Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM

09/01/2010 01:33 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ ngày 6.1 đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025.

Về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, theo quy hoạch điều chỉnh, hệ thống giao thông đối ngoại của TP gồm có 3 đường bộ cao tốc đô thị (3 đường vành đai) và các trục hướng tâm: TP.HCM  - Biên Hòa - Vũng Tàu; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; QL1K - Bình Phước; TP.HCM - Mộc Bài; TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ; QL1 phía Tây; TP.HCM - Long An (tỉnh lộ 10) và TP.HCM - Gò Công (QL50).

Đường sắt quốc gia đoạn Trảng Bom - Bình Triệu sẽ được cải tạo, nâng cấp, trong đó xây dựng tuyến tránh Biên Hòa về phía nam và xây dựng mới đoạn đường sắt trên cao (hoặc đi ngầm) Bình Triệu - Hòa Hưng - Tân Kiên; xây mới 2 tuyến đường sắt đi Biên Hòa và Lộc Ninh; tuyến đường sắt đôi điện khí hóa cao tốc TP.HCM - Nha Trang kết nối tại ga Thủ Thiêm dự kiến. Xây dựng mới tuyến đường sắt chuyên dụng từ đường sắt quốc gia tới cảng Cát Lái và Hiệp Phước.

Về giao thông đối nội của TP, sẽ xây dựng 4 tuyến đường trên cao; xây mới 19 chiếc cầu vượt sông Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Thị Vải (trong đó bổ sung cầu Bình Quới, Thanh Đa sang P.Hiệp Bình Chánh - Q.Thủ Đức); xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn (gồm hầm đường bộ và hầm metro); xây dựng các bến xe tải chuyển tiếp hàng hóa ở các cửa ngõ ra vào TP; xây dựng các bãi xe ngầm tại các công viên: Lê Văn Tám, Chi Lăng, sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá Tao Đàn, khu vực đường Nguyễn Du và Cách Mạng Tháng Tám... và các bãi đỗ xe cao tầng. Về đường sắt đô thị, sẽ kết hợp đường sắt quốc gia cho chạy tàu ngoại ô và xây dựng 2 tuyến đường sắt nhẹ: Trảng Bàng - Tân Thới Hiệp và Thủ Thiêm - Nhơn Trạch - Cảng hành không quốc tế Long Thành.

Xây dựng 6 tuyến đường sắt đô thị chuyên chở khối lượng lớn hoặc trung bình với tổng chiều dài 120 km; 3 tuyến đường sắt khác gồm  xe điện chạy trên mặt đất (tramway), đường sắt 1 ray tự động dẫn hướng đi trên cao (monorail) với tổng chiều dài 35 km. Các nhà ga đường sắt đô thị, đặc biệt là các ga ngầm và ga chuyển tàu sẽ kết hợp thành các trung tâm thương mại - dịch vụ; phát triển các tuyến đường sắt đô thị chuyên chở khối lượng lớn đến các khu cảng Hiệp Phước, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi và Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.