trong quá trình áp dụng.
Xin cám ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.