Đổi mới chính quyền địa phương

20/08/2013 03:30 GMT+7

Hôm qua 19.8, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội (VPQH) đã tổ chức hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.

Trình bày kết quả nghiên cứu về chính quyền địa phương, kèm theo một số khuyến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 của nhóm nghiên cứu tại hội thảo, Phó giám đốc Trung tâm thông tin thư viện (thuộc VPQH) Hoàng Minh Hiếu cho biết, các ý kiến tham gia khảo sát đều cho rằng việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương thời gian tới là “rất cần thiết” và đề nghị vẫn cần có mô hình chính quyền địa phương được tổ chức theo cả 3 cấp gồm tỉnh, huyện và xã đối với các đơn vị hành chính lãnh thổ có đặc tính nông thôn.

 

Không kiêm nhiệm

Kết quả khảo sát do VPQH chủ trì thực hiện có sự tham gia của 800 người, bao gồm đại biểu HĐND, thành viên UBND và cán bộ, công chức đang làm việc tại HĐND và UBND các cấp, người dân 5 địa phương chọn điểm theo phương pháp ngẫu nhiên, trong đó có TP.HCM. Một trong những khuyến nghị được đưa ra là Hiến pháp nên quy định đại biểu HĐND không được kiêm nhiệm các chức danh trong các cơ quan hành chính ở địa phương, các chức danh trong các cơ quan tư pháp, quân đội, công an.

“Khoảng 60% ý kiến đồng tình với kiến nghị cần có cách thức quy định phân biệt giữa chính quyền địa phương ở đô thị và ở nông thôn do có sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị về chức năng, nhiệm vụ, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, mức sống, phong tục tập quán, ngành nghề của cư dân... Riêng đối với cấp huyện, chỉ có 9,7% số cán bộ công chức được hỏi cho rằng nên tổ chức HĐND ở cấp này”, ông Hiếu dẫn chứng.

Đối với việc hình thành chức danh chủ tịch UBND ở cả 3 cấp, kết quả khảo sát cho thấy người dân cho rằng chủ tịch UBND (người đứng đầu cơ quan hành chính) cấp xã và huyện nên do người dân bầu trực tiếp.

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đề xuất 2 phương án về mô hình chính quyền địa phương. Theo đó, với phương án 1, để phân biệt chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn, ở các tỉnh, chính quyền địa phương có 3 cấp, trong đó mỗi cấp có HĐND và cơ quan hành chính.

Ở TP lớn trực thuộc T.Ư có cả quận và huyện, không thiết lập HĐND ở quận, nhưng vẫn cần thiết lập HĐND huyện và xã, phường. Người đứng đầu cơ quan hành chính cấp xã, thị trưởng thành phố/thị xã do người dân bầu trực tiếp. Phương án 2 là việc thành lập chính quyền địa phương các cấp do luật định.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng, về mô hình chính quyền địa phương, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đưa ra 3 phương án, thêm một phương án khác Chính phủ đề nghị là 4. Điều đơn giản nhất là Chính phủ sớm tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Nếu chứng minh được bỏ có lợi hơn thì bỏ hết, và ngược lại. Chỉ cần bổ sung thêm mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn nữa là hoàn chỉnh.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.