Đảo cai nghiện

21/12/2014 09:25 GMT+7

Nằm giữa lòng hồ Thác Bà bao la, Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội tỉnh Yên Bái (H.Yên Bình, tỉnh Yên Bái) mỗi năm tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm người nghiện đến đoạn tuyệt với ma túy.

Nằm giữa lòng hồ Thác Bà bao la, Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội tỉnh Yên Bái (H.Yên Bình, tỉnh Yên Bái) mỗi năm tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm người nghiện đến đoạn tuyệt với ma túy.

Đảo cai nghiện
Học viên sau khi dứt cơn được dạy nghề - Ảnh: Hà An
Khu chăn nuôi của các học viên trên đảo - Ảnh: Nam Anh
Vườn rau xanh của các học viên cai nghiện - Ảnh: Hà An
Được thành lập từ năm 1992, Trung tâm vẫn được người ta quen gọi bằng những cái tên dân dã như Trại cai nghiện Thác Bà, Trung tâm cai nghiện Thác Bà, Đảo cai nghiện Thác Bà... Trong số này, cái tên Đảo cai nghiện Thác Bà được dùng nhiều hơn cả. Mà cũng đúng, khi cả 3 khu cai nghiện, dứt cơn và học nghề của trung tâm đều nằm cô lập giữa những hòn đảo um tùm cây trái trong khu lòng hồ Thác Bà rộng lớn, cách bờ hàng chục phút đi xuồng máy. Xa thế, nhiều học viên chỉ biết rỉ tai nhau “bỏ trốn là chết đuối chắc”...

6 lần lên đảo tìm lại sự sống
Hôm chúng tôi đến đảo là khoảng cuối năm, dịp những người nghiện cai thuốc thành công được đoàn tụ cùng gia đình. Ông Mùa Lủ Câu (62 tuổi, quê xã Kim Nội, H.Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái) là một trong số đó. Hiện ông Câu đếm từng ngày để trở về với vợ và 5 con đúng dịp Tết dương lịch. Ông kể năm 20 tuổi đã bắt đầu hút “cơm đen” (thuốc phiện). Tới năm 45 tuổi, ông chuyển sang dùng “hàng trắng”. “Khi đó, mỗi ngày dùng tới 3 lần, mất khoảng 200.000 đồng cơ. Để có tiền mua thuốc, mình phải leo hết các đỉnh núi ở Kim Nội kiếm củi, kiếm rau rồi đem ra chợ bán. Có bữa mưa ướt, đường trơn, mình ngã núi tưởng phải bỏ mạng. Tới khi nằm nhà, không có tiền mua thuốc thì mình lấy trộm tiền của vợ con”, ông Câu kể.
Lên đảo, ông Câu được điều trị cắt cơn, được dạy nghề. “Thời gian đầu thèm thuốc nên lúc nào cũng có ý định trốn khỏi đảo. Nhưng cứ đứng nhìn ra lòng hồ Thác Bà sâu thăm thẳm, rộng mênh mông không thấy bờ, rồi nhớ lại câu chuyện các học viên kể về con nghiện 21 tuổi quê Phú Thọ lao xuống bỏ trốn, bơi tới giữa hồ thì chìm nghỉm... là khắp người lại nổi gai ốc”, ông Câu kể và nói từ đó ý định trốn đảo mất hẳn.
Anh Đoàn Văn Lương, cán bộ quản lý giáo dục của đảo, cho hay đảo có gần 300 học viên, đủ các thành phần, từ già tới trẻ, từ cán bộ có bằng đại học đến người làm nghề phổ thông... Có học viên chỉ một lần tới đảo là đoạn tuyệt được với “cái chết trắng”, nhưng cũng có học viên ra vào đảo như “đi chợ”. Lê Tiến Thành (36 tuổi, ngụ ở TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái) là một trong số đó. Chàng trai có bằng đại học này từng 6 lần đặt chân lên đảo, hiện đang đếm ngược từng ngày để trở về bên gia đình. “Nhà có 3 chị em, mỗi mình là con trai, nên khi xuống Hà Nội nhập học mình được các cụ cưng chiều. Có điều kiện, mình bắt đầu a dua theo đám bạn dùng thử ma túy, rồi nghiện lúc nào không hay. Khi đó là năm thứ 2 đại học. Tới năm 2002, sau khi ra trường về quê công tác được 2 năm, gia đình mới phát hiện mình nghiện”, Thành kể.
Thời gian đầu, lo sợ điều tiếng với thiên hạ, hằng tuần, bố mẹ bắt xe khách đưa Thành tới một cơ sở cai nghiện tư nhân ở Quảng Ninh, với hy vọng giúp cậu con trai từ bỏ ma túy. Suốt gần năm trời, hao tốn tiền của là vậy, nhưng kết quả không như mong đợi. Cuối cùng, bố mẹ Thành đành đưa con lên Đảo cai nghiện Thác Bà.
Theo các cán bộ, do nghiện nặng, nên thời gian đầu ở đảo mỗi lần điều trị cắt cơn Thành như chết đi sống lại, nằm mê mệt trên giường. Nhưng rồi được y, bác sĩ tận tình chăm sóc, Thành dần lấy lại sức khỏe. “Lần này Thành quyết tâm rất cao để trở về nhà lấy vợ. Một cô bạn gái ở cùng thành phố rất thương Thành, đã nhận lời cầu hôn”, một cán bộ nói.

