Giá điện tăng chưa vừa lòng EVN

Hôm qua (6.3), tại buổi họp báo của Tập đoàn điện lực VN (EVN), trả lời câu hỏi của Thanh Niên về giá điện sẽ còn điều chỉnh bao nhiêu lần thì đến giới hạn, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, giá điện hiện đã tiệm cận giá trần và EVN sẽ còn điều chỉnh khi chi phí tăng.

Hôm qua (6.3), tại buổi họp báo của Tập đoàn điện lực VN (EVN), trả lời câu hỏi của Thanh Niên về giá điện sẽ còn điều chỉnh bao nhiêu lần thì đến giới hạn, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, giá điện hiện đã tiệm cận giá trần và EVN sẽ còn điều chỉnh khi chi phí tăng.
 
Nhiều doanh nghiệp ngành thép, xi măng... đang rất lo lắng khi giá điện tăng 7,5% - Ảnh: Diệp Đức Minh
Nhiều doanh nghiệp ngành thép, xi măng... đang rất lo lắng khi giá điện tăng 7,5% - Ảnh: Diệp Đức Minh
Tăng giá 1%, EVN lãi 1.500 tỉ đồng
Cụ thể, theo Tổng sơ đồ phát triển điện lực 7 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trần giá điện là 9 cent (Mỹ)/kWh (vào năm 2020), tuy nhiên, với việc điều chỉnh giá điện lần này, giá điện mới áp dụng từ ngày 16.3 tới đã đạt đến gần mức giá trần. Ông Đinh Quang Tri cho biết, giá điện mới sẽ bằng khoảng 86 - 87% và còn khoảng 12 - 13% nữa sẽ đạt mức giá trần (tức là bằng giá điện trung bình của khu vực ASEAN).
“Việc điều chỉnh giá điện tiếp theo như thế nào trong những năm tới thì chúng tôi sẽ vẫn phải căn cứ theo Quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ để tổng hợp, theo dõi phát sinh chi phí từng tháng, khi đủ điều kiện sẽ trình Bộ Công thương phê duyệt”, ông Tri cho biết. Tuy nhiên theo ông này, năm 2015, sau lần điều chỉnh này, giá điện cơ bản sẽ ổn định do giá khí và giá than và tỷ giá đã ổn định.
Ở đây, chúng ta cần một cơ quan tư vấn giá độc lập chứ không phải kiến nghị của EVN đưa ra để rồi Bộ Công thương đều chấp nhận như vậy được
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế
Trả lời Thanh Niên, ông Đinh Quang Tri cho biết, với giá điện mới, sẽ đem lại khoản doanh thu tăng thêm 13.000 tỉ đồng trong năm 2015 và cứ tăng giá điện 1% thì lợi nhuận của EVN tăng thêm 1.500 tỉ đồng. Lợi nhuận thu được, sẽ được sử dụng để đầu tư mới, xử lý một phần các khoản lỗ, lỗ treo do biến động tỷ giá các năm trước (926 tỉ đồng) và trả thêm phí truyền tải điện cho Tổng công ty phân phối điện (NPT) và tăng cả chi khen thưởng, phúc lợi...
“Điều chúng tôi lo ngại là tăng trưởng nhu cầu điện năm nay lại lên cao, khoảng 14 - 15%, có nhiều tỉnh tăng 20%, nếu thiếu vốn, sức ép đầu tư mới lại tăng lên. Cho nên, vấn đề cung ứng điện, giá điện cũng phụ thuộc khá lớn vào mức độ tiêu dùng điện”, ông Tri nói.
Đáng chú ý, lãnh đạo EVN cho biết, nếu tính đầy đủ các chi phí phát sinh, giá điện lẽ ra phải tăng 12,8% nhưng EVN chỉ trình mức cao nhất 9,5%. Tuy nhiên, phương án này (Bộ Công thương cũng đề xuất) đã không được Chính phủ chấp nhận.
