Dạy bơi đâu khó

23/09/2012 03:21 GMT+7

Mùa mưa đang vào cao điểm. Miền Tây, nước nổi dâng lên từng ngày. Miền Trung, miền Bắc lũ về đột ngột. Nhiều người chết đuối vì lũ cuốn, té sông, té hồ. Đa phần chết vì không biết bơi.

Gần đây nhất là vụ 8 học sinh Trường THCS An Mỹ chết đuối tại hồ Tuy Lai, H.Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 12.9. Lạ là đất nước có bờ biển dài và nhiều sông, rạch, ao, hồ mà tỷ lệ người biết bơi rất thấp. Báo chí và dư luận xã hội nhiều lần đã cảnh báo nguy cơ gia tăng tai nạn vì không biết bơi.

Nhiều người cho rằng trách nhiệm này trước hết thuộc ngành giáo dục. Bộ GD-ĐT đã đưa chương trình thí điểm dạy bơi vào trường tiểu học từ 2011 - 2015 và gặp khó khăn tứ phía. Có vị lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng “Dạy bơi khó hơn dạy chữ?”. Rồi thiếu hồ bơi, sợ trách nhiệm, thiếu tiền, thiếu thời gian... Cứ thế này thì sẽ còn chết đuối dài dài vì chưa biết bắt đầu từ đâu. Nếu chỉ trông chờ vào ngành giáo dục thì vô phương, bởi ngành đang quá tải và thiếu thốn đủ thứ. Chưa kể tâm lý “đi tắt đón đầu” và làm ngược quy trình. Trước khi xóa mù bơi cho học sinh, phải xóa mù bơi cho giáo viên. Hoàn toàn có thể đưa bơi vào môn học bắt buộc ở các trường sư phạm, các trường đoàn thể, các trường du lịch... Làm từ gốc, kiểu “nảy mầm rồi phân nhánh”. Chứ không thể chỉ “tập huấn cho giáo viên thể dục” như hiện nay. Hoàn toàn có thể đưa bơi vào tiêu chí ưu tiên khi tuyển dụng giáo viên, cán bộ đoàn thể và hướng dẫn viên du lịch…

Bơi là kỹ năng sống cực kỳ quan trọng bên cạnh sơ cấp cứu. Học bơi để tự cứu mình và biết cứu người. Do vậy, nhà nước và nhà trường sẽ tạo điều kiện tối đa, còn phụ huynh mới là người quyết định. Làm sao để mọi người đều nhận thức rằng “Phải cho con em mình học bơi, học sơ cấp cứu trước khi học ngoại ngữ và các môn năng khiếu khác”. Cái chính ở đây là nhận thức. Ngành giáo dục mầm non và tiểu học đâu bắt học ngoại ngữ và các môn năng khiếu mà phụ huynh vẫn tự nguyện, tìm mọi cách cho con em mình học thêm đủ thứ từ lứa tuổi mẫu giáo, dù học phí cao hơn và tốn nhiều thời gian hơn? Một khi đã thấy cần thiết, cấp bách và  tạo được đồng thuận thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn.

Để học sơ cấp cứu, chỉ cần 2 buổi lý thuyết và 2 buổi thực hành. Mỗi lớp chừng 20 em và 2 giáo viên chuyên nghiệp. Học và hành nghiêm túc, chứ không học cho có, học đối phó, chạy theo phong trào. Còn để học bơi thì lâu hơn một chút. Em nào có khiếu từ 2 - 3 ngày, chậm hơn thì 4 - 7 ngày. Cá biệt mới mất vài ba tuần. Không có hồ bơi thì tận dụng sông rạch, ao hồ tự nhiên hoặc ra biển. Năm 2011, tôi đã nghe một cán bộ Trung tâm học tập cộng đồng P.Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên, An Giang giới thiệu cách xóa mù bơi rất ấn tượng. Lấy bẹ dừa, cây chuối ra bờ sông tập bơi. Học sinh tập buổi sáng, thanh niên tập buổi chiều. Mỗi nhóm chừng 30 người với 3 - 4 “huấn luyện viên”. Rồi người đi trước rước người đi sau, cứ 1 người biết bơi kèm lại 2 - 3 người mới tập. Nước chảy xiết thì lấy dây thừng giới hạn, lấy can nhựa, thùng xốp làm phao tiêu. Có thể sản xuất loại áo phao ráp để tập bơi. Ban đầu mặc nguyên áo, sau đó bỏ dần từng phần thay cho bẹ dừa, cây chuối.

Cản trở lớn nhất của việc xóa mù bơi là tư duy bao cấp, thiếu sáng tạo, ngại khó, sợ trách nhiệm. Là tính hời hợt, chưa thấy được sự cấp thiết phải học bơi của phụ huynh. Việc xóa mù bơi không quá khó nếu biết hợp lực và thật lòng muốn chấm dứt những vụ chết đuối thương tâm. Còn kinh phí, chỉ cần 10% của công trình bảo tàng quốc gia và phụ huynh góp thêm, trong 3 năm có thể xóa mù bơi cho cả nước.

Nguyễn Văn Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.