Đề nghị giữ lại điều 66 Hiến pháp 1992

02/03/2013 03:10 GMT+7

Nhiều ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm đã được nêu lên tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Hội Liên hiệp Thanh niên VN tổ chức tại Hà Nội sáng 1.3.

Anh Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Hội LHTN VN phát biểu: “Cá nhân tôi cho rằng, thanh niên (TN) không phải là một giới mà là một thế hệ, là chủ tương lai của đất nước. Bởi vậy, có một số điều trong Hiến pháp (HP) về TN là hết sức cần thiết”. Điểm lại HP từ năm 1946 đến nay, qua những lần sửa đổi bổ sung đều rất chú trọng và có nội dung rõ ràng về TN, về thế hệ trẻ, anh Mãi bày tỏ: “Tôi đề nghị giữ lại điều 66 về TN như trong HP 1992 và phát triển thêm nội hàm”.

Hầu hết ý kiến đại biểu tại hội thảo đều đồng tình rất cao với đề nghị trên. TS Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên của T.Ư Đoàn thẳng thắn nói: “Bỏ điều 66 như trong dự thảo là một bước thụt lùi, một khiếm khuyết về vấn đề TN. Với bất cứ quốc gia nào, thế hệ trẻ vừa là chủ nhân của tương lai, vừa là chủ nhân của hiện tại”. Từ nhận định đó, TS Miều đề nghị cần lấy lại điều 66 của HP 1992 và đưa vào điều 63, chương 3 của dự thảo sửa đổi. Tuy nhiên, theo TS Miều, nên thay từ “thanh niên” bằng cụm từ “thế hệ trẻ” vì nội dung bao quát rộng hơn, từ trẻ em đến nhi đồng, vị thành niên và TN.

 
Đại đức Thích Thanh Cường, TS Trần Ngọc Định phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Ngọc Thắng

Anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết từ khi dự thảo sửa đổi, bổ sung HP 1992 được chính thức đưa ra xin ý kiến đóng góp của nhân dân, Báo Thanh Niên đã nhận được khoảng trên dưới 100 ý kiến đóng góp hằng tháng, trong đó có một số ý kiến của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Trong số những đóng góp rất tâm huyết của các chuyên gia, các giáo sư đầu ngành, anh Thông dẫn ra ý kiến của GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. GS Phạm Minh Hạc đề xuất 10 nội dung của Điều 66 trong Dự thảo, cụ thể như: Thay “…hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân…” bằng “hình thành và phát triển con người bền vững có phẩm chất và năng lực cho thế hệ trẻ...”, vì “phẩm chất và năng lực” là nội hàm của “nhân cách” (bỏ chữ “bồi dưỡng” thay bằng “phát triển”), vì “bồi dưỡng” chỉ là “thêm thắt”, còn “phát triển” có thể có thay đổi cả về số và về chất theo hướng tăng tiến, đây cũng là một phạm trù quan trọng của giáo dục hiện đại;  thay chữ “công dân” bằng chữ “thế hệ trẻ”.

Đại diện cho TN dân tộc ít người, chị Thào Thị Thùy Linh, đại biểu dân tộc Mông tỉnh Yên Bái, Đại đức Thích Thanh Cường, Chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương cũng tha thiết đề nghị dự thảo HP sửa đổi giữ lại điều 66 của HP 1992 và đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung quan trọng có liên quan. Chị Thùy Linh đề nghị HP cần có một điều khoản cụ thể đối với TN nói chung và TN vùng đồng bào dân tộc ít người nói riêng.

TS Trần Ngọc Định (ĐH Luật Hà Nội) cho rằng có những quyền đưa vào rất mới, rất hay nhưng không biết tính khả thi đến đâu, ví dụ: công dân có quyền có nơi ở, có quyền sống trong môi trường trong lành, đó là những quyền rất khó thực hiện. Nếu cứ đưa vào mà không thể thực hiện được thì sẽ làm mất uy tín, mất sự tôn nghiêm của HP. Đồng tình với nhận định trên, TS Đỗ Vân Anh (ĐH Công đoàn) cho rằng nếu tính khả thi rất ít thì không nên đưa những nội dung như vậy vào HP và băn khoăn về nội dung trong dự thảo: “Mọi người đều có quyền được sống”. Vậy với những người bị kết án tử hình thì sao? Hay chúng ta sẽ tiến tới bãi bỏ án tử hình như một số nước?