Theo EVN, tính từ lần tăng giá điện gần nhất (1.8.2013) đến 31.1.2015, các thông số đầu vào sản xuất điện đều đã thay đổi: mặc dù có yếu tố giảm chi phí 1.657 tỉ đồng (do giá dầu giảm, giá khí giảm) nhưng các chi phí khác lại tăng lên, tổng cộng phát sinh thêm 10.941 tỉ đồng; giá than tăng làm tăng chi phí 4.485 tỉ đồng, giá khí trên bao tiêu làm tăng chi phí thêm 3.532 tỉ đồng, giá khí trong bao tiêu cũng làm tăng 557 tỉ đồng; chênh lệch tỷ giá làm tăng 105 tỉ đồng, thuế tài nguyên nước làm tăng chi phí mua điện tăng lên 1.590 tỉ đồng… Ngoài ra, EVN còn khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ trên 8.000 tỉ đồng. “Nếu tăng ở mức 9,5% thì lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của EVN đạt khoảng 3% nhưng với giá được thông qua, tỷ suất lợi nhuận đó chỉ còn khoảng trên 1%”, ông Tri nói.
Tổn thất điện vẫn cao
Lãnh đạo EVN cho biết, tập đoàn này vẫn đang cố gắng tăng năng suất lao động, không cho phép các đơn vị tăng biên chế trong năm 2014. Năm 2014, năng suất lao động EVN tăng 9% và dự kiến đạt mức tương đương trong năm 2015. “Riêng tổn thất điện năng thì năm 2014, mức tổn thất là 8,46%, cao hơn Thủ tướng giao là 8% do tình trạng thiếu điện ở miền Nam nên chúng tôi phải tăng truyền tải điện theo đường dây 500 KV và có tổn thất về kỹ thuật”, ông Tri cho biết.
Cũng tại cuộc họp báo hôm qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết, Bộ đã kiểm tra đầy đủ thông số đầu vào của giá điện; có đánh giá tác động tới các hộ sản xuất, đời sống nhân dân, hộ sản xuất chính… Trong tuần sau, Bộ này sẽ công bố cụ thể các mức giá điện với từng nhóm đối tượng khác nhau. Một số đối tượng sẽ được áp mức giá điện tăng dưới mức 7,5% như các hộ tiêu dùng, kinh doanh; còn các hộ sản xuất áp dụng mức tăng trên 7,5%.
Theo Bộ Công thương, đối với đời sống dân cư, giá điện tăng ở mức trên sẽ làm các hộ sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng phải trả thêm tiền điện 6.000 đồng/tháng; với các hộ sử dụng điện từ 100 - 300 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 18.900 đồng/tháng và với các hộ sử dụng trên mức này sẽ phải trả tiền điện thêm ít nhất 59.064 đồng/tháng.
Doanh nghiệp bị sốc
Theo Bộ Công thương, giá điện tăng 7,5% thì sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 lên 0,369%; giá thành sản xuất phôi thép tăng 0,75%; giá thành sản xuất xi măng tăng 2,25%. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng cách tính trên là không chính xác, thậm chí bất hợp lý.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, cho biết trung bình mỗi năm, Thép Việt luyện 1,5 triệu tấn phôi thép. Với thiết bị công nghệ mới thì mức tiêu hao điện năng khoảng 350 kWh/tấn, như vậy sẽ tiêu tốn gần 530 triệu kWh. Giá điện bình quân hiện nay công ty phải trả khoảng 1.400 đồng/kWh, tức chi phí điện cho luyện thép bình quân mỗi năm là 740 tỉ đồng. Như vậy, nếu giá điện tăng thêm 7,5%, chi phí dành cho điện của công ty phải tăng hơn 55 tỉ đồng/năm. “Đó là mức tiêu hao điện năng thấp trong khi mức tiêu hao trung bình của các nhà máy luyện thép khác ở VN từ 500 - 600 kWh/tấn, chi phí cho điện tăng thêm sẽ cao hơn nhiều. Mức tăng 7,5% của giá điện đợt này thật sự gây sốc cho nhiều DN ngành công nghiệp”, ông Thái nói.
