Động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2: Chưa cho tích nước, để tính tiếp

17/11/2012 03:45 GMT+7

Cả người dân, chính quyền địa phương cùng một số chuyên gia băn khoăn trước con số 4,7 độ Richter của trận động đất xảy ra vào hôm 15.11. Luồng ý kiến này cho rằng, phải tương đương 6,5 độ Richter.

Đến con số cũng không thống nhất

PGS-TS Phạm Hữu Sy (Trường ĐH Thủy lợi), chuyên gia Hội đồng nghiệm thu nhà nước trước cuộc họp giữa đoàn công tác Bộ Xây dựng với chính quyền tỉnh Quảng Nam do Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chủ trì vào hôm qua 16.11, phân tích: “Gia tốc nền 268 cm/s2 phải tương đương 6,5 độ Richter. Nếu tra theo thang MSK thì động đất phải là cấp 9 gây biến dạng bề mặt mặt đất. Con số 268 là có vấn đề…”.

Đập Sông Tranh 2 
Người dân lo lắng, kéo nhau lên đập thân Sông Tranh 2 để quan sát - Ảnh: Hoàng Sơn

 

Nhiều nhà khoa học nói 4,6 độ Richter, thế bây giờ đã 4,7 độ Richter thì còn những gì ở phía trước nữa (?)

Ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay xảy ra vào chiều ngày 15.11 khiến H.Bắc Trà My rung chuyển. Không những vậy, nhiều nơi ở Quảng Nam và các huyện lân cận Quảng Ngãi cũng có thể cảm nhận rất rõ các rung chấn trận động đất này. Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, cũng cho biết: “Máy đo gia tốc đo được 268 cm/s2, ứng với thông số này trận động đất sẽ có cường độ mạnh hơn 4,7 độ Richter. Ở đây, số liệu có sự mâu thuẫn”.

Nhiều người dân sinh sống sát  tâm chấn tại thôn 6, xã Trà Tân cho biết, trận động đất lần này phát ra tiếng nổ to, kéo theo rung chấn khá lâu. Chị Đinh Thị Xách (25 tuổi) kể: “Trước khi xảy ra động đất, con gái tôi là Mai Thị Thanh Tâm (3 tuổi) đang ngủ. Khi xảy ra động đất, con gái tôi giật mình tỉnh dậy, đến khi tôi vào bế cháu thì cháu đã ngất lịm đi vì quá sợ hãi”. Theo chị Xách, chưa bao giờ chị thấy mặt đất cuộn lên dữ dội như thế, mọi thứ trong nhà cũng chao đảo. Ông Nguyễn Thế Tài, Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My nói: “Tôi còn không dám tin, không an tâm huống chi là dân. Động đất mạnh kiểu này làm sao mà tuyên truyền, an dân cho được”.

Trước đó, vào tối ngày 14.11, hồ nuôi cá của ông Hồ Thanh Hà (thôn 2, xã Trà Giang) bỗng dưng vỡ ngang giữa bờ đập, gây thiệt hại gần 200 triệu đồng. Theo ông Hà, trước khi đập vỡ đã có nhiều rung chấn nhẹ xảy ra liên tiếp trong nhiều ngày.

Ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói: “Nỗi lo lắng động đất bây giờ là nỗi lo của 48.000 hộ dân sống tại 5 huyện, đặc biệt là H.Bắc Trà My. Tôi băn khoăn trước con số gia tốc 268 cm/s2 với cường độ 4,7 độ Richter nên cơ quan khoa học cần phản biện để làm rõ thông tin. Nhiều nhà khoa học nói 4,6 độ Richter (trước đó, một đoàn nghiên cứu độc lập của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam kết luận động đất cao nhất là 4,6 độ Richter và chỉ còn dư chấn nhỏ hơn - PV), thế bây giờ đã 4,7 độ Richter thì còn những gì ở phía trước nữa (?)”.

Có thể vĩnh viễn không tích nước

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho hay, biết tin động đất mạnh xảy ra, vì không yên tâm ở Hà Nội dự họp Quốc hội nên ông đã khẩn trương trở về địa phương kiểm tra. Theo ông Hải, vấn đề động đất đã hết sức lớn vì đã ảnh hưởng của động đất thoát ra khỏi Bắc Trà My, cường độ, tác động cũng mạnh hơn. “Vấn đề ở đây không chỉ là an toàn đập nữa mà là an toàn của hàng nghìn ngôi nhà dân. Người dân tối đến không dám ngủ trong nhà nên cần phải khắc phục ngay các công trình. Nhiều nhà không chống ngay sẽ nguy hiểm”. Ông Hải đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan khẩn trương tổ chức mời các chuyên gia động đất quốc tế đến khảo sát để thực sự có câu trả lời nhằm an dân.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP tư vấn xây dưng điện 1 khẳng định, trận động đất hôm 15.11, đập không có điều gì bất thường, trận động đất này có gia tốc nhỏ hơn so với gia tốc thiết kế. Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực (EVN) nói: “EVN đã phối hợp với Viện Vật lý địa cầu lắp đặt được 3 trạm quan trắc động đất. Chúng tôi cũng sẽ lắp bổ sung thêm 2 máy đo gia tốc nền ở hai vai đập nhằm có số liệu chính xác hơn”. Đại diện cho EVN, ông Thanh cũng hứa trong tuần tới, sẽ triển khai việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng động đất.

Theo ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn. Tuy nhiên, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã báo cáo với Chính phủ chưa cho tích nước và yêu cầu chủ đầu tư và các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành đánh giá toàn diện về động đất của khu vực Bắc Trà My. Bởi động đất không chỉ liên quan đến an toàn đập mà còn liên quan đến an toàn của người dân.

Kết luận cuộc họp, ông Dũng nói: “An toàn người dân là số 1 nên phải thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng là chưa cho tích nước. Có thể là vĩnh viễn, hoặc đến một thời điểm nào đó, hoặc là tích nước đến mức nào đó vẫn an toàn thì tính sau”. Ông Dũng đề nghị, Viện Vật lý địa cầu thực hiện ngay việc mời chuyên gia của nước ngoài vào thẩm định, nghiên cứu và coi đó không chỉ là nghiên cứu khoa học mà là nhiệm vụ chính trị phải làm. Ngoài ra, chủ đầu tư cần hỗ trợ người dân theo đúng cam kết.

Hoàng Sơn

>> Sông Tranh 2 có khuyết điểm trong thi công đập ?
>> Kiến nghị lập mạng lưới cảnh báo ở đập Sông Tranh 2
>> Động đất ở Sông Tranh 2 tiếp tục gây bất an
>> Cần giải trình trước Quốc hội về an toàn đập Sông Tranh 2
>> Kiểm định an toàn đập Sông Tranh 2 hằng năm
>> Khánh thành trạm quan trắc động đất tại thủy điện Sông Tranh 2
>> Bàn cách ứng phó động đất ở thủy điện sông Tranh 2

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.