Đình làng Việt thờ vua Chăm

02/10/2015 09:12 GMT+7

Người dân làng Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn, H.Ninh Sơn (Ninh Thuận) lập đình làng thờ vị Thần Hoàng có công xây dựng hệ thống dẫn thủy nhập điền.

Người dân làng Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn, H.Ninh Sơn (Ninh Thuận) lập đình làng thờ vị Thần Hoàng có công xây dựng hệ thống dẫn thủy nhập điền.

Đình làng Đắc Nhơn - Ảnh: Thiện Nhân Đình làng Đắc Nhơn - Ảnh: Thiện Nhân
Làng Đắc Nhơn nằm cách TP.Phan Rang - Tháp Chàm chừng 9 km về phía tây, người dân (chủ yếu người kinh) sinh sống bằng nghề nông và chăn nuôi. Đình Đắc Nhơn nằm giữa trung tâm ngôi làng, xây dựng vào năm 1789, đến năm 1852 trùng tu lại và được người dân địa phương giữ gìn cho đến hôm nay. Năm 1999, Bộ VHTT công nhận đình làng Đắc Nhơn là Di tích lịch sử Quốc gia.
Thờ vị vua Pô Klông Girai
Đình làng Đắc Nhơn là một trong những ngôi đình cổ ở Ninh Thuận, có giá trị văn hóa, lịch sử hết sức độc đáo. Về sắc phong, hiện còn lưu giữ được 8 sắc phong của các vua triều Nguyễn, lâu nhất là sắc phong của vua Minh Mạng (1840) và gần nhất là vua Khải Định (1924). Nhà nghiên cứu văn hóa Đình Hy, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Ninh Thuận, cho biết phía tây tỉnh Ninh Thuận có hai đập nước cổ Nha Trinh và Lâm Cấm lấy nước từ sông Dinh để tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp do đồng bào Chăm xây dựng, mà tác giả của công trình này là vị vua Pô Klông Garai. Sau này hệ thống thủy lợi được nâng cấp, mở rộng tưới tiêu cho nhiều diện tích ở các cánh đồng phía tây Ninh Thuận. Theo ông Đình Hy, quá trình khai khẩn, làm ăn đã thừa hưởng những thành quả của hệ thống dẫn thủy nhập điền cổ của đồng bào Chăm nên người dân Đắc Nhơn xây dựng đình làng thờ cúng và tôn xưng Pô Klông Garai là Thần Hoàng của làng mình, để tỏ lòng ghi nhớ công ơn. Cũng như nhiều đình làng khác ở các tỉnh duyên hải miền Trung họ lập đình làng thờ các bậc tiền hiền khai khẩn để ghi nhớ công lao lập, nhưng người dân làng Đắc Nhơn lại thờ vị vua Chăm có công xây dựng hệ thống thủy lợi, giúp cho họ có cuộc sống ấm no. Đây là một biểu hiện ứng xử đặc biệt, phù hợp với tính cách, tâm thế của người Việt Nam.
Người đứng tế lễ phải kiêng cử
Ông Nguyễn Được (80 tuổi), người có hơn 14 năm trông coi đình làng Đắc Nhơn cho biết, hàng năm người dân địa phương đều tổ chức các lệ cúng theo xuân kỳ thu tế. Mùa xuân thì tế lễ cầu quốc thái dân an, cầu cho đời sống no ấm, mùa màng bội thu; mùa thu tháng 8 âm lịch là ngày tế chính. Theo ông Được, lễ vật dâng lên Thần Hoàng là hoa quả, trầu rượu, vịt, dê, heo. Trong đó, dê, heo phải là con đực, cùng một màu hoặc đen, hoặc trắng hoàn toàn; xôi chè nếp phải trắng không pha lẫn đậu đen. Trong ngày đại lễ, người đứng tế lễ phải là người có uy tính, kiêng ăn thị bò nhiều ngày trước. Vị chủ tế không được sinh hoạt vợ chồng trước 3 ngày diễn ra tế lễ. Nếu trong thời điểm này, người nhà của vị chủ tế có tang thì phải thay người khác và phụ nữ không được vào hậu tẩm thờ cúng. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Đình Hy, không riêng gì các vị chủ tế, dân làng chỉ được giết mổ dê, vịt, heo tuyệt đối không được mổ hoặc mua thịt bò để cúng tế, vì rằng vua Pô Klông Garai là người Chăm Bà la môn giáo, bò là vật cỡi của thần Siva, nên phải kiêng thịt bò.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.