Đường dây cho sinh viên vay “nóng”: Lãi suất kinh hoàng

06/12/2010 00:32 GMT+7

Cuối tháng 11.2010, tòa soạn Báo Thanh Niên nhận được thông tin của một số sinh viên (SV) về một đường dây chuyên cho vay “nóng” với giá cắt cổ khiến SV nào đang lâm vào cảnh khó khăn càng thêm khốn đốn.

Nhiều “cử nhân tương lai” buộc phải cầm thẻ  SV đưa cho bọn “đầu nậu” vay tiền với lãi suất cao để trang trải những khoản tiền cấp thiết, như: tiền học phí, tiền trọ, tiền ăn uống… và có thể cả tiền thua cá độ. Không ít SV khi đã dính đến đường dây này phải nhịn ăn, nhịn khát, đi vay mượn tiền bạn bè cũng chỉ đủ để trả tiền lãi suất; không còn tinh thần mà tập trung chuyện học hành và cay đắng hơn là không biết bao giờ mới thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất. Hàng trăm SV  đang đối mặt với món nợ khó trả từ vài triệu đến vài chục triệu đồng do “lãi mẹ đẻ lãi con”.

Đa phần SV đang đối mặt với trăm nghìn nỗi lo (cái ăn, cái mặc, tiền học phí, tiền nhà trọ…), nhất là SV nghèo từ các tỉnh, thành khác lên TP.HCM. Để có thể tiếp tục đeo đuổi con đường đại học (ĐH) của mình, nhiều SV phải tự tìm kế sinh nhai bằng nhiều cách. Nhưng không phải SV nào cũng may mắn tìm được việc làm phù hợp với mình. Nhiều lúc gia đình chưa gửi tiền kịp, SV phải đi vay tiền lo chi tiêu hằng ngày, nộp tiền học phí. Trong một lần mượn tiền của bạn bè để nộp tiền học phí, đến hẹn nhưng Bình (một trường ĐH ở Q.5) vẫn không có tiền trả. Bị bạn bè đòi nợ, Bình tìm mọi cách xoay xở nhưng không được. Được bạn bè giới thiệu trên mạng có một người tên C. chuyên cho SV vay tiền không cần tài sản thế chấp mà chỉ cần thẻ SV; dù biết lãi suất cao hơn nhiều so với tiệm cầm đồ nhưng do không có tài sản giá trị nào cầm cố nên không còn cách nào khác, Bình đã tìm đến địa chỉ của C. để vay “nóng”. Địa điểm cho vay của C. là một quán cà phê nằm trong hẻm 135 Trần Hưng Đạo (Q.1, bên hông KTX của ĐH Kinh tế và ĐH Khoa học tự nhiên).

Khoảng giữa tháng 10.2010, Bình tìm đến chỗ C. xin vay tiền. Thấy Bình đi qua đi lại, lơ ngơ trước quán, có 2 thanh niên ngồi trong quán cà phê, mặt bặm trợn, gọi vào hỏi: “Mày muốn vay tiền phải không?”. Lần đầu đi vay tiền nên Bình cũng hơi sợ, gật đầu nhẹ. 2 thanh niên dắt Bình vào bên trong quán. Một trong 2 thanh niên nói giọng Bắc tự xưng tên C., là chủ cho vay tiền ở đây.

C. đến bàn làm việc mở cuốn sổ ra ghi tên tuổi, tên trường...; đồng thời mở máy vi tính gõ lóc cóc… Bình chưa kịp ngồi xuống ghế, C. đã lớn tiếng: “Mày vay tiền làm gì? Vay bao nhiêu?”.  Bình vừa định trả lời thì C. nói tiếp: “Thôi. Kệ mày. Tao không cần biết. Miễn sao trả cho tao là được. Tao biết thẻ SV này chẳng có giá trị gì nhưng phải biết đường trả nếu không sẽ đánh mất tương lai”. Sau khi giáo huấn một hồi, C. hướng dẫn cho Bình làm thủ tục vay khá là đơn giản… Bình giao cho C. 1 thẻ SV, 1 giấy xác nhận của nhà trường SV đang theo học tại trường năm 2010, 1 giấy CMND để vay 5 triệu đồng. 

