Đánh giá tín nhiệm là quyền giám sát của Quốc hội

16/06/2014 09:00 GMT+7

Việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội là thực thi quyền giám sát tối cao của Quốc hội, không nên nhìn nhận hoạt động này là thăm dò tín nhiệm để đưa ra 3 mức đánh giá tín nhiệm và lấy phiếu cả chức danh khối dân cử".

"Việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội là thực thi quyền giám sát tối cao của Quốc hội, không nên nhìn nhận hoạt động này là thăm dò tín nhiệm để đưa ra 3 mức đánh giá tín nhiệm và lấy phiếu cả chức danh khối dân cử".

 
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm tại hội trường năm 2013 - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Trung tướng Trần Văn Độ (ảnh), Phó chánh án TAND tối cao, Chánh tòa Quân sự T.Ư, bày tỏ quan điểm trên khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên về quy định lấy phiếu tín nhiệm trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35 của Quốc hội (QH) về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh được QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

* Tại các phiên thảo luận về nội dung sửa đổi Nghị quyết 35 của QH cho thấy, vẫn còn nhiều ý kiến không đồng tình giữ nguyên quy định 3 mức tín nhiệm. Cá nhân ông cho rằng nên để mấy mức tín nhiệm để việc lấy phiếu tín nhiệm đúng thực chất?

- Tôi đã từng phát biểu, tín nhiệm chỉ nên 2 mức: tín nhiệm hoặc không tín nhiệm, hoặc là tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp. Còn để phân định rõ mức độ tín nhiệm như thế nào là cao hay thấp thì phải căn cứ vào tỷ lệ phiếu đánh giá, tức là chúng ta phải đánh giá tín nhiệm bằng định lượng chứ không phải bằng định tính như vừa qua. Ví dụ, một người có 80% ĐBQH đánh giá tín nhiệm thì người đó là tín nhiệm cao, hoặc 50 - 70% ĐB đánh giá tín nhiệm thì người đó coi như đạt mức tín nhiệm trung bình, còn dưới 50% thì đó là tín nhiệm thấp.

* Ban soạn thảo lý giải vẫn để 3 mức tín nhiệm vì cho rằng mục đích lấy phiếu là bước thăm dò tín nhiệm, làm cơ sở cho công tác cán bộ. Nhiều ĐBQH cho rằng cách lý giải như vậy là không thuyết phục, rất “khó ăn nói” với cử tri sau kỳ họp?

Nên để 2 mức tín nhiệm

Tôi cho rằng chỉ nên để 2 mức tín nhiệm khi lấy phiếu tín nhiệm tại QH, HĐND các cấp để có cơ sở định lượng rõ ràng trong đánh giá tín nhiệm. Việc lấy phiếu cũng nên tiến hành một nhiệm kỳ 2 lần, 1 lần vào kỳ họp cuối năm thứ 2 và 1 lần vào kỳ họp cuối của nhiệm kỳ đó. Nếu chỉ lấy tín nhiệm 1 lần trong cả nhiệm kỳ là quá ít. Ngoài ra, về đối tượng lấy phiếu, nên mở rộng ra các chức danh như giám đốc các sở ngành cơ quan hành pháp ở địa phương vì các quyết sách của các chức danh này ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến người dân.

(ĐB Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH)

- Tôi thì cho rằng việc đánh giá tín nhiệm tại QH là QH thực hiện quyền hạn giám sát tối cao của mình đối với hoạt động của chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Giám sát đó là gì, chính là đánh giá mức tín nhiệm của anh đối với ĐB trong việc anh xử lý công việc, thực thi nhiệm vụ được giao phó. Qua lấy phiếu để người nào tín nhiệm cao còn phát huy, người nào tín nhiệm trung bình thì khắc phục hạn chế và người nào tín nhiệm thấp thì rõ ràng tự phải kiểm điểm, đánh giá hoặc QH miễn nhiệm chức danh đó.

Tôi không nhất trí quy định mục đích của lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm đều giống nhau, trong khi hệ quả pháp lý lại khác nhau. Làm như vậy không khéo là hình thức.

* Trước khi sửa Nghị quyết 35, cử tri và không ít ĐB cho rằng nên tập trung sửa các quy định như mức tín nhiệm, đối tượng được lấy phiếu… để tránh hình thức trong đánh giá tín nhiệm. Nhưng nội dung dự thảo sửa đổi lại gần như “bảo lưu” các quy định đó?

