Đại án Huỳnh Thị Huyền Như: Tòa mời đại diện các ngân hàng xác minh

16/12/2014 20:30 GMT+7

(TNO) Ngày 16.12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo 4.000 tỉ đồng. Như xin lại căn biệt thự thuộc dự án The Nam Hải (Quảng Nam) cho mẹ với lý do đó là tài sản mang tên mẹ mình trước khi vụ án xảy ra.

(TNO) Ngày 16.12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo 4.000 tỉ đồng. Như xin lại căn biệt thự thuộc dự án The Nam Hải (Quảng Nam) cho mẹ với lý do đó là tài sản mang tên mẹ mình trước khi vụ án xảy ra.

Huyền Như tại phiên xử ngày 16.12Huyền Như tại phiên xử ngày 16.12 - Ảnh: Ngọc Lê
Các bị cáo tại phiên tòa sáng16.12 - Ảnh: Ngọc Lê
Đại diện Viện KSND Tối cao giữ nguyên quyết định kháng nghị tăng hình phạt đối với hai bị cáo Võ Anh Tuấn và Đào Thị Tuyết Dung.
Bị cáo Lương Thị Việt Yên, nguyên Trưởng phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam (Vietinbank), chi nhánh Nhà Bè xin thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại tòa, Như thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng như bản án cấp sơ thẩm cáo buộc. Sau khi Như nói về quy trình mở tài khoản tiền gửi và tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng, HĐXX cho rằng đó là quy trình đúng luật nhưng thực tế lại không giống như vậy.
Khi chủ tọa thẩm vấn Như về thủ tục và các điều kiện để cá nhân hoặc tổ chức mở tài khoản tại ngân hàng, hay quy trình các lệnh chuyển tiền đi, Như ấp úng. Như khai tại tòa, muốn lệnh chi của ngân hàng có hiệu lực thì phải qua một số bước và đặc biệt ngân hàng sẽ phải từ chối thực hiện lệnh chi trong trường hợp đối chiếu mẫu con dấu, chữ ký không đúng.
Như khai thêm, Vietinbank có máy phóng to chữ ký của khách hàng giúp bộ phận chuyên môn dễ dàng đối chiếu thật, giả, còn “bằng mắt thường thì khó phát hiện”.
Sau khi thẩm vấn Huyền Như, HĐXX lần lượt mời đại diện các ngân hàng lên để xác minh.
Đối với câu hỏi có quy định nào cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện việc ủy thác tiền gửi sang ngân hàng khác hay không. Phía đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và Navibank cho rằng Luật các tổ chức tín dụng 2011 cho phép các ngân hàng được phép ủy thác tiền gửi sang ngân hàng khác. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Hùng đại diện cho Vietinbank khẳng định “không có bất kỳ quy định nào của pháp luật cho phép việc ngân hàng ủy thác cho nhân viên gởi tiền qua ngân hàng khác gửi để lấy lãi suất cao”.
Cùng một câu hỏi, cùng một quy định pháp lý nhưng đại diện các ngân hàng lại có hai ý kiến trái ngược nhau vì thế, HĐXX yêu cầu đại diện Ngân hàng Nhà nước làm trọng tài. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước xin không trả lời câu hỏi này.
Khi tòa hỏi đại diện Vietinbank vì sao để Như thực hiện các “quy trình ngược” rồi lừa đảo chiếm đoạt và trách nhiệm thuộc về ai, đại diện Vietinbank trả lời: “Có kiểm tra nhưng khó phát hiện”. Cũng theo đại diện Vietinbank, với chức Phó trưởng phòng giao dịch, Như không có chức vụ quyền hạn mà chỉ có nhiệm vụ quản lý nhân sự và quản lý tài sản.
Cũng trong ngày 16.12, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM ra lệnh triệu tập ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc Vietinbank tại TP.HCM, đã nghỉ hưu) đến tòa với tư cách là người làm chứng trong thời gian xét xử vụ án.
Theo lệnh triệu tập, sáng 17.12 ông Sẽ phải có mặt tại tòa. Nếu trong trường hợp ông Sẽ không đến tham dự phiên tòa, cơ quan chức năng sẽ dùng biện pháp dẫn giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.