Đưa chuyên cơ đón lao động Việt Nam về nước

01/03/2011 00:49 GMT+7

* PV Thanh Niên có mặt trên chuyên cơ cất cánh lúc 1 giờ sáng nay * Thuê máy bay quân sự, tàu biển đưa lao động rời khỏi Libya 1 giờ sáng nay, máy bay của Vietnam Airlines (VNA) cất cánh tại sân bay Nội Bài để sang Ai Cập đón lao động (LĐ) VN về nước. Thông tin chính thức được đưa ra chiều qua 28.2, tại cuộc họp Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề công dân VN ở Libya (BCĐ).

Thứ trưởng thường trực Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thanh Hòa sẽ dẫn đầu đoàn công tác này, theo máy bay đón LĐ về nước. Theo đề nghị của Sứ quán VN tại Ai Cập, trên chuyến bay này sẽ kèm theo 8 tấn lương thực, thực phẩm bao gồm: bánh chưng, lương khô, sữa, nước, quần áo ấm... Toàn bộ lương thực, thực phẩm sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho các LĐ tại sân bay và chuyển đến cửa khẩu Saloum - nơi có hàng ngàn LĐ VN đang chịu cảnh đói, rét. Dự kiến, sau 2 tiếng hạ cánh xuống sân bay Cairo, máy bay sẽ đưa 335 LĐ Việt Nam về nước.

Gần 8.200 lao động đã và đang rời khỏi Libya

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, tính đến chiều 28.2, có 8.161 LĐ VN đã và đang rời khỏi Libya. Trong đó, số LĐ đã về đến VN là 973; hơn 4.600 LĐ đã sang đến nước thứ 3. Dự kiến, ngày 3.3 tới sẽ có thêm 1.000 LĐ nữa về tới VN.

Thuê máy bay quân sự, tàu biển

Tại cuộc họp BCĐ, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước, cho biết hiện còn khoảng 4.000 LĐ đang ở sâu trong đất liền của Libya, trong đó có khoảng 2.000 người cũng đã có kế hoạch sơ tán khỏi Libya trong vòng 2 - 3 ngày tới. Số LĐ chưa được chủ sử dụng LĐ di tản, hiện tập trung tại Benghazi và một số TP khu vực phía đông Libya (TP Al Qubah và TP Darnah) đã có thể mua được thức ăn, vì TP này đang do phe biểu tình kiểm soát nên các cửa hàng bán lương thực, thực phẩm mở cửa trở lại. “Tại Tripoli vẫn còn hàng trăm LĐ trong vùng nguy hiểm. Khó khăn nhất hiện nay là chủ thầu đã về nước. Thêm vào đó, phương tiện vận tải tại Libya thiếu nên LĐ rất khó khăn trong việc di chuyển”, ông Quỳnh cho biết.

Chủ động giải quyết chính sách để lao động không gặp khó khăn

Trước mắt, theo chỉ đạo của Thủ tướng, sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng cho các LĐ về quê. Thông tin để các LĐ yên tâm, cho tới khi đưa hết LĐ về nước chúng ta sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật và các hợp đồng LĐ để có chính sách hỗ trợ và bồi thường. Chúng ta cố gắng để người LĐ trở về từ Libya không gặp khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là những vừa sang được vài tháng chưa có thu nhập phải quay về. Những người mới vay tiền sang Libya được 1 - 2 tháng, tới thời điểm này chưa ngân hàng nào đòi nợ, song chúng ta đều phải chủ động chỉ đạo giải quyết chính sách cho người LĐ để họ không gặp khó khăn, thiệt thòi. (Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân)

Thu Hằng (ghi)

Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu LĐ VN, thông tin hiện còn 500 LĐ do Công ty Vinaconexmec và Công ty Việt Thắng đưa đi đang gặp khó khăn tại thủ đô Tripoli. Phía chủ thầu Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ về nước, trong khi LĐ bị cướp hết lương thực và có nguy cơ bị bỏ đói trong những ngày tới. Ông Trào kiến nghị: “Với những LĐ đã ra khỏi Libya, chúng ta có thể đưa về VN chậm một nhịp, nhưng những LĐ đang ở vùng nguy hiểm, đối tác đùn đẩy trách nhiệm thì cần phải có phương án giải cứu nhanh chóng. Trước mắt, cần phải chỉ đạo sứ quán gặp gỡ đối tác xử lý thấu tình đạt lý. Sau đó, nên tính phương án thuê tàu biển hoặc phà cho LĐ ra khỏi Libya”.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Phó trưởng BCĐ, đánh giá hiện có một số chủ thầu tại Libya đã bỏ LĐ, một số khác không nắm rõ thủ tục nên không thể tổ chức cho LĐ di tản. Đã có đối tác sử dụng LĐ VN bỏ mặc LĐ khi thấy Chính phủ VN đưa máy bay sang đón. “Về trách nhiệm, họ phải mua vé máy bay cho LĐ nước ngoài về nước an toàn. Quan điểm của chúng ta là không “mặc cả”, không trông chờ vào đối tác, các doanh nghiệp trong nước phải tích cực đàm phán với đối tác lo cho các LĐ ăn uống và lo vé cho họ về nước”, bà Ngân nói và chỉ đạo: “Tổ công tác đi Ai Cập sẽ nắm tình hình, tập hợp số LĐ này lại để tìm cách thuê tàu biển hoặc máy bay quân sự đưa ra khỏi Tripoli. Với số LĐ còn ở Libya khó khăn về lương thực, thực phẩm sẽ đề nghị IOM (Tổ chức Di dân quốc tế) giúp đỡ”.

