Đau đầu với “hố tử thần”

14/01/2011 00:24 GMT+7

Nhiều giải pháp ngăn chặn “hố tử thần” tại TP.HCM đã được đưa ra tại hội thảo về vấn đề này vào ngày 12.1. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, không giải pháp nào là triệt để nếu TP không tính đến chuyện quản lý chặt chẽ công trình ngầm ngay từ bây giờ.

Từ vụ taxi sụp “hố tử thần” đầu tiên trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3) gây hoang mang dư luận vào tháng 7.2010, đến nay số vụ hố sụt tại TP.HCM đã vượt con số 64. Tình trạng lún sụt liên tiếp gióng lên hồi chuông báo động về việc buông lỏng quản lý một thời gian dài khiến hệ thống công trình ngầm và sự biến đổi địa chất đã vượt khỏi tầm kiểm soát, gây những sự cố khó lường. Vừa qua, lãnh đạo TP đã yêu cầu huy động các chuyên gia, nhà khoa học tham gia điều tra, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng này.

Sự cố còn tiếp diễn

Ông Hà Ngọc Trường - Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM - lý giải nguyên nhân của hàng loạt sự cố thời gian qua là do việc thi công lắp đặt cống thoát nước không đảm bảo chất lượng; các công trình kỹ thuật ngầm hiện hữu được xây dựng qua nhiều thời kỳ, bắt đầu xuống cấp, gây rò rỉ, lún sụt. Ngoài ra, tình trạng ngập nước thường xuyên, khai thác nước ngầm tràn lan, xe quá tải… cũng làm hư hỏng kết cấu mặt đường, dẫn đến lún sụt.

 Đi sâu phân tích sự biến đổi địa chất phức tạp của TP.HCM, PGS-TS Đặng Hữu Diệp (Tổng hội Địa chất VN) cho rằng, hiện tượng “hố tử thần” được hình thành trong thời gian dài nhưng lại biểu hiện đột ngột với biên độ lớn, tạo nên những hố sâu trên mặt đường. Hiện tượng này chỉ xảy ra khi hội đủ 2 yếu tố: Một là, nền đất được cấu tạo bởi các loại đất xốp, kém chặt, độ rỗng lớn, hệ số thấm lớn (còn gọi là đất lún ướt). Hai là, có nước lưu thông trong lòng đất tạo nên các dòng chảy ngầm, khiến vật liệu trở nên mềm yếu, hạt đất mất liên kết tách khỏi khối đất, dễ bị dòng nước ngầm cuốn đi, tạo nên các hang rỗng trong nền đất, gây xói ngầm, sụt hố.

TP.HCM có nhiều khu vực được cấu tạo bởi đất lún ướt, gồm cả nội thành như quận 1, 3, 5, 6, 7, 10 lẫn ngoại thành như quận 9, 11, Thủ Đức, Hóc Môn, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè… Với cấu tạo đất này, nước ngầm lưu thông bên trong có tác dụng xói ngầm, tạo nên các hốc nhỏ ban đầu và mở rộng thành hang lớn, cuối cùng trần hang sụp xuống đột ngột để lại các hố sâu. Vậy thì nước ngầm ở đâu ra? Theo ông Diệp, tình trạng ngập nước thường xuyên do mưa và thủy triều khiến một phần không nhỏ nước bị thấm xuống dưới mặt đường, tạo thành những dòng nước ngầm âm thầm gây xói lở trong lòng đất. Đồng thời, hệ thống ống cấp thoát nước bị nứt vỡ, nước tuôn xả với áp lực lớn càng dễ gây xói ngầm với tốc độ nhanh. Từ phân tích đó, ông Diệp cảnh báo tình trạng “hố tử thần” sẽ còn tiếp diễn, nhất là vào mùa mưa, nếu TP.HCM không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Phòng cháy hơn chữa cháy

“Hố tử thần” âm thầm xuất hiện sâu trong lòng đất và sụt xuống bất thình lình, không thể đoán trước thời gian và địa điểm, bởi vậy các chuyên gia đang đau đầu tìm giải pháp cho tình trạng này. PGS-TS Nguyễn Thành Vấn (Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) đề xuất áp dụng radar xuyên đất (GPR) để dò “hố tử thần”. Đây là phương pháp địa vật lý hiện đại, hoạt động trên cơ sở sự lan truyền sóng điện từ trong đất và ghi nhận những tín hiệu phản xạ để tìm ra các dấu hiệu bất thường trong đất. Radar xuyên đất có khả năng phát hiện các lỗ hổng và khe nứt tự nhiên, xác định các vị trí bị lún… Viện Vật lý địa cầu từng dùng phương pháp này để khảo sát, khoanh vùng các vị trí tổ mối đang là ẩn họa trong thân các công trình đê đập mỗi mùa lũ; áp dụng thành công trong dự báo sạt lở bờ sông Sài Gòn tại bán đảo Thanh Đa…

Dù GPR là phương pháp tiên tiến đã được nhiều nước ứng dụng trong việc kiểm soát cấu trúc lòng đất, song nhiều chuyên gia vẫn cho rằng việc sử dụng đại trà loại máy này để dò tìm “hố tử thần” là rất khó. Bởi ngoài 1.500 km cống thoát nước, 3.500 km ống cấp nước chính, TP.HCM còn có hệ thống cáp điện, viễn thông chằng chịt trong lòng đất, nên việc sử dụng radar dò từng mét vuông đường để phát hiện “hố tử thần” không cách gì làm xuể.

TS Nguyễn Ngọc Thu - Giám đốc Trung tâm Địa vật lý miền Nam - cho rằng, hiện chúng ta đang rơi vào tình trạng chạy theo giải quyết “sự đã rồi”. Do đó, cần thu thập và thành lập ngay cơ sở dữ liệu để quản lý các công trình hạ tầng, công trình ngầm trên toàn TP một cách bài bản, kịp thời phát hiện và khắc phục các dị thường trong lòng đất. Trước mắt, có thể sử dụng radar xuyên đất để dò tìm và thành lập bản đồ công trình ngầm đô thị. “Nếu không quản lý chặt, ngay cả các tuyến đường mới như đại lộ Đông Tây cũng không thể dám chắc không xuất hiện hố tử thần sau một thời gian ngắn” - ông Thu cảnh báo. TS Lê Hoài Quốc - Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM - cho biết sẽ tổng hợp các giải pháp trị “hố tử thần” để báo cáo UBND TP trong ngày 13.1.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.