Đề nghị Chính phủ rà soát bãi bỏ một số khoản phí gây bức xúc

26/05/2015 11:43 GMT+7

(TNO) Đây là đề nghị của Ủy Tài chính Ngân sách của Quốc hội trong Báo cáo thẩm tra về Dự án luật Phí và lệ phí trình bày trước Quốc hội sáng nay 26.5.

(TNO) Đây là đề nghị của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội trong Báo cáo thẩm tra về Dự án luật Phí và lệ phí trình bày trước Quốc hội sáng nay 26.5.

phung-quoc-hienChủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết Ủy ban này đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, có thể bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí - Ảnh: Ngọc Thắng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự án luật Phí, lệ phí, cho biết Pháp lệnh phí và lệ phí được ban hành ngày 28.8.2001 và có hiệu lực thi hành từ 1.1.2002.
Trong 13 năm thực hiện pháp lệnh đã giúp tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước: Năm 2012 là 29.112 tỉ đồng, bằng 3,9% tổng thu ngân sách; năm 2013 là 31.271 tỉ đồng, bằng 3,8% tổng thu ngân sách; năm 2014 là 33.271 tỉ đồng, bằng 3,99 tổng thu ngân sách.
Theo Chính phủ, bên cạnh một số kết quả nêu trên, một số quy định của pháp luật phí, lệ phí đến nay không còn phù hợp, vì vậy cần thiết ban hành luật Phí và lệ phí.
Trình Báo cáo thẩm tra dự án luật này tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí như Tờ trình của Chính phủ, chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật Phí và lệ phí để thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ, vì các khoản thu này đã được quy định tại luật Khám bệnh, chữa bệnh và luật Giá.
Theo đó, viện phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá, nhằm khuyến khích đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, đây là các lĩnh vực tác động mạnh đến đời sống của mọi tầng lớp dân cư, do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ với Quốc hội về lộ trình, cơ chế quản lý và tác động xã hội đối với nội dung này.
Đối với lệ phí trước bạ, Ủy ban Tài chính Ngân sách đồng tình với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, đi kèm với thu lệ phí trước bạ, Nhà nước cần thực hiện việc xác lập quyền sở hữu và sử dụng về tài sản của công dân.
Tuy nhiên, do cơ chế thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi và xe gắn máy hiện nay vẫn quy định mức thu theo tỷ lệ khác nhau giữa các địa phương, dẫn đến thiếu thống nhất về mức thu, chưa bình đẳng về nghĩa vụ của công dân trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị cần quy định tỷ lệ thu về một mức đối với từng loại tài sản để đảm bảo tính thống nhất, hợp lý đối với khoản thu này.
Cũng có ý kiến khác trong cơ quan thẩm tra đề nghị giữ quy định như hiện hành, vì lệ phí trước bạ ngoài mục đích xác nhận quyền sở hữu về tài sản của công dân còn là công cụ quản lý và điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước nhằm hạn chế số lượng ô tô, xe máy tại các thành phố và đô thị lớn.
Đối với phí và lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, dự thảo Luật quy định, cơ quan ngoại giao Việt Nam thực hiện thu ở nước ngoài là thu phí, ở trong nước là thu lệ phí. Nhấn mạnh việc quy định như dự luật chưa cụ thể, chưa rõ về nội hàm giữa khoản thu ở trong nước và ngoài nước “là không hợp lý và thiếu thống nhất”, nên cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần quy định chi tiết, đảm bảo thống nhất các khoản thu áp dụng cho cơ quan ngoại giao, xác định rõ khoản thu nào là phí, khoản thu nào là lệ phí để đảm bảo thống nhất, rõ ràng trong hệ thống pháp luật.
Ngoài một số các khoản phí, lệ phí nêu trên, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, có thể bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có số thu thấp, chi phí hành thu cao; một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân, như phí sử dụng lề đường, lòng đường, vỉa hè, phí giao thông đối với xe gắn máy..., nhằm giảm thủ tục hành chính, chi phí hành thu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.