Ngoài ra, theo PGS Bùi Thế Duy, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên VN, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư Hội LHTNVN, còn cần xem xét cả quyền được chết. Ý kiến này cũng được anh Nguyễn Bá Tĩnh, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ VN, đồng tình: “Chúng tôi chứng kiến rất nhiều những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối hay những người có bệnh hiểm nghèo khác, họ phải chịu đau đớn về mặt tinh thần và thể xác và mong muốn được chết một cách nhẹ nhàng. Do vậy, cần bổ sung vào HP quyền được tự quyết định mạng sống của mình trong quyền con người”.

TS Trần Văn Miều đề nghị nên đưa vào quyền xác định giới tính của mỗi con người. Dù đây là vấn đề nhạy cảm nhưng là thực tế không nên né tránh - TS Miều đề xuất.

Khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa

Trong bối cảnh đang có tranh chấp về biển đảo khá căng thẳng thì việc chúng ta thể hiện rõ và mạnh mẽ về chủ quyền biển, các vùng biển và quần đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong HP là công cụ đấu tranh chính trị cần thiết và thực sự có ý nghĩa không chỉ trong nước mà còn cả trên trường quốc tế. Vì vậy, tôi đề nghị cần bổ sung vào điều 2: “Chủ quyền của nước CHXHCN Việt Nam đối với đất liền, quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa, các hải đảo, vùng biển và vùng trời theo các tuyên bố của nước CHXHCN Việt Nam là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.

(Anh Trần Ngọc Định, Bí thư Đoàn trường ĐH Luật Hà Nội)

Cần hiến định mô hình chính quyền đô thị

Ngày 1.3, HĐND TP.HCM khóa 8 tổ chức kỳ họp chuyên đề lấy ý kiến đại biểu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Chương 9 của dự thảo đề cập đến chính quyền địa phương (CQĐP) thu hút nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu. Một số ý kiến cho rằng, nội dung quy định của chương này vẫn chỉ về các đơn vị hành chính lãnh thổ và về hai cơ quan (HĐND và UBND) của CQĐP, vô hình trung vẫn là quan niệm cũ: đồng nhất CQĐP với HĐND và UBND.

Bà Lê Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, đề nghị bổ sung vào chương CQĐP một điều khoản về nguyên tắc tổ chức chính quyền đô thị. Theo đó, Hiến pháp sửa đổi có thể quy định “những tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có đủ điều kiện được xây dựng chính quyền đô thị theo luật”.

Đồng tình với quan điểm này, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua cho rằng, tại sao có TP trực thuộc T.Ư, có TP trực thuộc tỉnh mà lại không có TP trong TP? Nếu chúng ta tiếp cận ở góc độ đô thị đặc biệt thì trong đô thị sẽ có chuỗi đô thị, tức là sẽ có TP trong TP.

 Nói về việc xây dựng chính quyền đô thị cho TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân khẳng định đây là mối quan tâm lớn của TP cũng như T.Ư. Tuy nhiên, ông Quân cũng thừa nhận đây là vấn đề rất đau đầu. “Hiện nay chúng ta có gần 800 đô thị các loại, nhưng cơ cấu quản lý đô thị bền vững thì vẫn chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, cần phải có một cơ sở xây dựng luật và các chế định đặc thù cho quản lý đô thị”, ông Quân nói.

Đình Phú - Nguyễn Tập

Tuệ Nguyễn - Thu Hằng

>> Đoàn viên thanh niên góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Quyền công dân, vai trò của người trẻ
>> Góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
>> Toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
>> Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.