Người đưa đò cần mẫn
Để đặt chân lên Đảo cai nghiện Thác Bà, chẳng còn cách nào khác ngoài đi thuyền. Trong suốt hơn 20 năm qua, hàng nghìn người nghiện cứ đến rồi lại đi, nhưng chỉ còn mình ông Nguyễn Xuân Quản (65 tuổi, ngụ ở thị trấn Thác Bà, H.Yên Bình) cùng chiếc thuyền máy cũ kỹ của mình vẫn ở đó. Công việc thường ngày của ông là lái thuyền đưa đón những người nghiện lên đảo cai thuốc, làm lại cuộc đời; rồi lại đưa họ về sau khi hết nghiện.
Ông Quản nhẩm tính, mỗi tháng ông đưa đón trên dưới 30 trường hợp và gia đình họ cập đảo. “Người nghiện đến từ nhiều tỉnh khu vực phía bắc. Có người mà tôi đã quen mặt, nhưng cũng có cậu thanh niên lần đầu tới đây, khi xuống thuyền đưa tiễn lên đảo còn có cả mẹ già, vợ dại, con thơ đi theo, nhìn vừa đáng thương, vừa đáng trách... Cũng không ít trường hợp cai thuốc theo dạng bắt buộc, khi vừa xuống thuyền, thấy tôi đã lớn tiếng quát tháo om xòm. Ngụ ý nói mình là kẻ tiếp tay để đày ải anh ta vào nơi khổ cực”, ông Quản kể.
Ông Quản vẫn nhớ, vào một ngày nắng hè oi ả vài năm trước, cán bộ chức năng đưa ba người nghiện xuống thuyền ông để lên đảo. Thuyền chạy được một quãng, lợi dụng sơ hở của cán bộ, ba người nghiện lao xuống hồ, lấy hết sức bơi vào mấy hòn đảo hoang, cây cối um tùm. Trước khi trốn mất dạng, đám nghiện còn giơ nắm đấm và hô lớn “ông già cứ liệu liệu, có ngày tao đốt cả thuyền”. “Lúc đấy tôi cũng thấy lo lo, biết đâu đám nghiện bỏ trốn được tối quay lại đốt thuyền thật. Nhưng nghĩ lại, tôi cũng chỉ làm công việc, làm phúc, giúp đỡ những số phận lầm đường lạc lối trở về với gia đình, hòa nhập cùng xã hội. Nên những ngày sau đó tôi vẫn rong thuyền ra bến như thường”, ông Quản nói và khoe “cứ dịp cuối năm, nhiều học viên cai thành công trở về bên gia đình, nhớ tới tôi họ vẫn quay lại bến đò năm xưa thăm hỏi”.