- Nhiều ĐB cũng đã nói, cái cần khắc phục thì không khắc phục, như việc để 3 mức tín nhiệm rất khó để đánh giá, trong khi đó lại sửa thành cả nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần, như vậy là quá ít. Tất nhiên hằng năm lấy thì không nên nhưng ít nhất cũng phải 2 năm 1 lần. Nếu quy định lấy phiếu tín nhiệm 1 lần như hiện nay thì sau khi lấy phiếu, nếu tín nhiệm quá thấp, làm thủ tục bỏ phiếu để miễn nhiệm hoặc bãi miễn thì hết nhiệm kỳ rồi còn đâu.

Qua tiếp xúc cử tri cho thấy, cử tri rất hoan nghênh việc lấy phiếu nhưng cho rằng tính hình thức hơi nhiều, đặc biệt là 3 mức tín nhiệm, vì lấy phiếu tín nhiệm ở QH, HĐND các cấp vừa qua, trong cả bộ máy không có một trường hợp nào bị xử lý. Nếu vẫn cứ tiếp tục cách làm này thì liệu kết quả tương tự có lặp lại hay không, và điều đó có đồng nghĩa với tất cả những người được bầu ra hoặc được phê chuẩn đều xứng đáng và đều làm tốt nhiệm vụ hay không. Trong khi thực tế thì bao nhiêu vấn đề người dân bức xúc.

* Thưa ông, nếu nhìn nhận lấy phiếu tín nhiệm là một trong những hoạt động giám sát của QH, của HĐND các cấp thì QH, HĐND chỉ nên lấy phiếu các chức danh ở cơ quan hành pháp, tư pháp, thay vì cả chức danh cơ quan dân cử như hiện nay?

- Tôi cho rằng đây là hoạt động giám sát của QH đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn ở cơ quan hành pháp và tư pháp. Còn đối với các chức danh cơ quan thuộc về lập pháp, nếu tự mình bỏ phiếu cho mình thì không thực chất lắm, vì các chức danh lập pháp thì hoạt động theo dân chủ nghị trường, một ông chủ nhiệm cũng chỉ như một ông ĐB khác khi biểu quyết đều một phiếu ngang nhau trong mọi quyết sách, nên đánh giá rất khó. Trong khi hành pháp, tư pháp rất rõ tính chỉ huy, hành chính mệnh lệnh của người lãnh đạo. Còn nếu thăm dò tín nhiệm hằng năm thì có các cơ chế khác rồi.

Vì thế nếu cho rằng lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát thì đánh giá tín nhiệm cơ quan hành pháp, tư pháp là đương nhiên, nhưng ban soạn thảo cho rằng đây là cách thăm dò nên lại đưa vào cả các chức danh lập pháp.

Thảo luận các luật về nhà ở, quyền công dân

Theo nghị trình, trong tuần này, QH sẽ thảo luận tại hội trường về nhiều dự luật quan trọng, trong đó có luật Đầu tư công, luật Căn cước công dân, luật Doanh nghiệp và các luật sửa đổi khác như luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản.

Ngoài các dự luật trên, QH cũng sẽ họp riêng về nội dung các luật như luật CAND sửa đổi và luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Sĩ quan QĐND Việt Nam. Biểu quyết thông qua một số dự luật quan trọng như luật Phá sản sửa đổi, luật Hôn nhân và gia đình  sửa đổi...

Hôm nay (16.6), QH sẽ thảo luận tại hội trường về dự án luật Tổ chức QH (sửa đổi) và luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; biểu quyết thông qua luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bảo Cầm (thực hiện)

>> Nếu dừng hẳn lấy phiếu tín nhiệm là một bước lùi
>> Sẽ sửa quy định về lấy phiếu tín nhiệm
>> TP.HCM lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch UBND quận, huyện theo 2 mức
>> Đề nghị lấy phiếu tín nhiệm tới các giám đốc sở
>> Lấy phiếu tín nhiệm: Đề nghị chỉ nên để 2 mức
>> Cần cụ thể việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm
>> HĐND TP.Hải Phòng lấy phiếu tín nhiệm 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.