Theo ông Thái, việc tăng giá điện chắc chắn sẽ buộc các DN phải xem xét tăng giá bán ra trong thời gian tới. Điều này càng gây khó khăn cho DN trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu đang gia tăng mỗi ngày trên thị trường nội địa, và cả ở thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng VN, cũng cho rằng giá điện tăng sẽ kéo theo khả năng tăng giá của nhiều sản phẩm khác, tăng giá thành sản xuất, việc tăng giá bán ra cho người tiêu dùng là không thể tránh khỏi. Các DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu. Theo dự báo, ngành xi măng năm 2015 sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 75 triệu tấn xi măng. Tính trung bình để sản xuất được 1 tấn xi măng phải tiêu hao điện khoảng 90 - 95 kWh. Như vậy, chi phí cho điện tăng thêm của ngành xi măng sẽ là một con số khổng lồ. Theo một DN sản xuất xi măng tại phía nam, chi phí điện hiện đang chiếm hơn 10% trong giá thành sản phẩm. Như vậy, khi giá điện tăng thêm 7,5% và nếu các loại vật tư, nguyên liệu khác cũng tăng giá theo do tác động của giá điện thì tỷ lệ chi phí điện trong giá thành sản xuất xi măng chắc chắn phải tăng cao hơn mức tính toán của Bộ Công thương rất nhiều.
Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á cho rằng, với mức tăng 7,5% giá điện, giá thành sản phẩm ngành tôn sẽ tăng thêm 1% nữa, điều này gây ảnh hưởng cực kỳ lớn đến khả năng cạnh tranh của DN. “Hiện tại, ngành sản xuất tôn thép đang có sự cạnh tranh dữ dội với hàng Trung Quốc, trong khi Trung Quốc có giá điện thấp hơn giá điện sản xuất ở VN. Tôi chỉ thấy lạ là giá xăng dầu đang giảm, nhẽ ra nhiệt điện giảm được nhiều phí, sao lại tính tăng giá điện khi giá xăng dầu đang giảm mạnh thế này. Giá điện tăng lúc này quả là vô lý”. Ông Trung cũng cho biết Tôn Đông Á sẽ phải chi thêm khoảng 7 tỉ đồng/tháng sau khi giá điện tăng 7,5%.
Cần có lộ trình hợp lý
Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long nhận xét: “Cách tính tác động tăng giá điện của Bộ Công thương không rõ ràng. Nếu giao cho các ngành sản xuất chịu ảnh hưởng lớn khi giá điện tăng tính toán thì chắc chắn cách tính sẽ khác và cao hơn rất nhiều. Ở đây, chúng ta cần một cơ quan tư vấn giá độc lập chứ không phải kiến nghị của EVN đưa ra để rồi Bộ Công thương đều chấp nhận như vậy được”.
Ông Nguyễn Thanh Trung cho rằng việc tăng giá điện thiếu lộ trình, lẽ ra phải có một lộ trình hợp lý, cụ thể, thuyết phục được dư luận. “Tăng giá điện lúc này hoàn toàn không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng DN do nền kinh tế VN năm qua chỉ mới tạm ổn định chứ chưa có sức bật để tăng trưởng mạnh. Thứ nữa, cần minh bạch giá thành điện như mọi ngành khác, đưa vào guồng máy của nền kinh tế thị trường, không nên độc quyền để dẫn đến lạm quyền. Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Bởi nếu không minh bạch, không rõ ràng, không vận hành theo cơ chế thị trường, lại độc quyền nên ngành điện khó thuyết phục cộng đồng DN đã tham gia vào nền kinh tế thị trường từ lâu”, ông Trung nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.