Dọa chặt chân, chặt tay

Giấy nhận tiền mà SV tự viết - ảnh: Đàm Huy

Sau khi nhận đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu, C. lấy một tờ giấy in sẵn nội dung với tựa đề Giấy nhận tiền trong hộc tủ ra đưa cho Bình và yêu cầu Bình chép nội dung theo mẫu giấy này sang một tờ giấy khác, rồi ký tên vào. Nội dung đại loại của tờ giấy nhận tiền là: Bình bán chiếc máy vi tính xách tay nhãn hiệu HP cho C. với giá ưu đãi của SV là 5 triệu đồng. Bình hẹn 30 ngày sau phải giao chiếc máy tính cho C., nếu không giao máy thì phải trả lại số tiền 5 triệu đồng. Đoạn cuối của giấy xác nhận này, C. yêu cầu Bình cam kết: “Tôi xin cam đoan những gì tôi viết trên là sự thật. Nếu có gì sai tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và nhà trường”. Viết xong, Bình đưa giấy nhận tiền này cho C. giữ, rồi Bình nhận 5 triệu đồng với lãi suất kinh hoàng là 1 triệu đồng/7 ngàn đồng/ngày (tương đương 21%/tháng). Theo quy định của đường dây cho vay này, con nợ phải đến nộp tiền lãi 3 lần trong vòng 1 tháng (ngày 10, 20, 30). Trước khi về, C. vừa nhắn nhủ vừa dọa Bình: Đến ngày hẹn mà không mang tiền đến nộp, C. sẽ gọi điện thoại về cho gia đình thông báo. Nếu gia đình không có trách nhiệm, C. sẽ cho người đến chặt chân, chặt tay… Sau khi đóng được một đợt lãi (sau 10 ngày), Bình mang 5 triệu đồng đến chuộc lại thẻ SV, nhận lại giấy nhận tiền của Bình viết trước đó. 

Một trường hợp khác, cần gấp tiền nộp học phí và trả nợ do để mất xe bạn, Tú mượn 2 thẻ SV của bạn đang theo học ở 2 trường ĐH ở TP.HCM đến C. vay 11 triệu đồng. Cuối tháng 11.2010, Tú không có tiền chưa kịp trả. Lập tức, C. gọi điện thoại cho Tú liên tục chửi xối xả, đe dọa đủ thứ… C. hét lớn trong điện thoại: “Đ.M. Mày lo mà kiếm tiền đóng cho tao, đừng để bố mày điên lên nhé”. Chúng tôi tự xưng là người nhà của Tú gọi điện cho C. xin khất nợ, để dò xét thái độ của C. Không để chúng tôi nói nhiều, C. đã quát: “Thằng Tú đâu rồi. Tao chẳng biết mày là ai nhé. Có vay phải có trả. Bát cơm của tao không có ai đá được đâu. Đừng để đến lúc tao làm gì quá đáng. Đến kỳ sau, phải nộp tiền cho tao nhé. Nếu thích để càng lâu thì lãi càng nhiều”. Hiện Tú đang được một người chị công tác tại TP.HCM đóng lãi giùm; chứ thực chất Tú đã mất khả năng chi trả từ lâu. Theo Tú, có ít nhất cả trăm SV cũng cắm thẻ SV vào đường dây của C. vay tiền; bởi vì những lúc vào đóng tiền lãi, Tú đã tận mắt chứng kiến C. cầm cả xấp thẻ SV trên tay.

Trong quá trình tiếp xúc với chúng tôi, từ lời nói cho đến cử chỉ, C. như một “đầu gấu” chính hiệu. Lời lẽ của C. cho thấy anh ta đang dựa dẫm vào một thế lực “đen” nào đó để hoạt động “nghề nhạy cảm” cho vay với lãi suất chẳng thua kém gì bọn cho vay nặng lãi chuyên nghiệp. Thế nhưng C. luôn miệng cho rằng, mình đang “giúp đỡ” SV, đang mở con đường “đi tới” cho những SV đang đối mặt với cảnh cháy túi. C. huênh hoang với SV: đường dây cho vay của C. rất quy mô, không ai dám “đụng” đến. 

Chúng tôi quyết định xâm nhập vào tận sào huyệt của đường dây cho vay này.

Đàm Huy

* Vì sự an toàn của SV, chúng tôi đã thay đổi tên của các nạn nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.