Bà Ngân cũng đề nghị Bộ Ngoại giao giúp BCĐ quan hệ với IOM, các nước ASEAN, ASEAN+3, đặc biệt là những nước có đông người LĐ ở Libya như: Thái Lan, Trung Quốc... giúp VN trong việc di tản công dân ra khỏi Libya. Bộ trưởng Ngân yêu cầu ngay sau khi sang tới Ai Cập, VNA tiếp tục đưa máy bay thứ 2 sang Tunisia đón LĐ vào ngày 1.3. Chuyến tiếp theo có thể sẽ là Hy Lạp.

 
Lao động từ Libya về sân bay Nội Bài sáng 26.2 - Ảnh: Minh Sang

Theo BCĐ, trong ngày hôm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã bố trí 2 máy bay hỗ trợ đưa LĐ VN về nước. Hiện Bộ Ngoại giao đang làm việc với các nước có đường bay từ Thổ Nhĩ Kỳ đến VN để máy bay cất cánh trong thời gian sớm nhất.

Còn nhiều người trong vùng nguy hiểm

Trong một diễn biến khác, sau khi Thanh Niên ngày 28.2 đăng tải thông tin gần 150 LĐ bị mắc kẹt ở sa mạc Libya, trong ngày đường dây nóng của báo tiếp tục nhận được điện thoại kêu cứu của LĐ từ Libya.

BIDV ủng hộ 3 tỉ đồng

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) đã đăng ký với Bộ LĐ-TB-XH về việc ủng hộ 3 tỉ đồng để sơ tán lao động VN ở Libya. Đây là số tiền do 15.000 cán bộ - công nhân viên của BIDV quyên góp. BIDV cũng đề nghị MTTQ  nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ khẩn cấp người VN ở nước ngoài để ứng cứu trong các trường hợp tương tự như ở Libya.

N.Sơn

Anh Nguyễn Văn Xuyên, quê ở Phú Xuyên, TP Hà Nội, là người do Công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona) đưa đi, điện thoại về cho biết đang có khoảng 110 LĐ VN mắc kẹt tại một khu vực cách thủ đô Tripoli khoảng 500 - 600 km. Đây là nhóm LĐ thuộc nhiều nhà thầu khác nhau, trong những ngày qua đã di tản tập trung về một chỗ. “Khoảng 4 ngày gần đây, chúng tôi phải ăn bánh mì khô và nước, thức ăn rất khan hiếm. Xung quanh khu vực này người ta biểu tình nhiều, có rất nhiều tiếng súng nổ nên anh em không dám ra ngoài”, anh Xuyên nói. Cũng theo anh Xuyên, đa số các LĐ ở đây đều làm việc cho các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu hết LĐ người Thổ đã rời khỏi Libya.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, ông Đoàn  Đại Thành, Chủ tịch HĐQT Sona, xác nhận tình trạng LĐ VN bị mắc kẹt giữa sa mạc ở Libya như Thanh Niên ngày 28.2 phản ánh là có thật. Các LĐ này đều là người của Sona đưa đi, tổng số chính xác là 140 người, làm việc trong lĩnh vực xây dựng cho nhà thầu Tagieco của Hy Lạp.

 “Ngay khi xảy ra sự cố ở Libya, chúng tôi đã trao đổi với phía chủ sử dụng, xúc tiến các biện pháp bảo vệ an toàn cho LĐ VN. Cũng phải nói rằng, trong thời gian đầu thì tình hình biểu tình, bạo động không ảnh hưởng đến địa điểm anh em làm việc nên nhà thầu cho rằng để LĐ tiếp tục làm việc. Tuy vậy, khi bạo động lan rộng, anh em công nhân mới hoang mang, một số người đã có nguyện vọng về nước. Chúng tôi vừa tiếp tục có ý kiến với nhà thầu và họ đồng ý, nếu anh em nào có nguyện vọng về nước thì đối tác sẽ bố trí cho họ rời khỏi biên giới Libya một cách sớm nhất. Nếu người nào có nguyện vọng ở lại thì sẽ xem xét để họ ở lại. Mặc dù vậy, quan điểm của Sona là vẫn mong muốn nhà thầu phải tìm bằng mọi cách đưa LĐ sớm nhất rời khỏi Libya”, ông Thành cho hay.

PV Thanh Niên có mặt trênchuyên cơ sang Ai Cập

Đến 23 giờ 30 đêm qua, mọi thủ tục cũng như các công việc cần thiết cho chuyến bay của VNA sang Ai Cập đón LĐ VN về nước đã sẵn sàng. Chuyến bay đặc biệt này cất cánh lúc 1 giờ sáng nay và sẽ vượt qua hành trình 11 tiếng đồng hồ để đến sân bay quốc tế Cairo (Ai Cập). Loại máy bay được sử dụng trong chuyến này là Boeing 777, có thể chở 324 người.

Trước chuyến bay (VN 6568) , Tổng giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh đã có buổi họp với đoàn đi Lybia, trên tinh thần sẽ bằng mọi cách đưa người lao động VN hồi hương với số lượng tối đa có thể trong sự an toàn tuyệt đối.

PV Việt Phương của Báo Thanh Niên có mặt trên chuyến bay này và sẽ chuyển đến độc giả thông tin về tình hình cũng như nỗ lực đưa những LĐ mắc kẹt tại Lybia và Ai Cập về nước. Thông tin sẽ được cập nhật trên cả Báo Thanh NiênThanh Niên Online.

Việt Phương

Thu Hằng - Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.