Không có “giáo án cứng”
Trong suốt thời gian lưu lại đảo, chẳng bao giờ thấy ông Lê Công Huấn, Giám đốc Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội tỉnh Yên Bái, nhắc tới những vất vả, khó khăn của cán bộ, nhân viên nơi đây. Phải tới khi chúng tôi thắc mắc, ông mới thổ lộ đôi chút. Theo ông Huấn, hiện số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Yên Bái ngày một tăng, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên, lứa tuổi lao động. Với trên 3.000 người nghiện, thì chỉ khoảng 1/6 được đưa tới trại. Số còn lại ở ngoài xã hội. Trong khi đó, công tác cai nghiện và quản lý sau cai còn rất nhiều bất cập dẫn đến tỷ lệ tái nghiện còn cao. Đặc biệt, số người nghiện bị nhiễm HIV/AIDS chiếm trên 50% số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, khi bước chân lên đảo là chấp nhận đối mặt với môi trường phơi nhiễm HIV/AIDS cao.
Dù vậy, cuộc sống thường ngày của những nhân viên y tế, bác sĩ, cán bộ quản lý và học viên đã không còn khoảng cách. “Để giúp người nghiện mau chóng cắt cơn, chuyển sang sinh hoạt lao động như người thường, thì chính việc giáo dục họ phải linh hoạt, chẳng theo một giáo án cứng nào cả. Cán bộ không chỉ đóng vai trò là người thầy, người quản giáo, mà còn là nhà tư vấn, tâm lý, là chỗ dựa tinh thần cho mỗi học viên... Thậm chí, với những học viên mới nhập trại, cán bộ cần phải áp dụng nhiều biện pháp tâm lý, đêm đến còn phải ngủ cùng nhằm ngăn chặn hành vi tự vẫn hay ý nghĩ tiêu cực của họ”, ông Huấn nói.
Dẫn chúng tôi tới thăm khu chăn nuôi của học viên trên đảo, ông Huấn chỉ vào những vườn rau xanh mơn mởn, hào hứng: “Nhìn thế này thôi nhưng mỗi ngày đủ cung cấp cho nhà bếp cả tạ rau xanh đấy, tương đương 50% rau xanh trong bữa ăn của học viên mỗi ngày. Hiện chúng tôi đã làm dự án mô hình chăn nuôi gà lấy trứng và lợn thịt, đề xuất lên lãnh đạo tỉnh. Nếu được phê duyệt hỗ trợ kinh phí con giống cho lứa đầu, về sau toàn bộ bữa ăn của học viên sẽ đầy đủ từ rau xanh, thịt, trứng... Như thế không chỉ tiết kiệm, mà còn đảm bảo các học viên được dùng đồ tươi ngon, an toàn, đảm bảo sức khỏe”.
Nơi tình yêu đơm hoa
Khi hỏi về câu chuyện kết thúc có hậu nhất, học viên nào cũng có thể kể vanh vách về đám cưới của hai học viên với hai nữ y tá trên đảo, trong sự mừng vui khôn tả. Đó là đám cưới của y tá Vũ Thị Hồng Vi với anh Lại Xuân Bính và y tá Trương Thị Kim Hiền với anh Dương Tiến Hồng.
Chị Hiền nhớ lại: “Sau vài lần cắt cơn, anh Hồng trở lại là người đàn ông chăm chỉ lao động, hiền lành chất phác, điều đó khiến mình rất vui... Rồi cũng không hiểu anh Hồng để ý mình từ bao giờ. Tới khi yêu rồi, anh có nói vì mặc cảm là con nghiện đi cai, nên phải sau rất nhiều lần lấy hết can đảm mới dám ngỏ lời. Sau 3 năm cắt cơn, mình với anh Hồng lấy nhau”.
Thời gian đầu, vì công việc, chị Hiền biền biệt trong đảo, anh Hồng phải lo chu tất mọi công việc trong gia đình, từ đưa đón hai con cho tới miếng ăn giấc ngủ. Còn giờ, những ngày cuối tuần, không phải trực, chị Hiền lại vào bờ, về với gia đình nhỏ để chăm sóc chồng và hai con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.